Tiêu chuẩn xuất viện với trẻ sinh non

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trẻ sinh non thường gặp một số vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, bé sẽ được nuôi dưỡng và theo dõi tại bệnh viện một thời gian. Và khi đạt một số tiêu chuẩn về thể trạng, sức khỏe, trẻ sinh non có thể được xuất viện.

1. Sinh non là gì?

Sinh non là trẻ sinh ra trước 37 tuần tuổi thai hoặc trước 259 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối của mẹ. Có khoảng 12% tổng số trẻ được sinh ra là non tháng. Tuần tuổi thai sẽ được làm tròn. Ví dụ trẻ sinh lúc 28 tuần 4 ngày được tính là sinh non 28 tuần hoặc chi tiết hơn là 28 4/7 tuần. Trẻ sinh trước 28 tuần là cực non tháng; từ 28 - dưới 34 tuần là non tháng, từ 34 - dưới 37 tuần là trẻ non muộn.

Yếu tố nguy cơ khiến trẻ sinh non có thể bắt nguồn từ mẹ hoặc từ thai nhi và phần phụ. Nguyên nhân từ mẹ gồm: Hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, tiền sử có khoét chóp cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu, viêm nha chu, u xơ tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh, có tiền sử sinh non,... Nguyên nhân từ con và phần phụ gồm mang đa thai, thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non, thai chậm tăng trưởng, thai có khuyết tật, rau tiền đạo, rau bong non, đa ối,...

Vì được sinh ra trước thời điểm các cơ quan trong cơ thể hoàn thiện về mặt chức năng cũng như giải phẫu nên trẻ sinh non phải đối diện với nhiều nguy cơ, biến chứng và gặp nhiều khó khăn trong dinh dưỡng. Cơ quan sinh dục của trẻ chưa phát triển, dễ bị lạnh, dễ tổn thương, dễ nhiễm trùng và gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, kéo dài khác như:

  • Hô hấp: Suy hô hấp (thở yếu), ngưng thở, phổi chưa phát triển, bệnh phổi mạn tính;
  • Tim mạch: Còn ống động mạch, chậm nhịp tim, huyết áp không ổn định;
  • Tiêu hóa: Chưa bú được, ăn khó, khó tiêu, viêm ruột hoại tử;
  • Thận: Chưa trưởng thành;
  • Máu, chuyển hóa: Dễ thiếu máu nên thường xuyên cần truyền máu, vàng da;
  • Thần kinh: Xuất huyết não, bệnh lý não non tháng, co giật;
  • Mắt: Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non.

Trẻ sinh non có thể có nhiều nguy cơ
Trẻ sinh non có thể có nhiều nguy cơ

2. Chăm sóc, theo dõi trẻ sinh non tại bệnh viện

Trẻ sinh non có thể phát triển tốt như trẻ sinh đủ tháng nếu thực hiện đúng các nguyên tắc chăm sóc như:

  • Theo dõi hô hấp và oxy liệu pháp: Trẻ sinh non có nguy cơ suy hô hấp do thiếu hụt surfactant, dễ xuất hiện những cơn ngưng thở. Nếu không theo dõi sát và phát hiện sớm để xử trí thì trẻ có nguy cơ tử vong. Các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của suy hô hấp thường xuất hiện trong vòng 4 giờ sau sinh gồm thở nhanh, thở rên, thở co lõm ngực hoặc co kéo cơ liên sườn, tím tái. Vì vậy, cần theo dõi, hỗ trợ hô hấp cho trẻ sinh non;
  • Phòng ngừa hạ thân nhiệt: Trẻ sinh non dưới 2kg nên được chăm sóc theo phương pháp kangaroo (đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc) ngay khi vừa được sinh ra, liên tục trong cả ngày lẫn đêm. Mục tiêu của phương pháp này nhằm phòng ngừa hạ thân nhiệt, giữ nhiệt độ trung tâm cơ thể của bé là 36.5 - 37 độ C, chân ấm và hồng. Nếu không thể chăm sóc kangaroo thì nên sử dụng lồng ấp cho bé;
  • Chú ý dinh dưỡng: Phần lớn trẻ sinh non vẫn có khả năng bú mẹ trực tiếp. Nếu bé không bú được thì nuôi trẻ sinh non bằng cách vắt sữa mẹ ra ly và đút cho trẻ bằng muỗng. Với trẻ không thể ăn bằng muỗng như bị sặc, không nuốt được,... thì cần nuôi ăn thông qua sonde dạ dày. Nên khuyến khích cho trẻ bú mẹ. Những người mẹ không có sữa hoặc chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ có thể dùng sữa từ ngân hàng sữa mẹ nếu có. Sữa công thức chỉ được sử dụng khi các phương pháp trên đều không thể thực hiện được. Đồng thời, cần theo dõi lượng sữa mỗi ngày bé bú được để tính toán lượng dịch chính xác theo nhu cầu của trẻ. Đặc biệt, cần cung cấp yếu tố vi lượng hằng ngày khi trẻ dung nạp tốt sữa mẹ;
  • Đảm bảo môi trường vô trùng: Môi trường xung quanh trẻ sinh non phải đảm bảo nguyên tắc vô trùng. Người lớn nên hạn chế tiếp xúc với trẻ nếu không cần thiết, thực hiện vệ sinh tay khi tiếp xúc, thăm khám và thực hiện các thủ thuật trên bé. Ngưng nuôi ăn tĩnh mạch khi trẻ bú khá lên càng sớm càng tốt để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?

Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

3. Tiêu chuẩn xuất viện với trẻ sinh non

Trẻ sinh non xuất viện khi đạt các yêu cầu cơ bản để đảm bảo duy trì sức khỏe ở mức ổn định và tránh những vấn đề có thể gặp phải. Những tiêu chí quan trọng gồm:

  • Da hồng hào, có khả năng bú mẹ hoặc ăn đủ lượng sữa mà không bị suy hô hấp;
  • Tăng 10 - 15g trọng lượng cơ thể mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp;
  • Thân nhiệt ổn định với nhiệt độ phòng;
  • Trẻ không có cơn ngừng thở nặng và nhịp tim chậm trong 5 ngày;
  • Mẹ hoặc người nuôi dưỡng được hướng dẫn, có khả năng tự thực hiện việc chăm sóc trẻ;
  • Nên hẹn tái khám mỗi tháng một lần trong 3 tháng đầu. Sau đó tái khám mỗi 3 tháng/lần trong năm đầu tiên.

Nên hẹn tái khám cho trẻ đều đặn
Nên hẹn tái khám cho trẻ đều đặn

4. Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

Sau khi được xuất viện, trẻ sinh non cần được chăm sóc cẩn thận tại nhà với những lưu ý quan trọng sau:

  • Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh: Các bé sinh non dễ bị nhiễm trùng nên phụ huynh cần vệ sinh phòng bé ở hằng ngày bằng các dung dịch khử trùng như Dettol hoặc Savlon; không để người bị sốt, cảm lạnh, ho hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng tiếp xúc với bé; yêu cầu người tiếp xúc với trẻ rửa tay, khử trùng, đeo khẩu trang và mặc quần áo sạch;
  • Vệ sinh cá nhân và massage cho bé: Sử dụng các loại dầu massage phù hợp với da của trẻ (dầu dừa được khuyên dùng); tắm cho trẻ hằng ngày bằng bọt biển với nước đun sôi để ấm; nên thoa dầu dưỡng ẩm cho trẻ 2 lần mỗi ngày vào trời lạnh; chăm sóc trẻ bằng phương pháp kangaroo (da kề da) để giữ ấm cơ thể, ổn định nhịp thở, giúp trẻ ngủ ngon và phát triển cả tinh thần lẫn thể chất;
  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng: Giữ nhiệt độ phòng của trẻ ở mức ổn định. Vào mùa lạnh nên giữ ấm phòng bằng máy sưởi (chú ý đặt máy sưởi cách xe bé tối thiểu 2m). Vào mùa nóng cần đảm bảo phòng trẻ mát mẻ và thoáng khí;
  • Cho trẻ bú: Nên cho bé bú trực tiếp. Nếu trẻ gặp các vấn đề về mút hoặc nuốt, có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ để cho bé uống sữa. Cha mẹ nên cho bé bú cách mỗi 2 - 3 tiếng, lượng sữa đảm bảo theo đề nghị của bác sĩ. Không cho bú khi trẻ đang ngủ mà cần đánh thức bé dậy để bú sữa. Khi cho bé bú, mẹ nên nâng nhẹ đầu bé lên cao hơn so với bụng để tránh trào sữa. Đồng thời, nên cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú bằng cách vỗ nhẹ vào lưng bé;
  • Gặp bác sĩ: Tái khám đúng hẹn hoặc đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các tình trạng bất thường, không kiểm soát được như sốt, vàng da, bú nôn ói nhiều lần, thở nhanh co lõm ngực, bụng trướng, rốn đỏ, tiêu lỏng,... Đồng thời, nên đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch được chỉ định. Trẻ cũng cần được theo dõi và đánh giá hàng tuần về sự tăng cân và khả năng dung nạp sữa cho đến khi cân nặng đạt 3kg và đủ tuần tuổi thai.

Phụ huynh cần đặc biệt cẩn thận khi chăm sóc trẻ sinh non. Nếu thực hiện đúng theo những lời khuyên trên, bé sẽ phát triển tốt về trí tuệ và thể chất như trẻ sinh đủ tháng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe