Tiền đái tháo đường có tiến triển thành tiểu đường không?

Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán thành bệnh. Tiền đái tháo đường nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực, mù lòa, suy thận, bệnh lý tim mạch,...

1. Tiền đái tháo đường có tiến triển thành tiểu đường không?

Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán thành bệnh. Theo điều tra vào năm 2012 của Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho thấy tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường tại Việt Nam thường cao hơn gấp đôi so với đái tháo đường. Tiền đái tháo đường nếu không được điều trị sẽ tiến triển thành đái tháo đường, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và cuối cùng là biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra như giảm thị lực, mù lòa, suy thận, bệnh tim mạch, phẫu thuật cắt chi. Bên cạnh đó, một số trường hợp ở thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường thì những biến chứng về mạch máu lớn gây bệnh lý tim mạch đã tồn tại trong giai đoạn tiền đái tháo đường.

Theo nhiều nghiên cứu cho rằng mỗi năm có khoảng 11% người tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường và 15-30% người bệnh tiền đái tháo đường sẽ mắc đái tháo đường trong vòng 5 năm. Trong 10 năm con số này có thể lên tới 50%. Vì vậy, việc tầm soát giúp chẩn đoán sớm tiền đái tháo đường ở những người có nguy cơ cao như thừa cân, tăng huyết áp, béo phì, gia đình có tiền sử đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,... là rất quan trọng.

2. Dấu hiệu tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường là giai đoạn đầu mà người bệnh cần được xác định sớm nhưng thường không có dấu hiệu rõ ràng. Một số triệu chứng bất thường về sức khoẻ có thể là dấu hiệu của tiền đái tháo đường như:

  • Mệt mỏi
  • Lờ đờ
  • Mắt nhìn mờ
  • Không tập trung được
  • Màu da có xu hướng tối sạm hơn so với bình thường, đặc biệt là vùng da cổ, đầu gối, dưới nách, khuỷu tay,...

Tiền đái tháo đường là những tình trạng rối loạn dung nạp đường, vì vậy cần làm xét nghiệm để làm rõ tình trạng bệnh bằng phương pháp xét nghiệm glucose trong lúc đói và dựa vào tiêu chí đánh giá rối loạn glucose huyết. Ngoài ra, những trường hợp có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường cũng được coi là tiền đái tháo đường. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai tăng cân hay bị buồng trứng đa nang
  • Nguy cơ di truyền từ người trong gia đình
  • Thừa cân béo phì với BMI >23kg
  • Cao huyết áp
  • Máu nhiễm mỡ nặng
  • Rối loạn lipid như giảm HDL cholesterol, tăng triglycerid
  • Người trên 45 tuổi thừa cân và ít vận động
  • Người có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

3. Điều trị tiền đái tháo đường như thế nào?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn khởi phát bệnh nên chưa cần phải can thiệp sâu mà phương pháp điều trị chủ yếu là thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống và điều trị nội khoa.

3.1 Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý là cách điều trị tiền đái tháo đường tốt. Bạn nên tăng cường rau xanh, chất xơ, hoa quả chứa nhiều vitamin vào các bữa ăn hàng ngày. Chế độ ăn có thể làm giảm khả năng hấp thụ cholesterol trong máu. Đồng thời hạn chế tối đa mỡ động vật, thay thế bằng dầu thực vật, không uống nước ngọt, không ăn đồ ăn đóng hộp hay thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó hãy chế biến thực phẩm tươi sống để giữ nguyên chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Cần hạn chế hoặc tránh sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,...

3.2 Kiểm soát cân nặng

Đối với những người thừa cân béo phì thì đây chính là nguyên nhân mắc tiền đái tháo đường. Vì vậy, cách tốt để ngăn ngừa đái tháo đường tiến triển đó là kiểm soát cân nặng bằng nhiều giải pháp khác nhau như kết hợp chế độ ăn uống và luyện tập thể dục để giảm cân. Luôn giữ cho cơ thể khỏe mạnh và hướng tới chỉ số BMI chuẩn..

3.3 Tăng cường luyện tập thể thao

Rèn luyện thể chất, tập thể thao cũng là cách điều trị tiền đái tháo đường một cách tự nhiên và hiệu quả. Việc đi bộ hàng ngày hoặc chơi một môn thể thao yêu thích với cường độ hợp lý cũng giúp tiêu hao năng lượng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

3.4 Theo dõi sức khỏe thường xuyên

Nếu bạn đang bị tiền đái tháo đường thì nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường trong vài năm tới sẽ rất cao. Do vậy, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và làm xét nghiệm đo chỉ số đường máu định kỳ là rất cần thiết để điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp.

Tóm lại, tiền đái tháo đường là những tình trạng rối loạn dung nạp đường nhưng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán thành bệnh. Tiền đái tháo đường nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực, mù lòa, suy thận, bệnh lý tim mạch,... Do vậy, việc tầm soát tiền đái tháo đường là rất quan trọng, nếu bạn thấy xuất hiện những triệu chứng như mệt mỏi, khát nhiều, lờ đờ, không tập trung được,... thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe