Tóc bị rụng nhiều hay tóc rụng bất thường không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn có thể đang mắc bệnh. Vì thế, không thể chủ quan khi gặp tình trạng này. Vậy thường xuyên rụng nhiều tóc là dấu hiệu của bệnh gì và cách điều trị bệnh ra sao ?
1. Ai dễ bị rụng tóc?
Rụng tóc ảnh hưởng đến phần tóc trên da đầu hoặc đôi khi còn tác động đến phần lông trên toàn cơ thể. Hiện tượng rụng tóc nhiều có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bất kỳ ai cũng có thể bị rụng tóc, tuy nhiên nam giới thường có xu hướng bị hói đầu nhiều hơn hơn so với nữ giới.
Một số người không quá quan tâm đến tình trạng rụng tóc nhiều của bản thân mà để cho quá trình này diễn ra một cách tự nhiên. Một số trường hợp bệnh nhân rụng tóc nhiều cố gắng tìm cách khắc phục bằng cách dùng vật trang trí, tóc giả, khăn hoặc mũ để che đi. Tuy nhiên không dừng lại ở vấn đề thẩm mỹ, rụng tóc là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Rụng tóc nhiều là gì?
Rụng tóc nhìn chung là một hiện tượng sinh lý bình thường. Thông thường mỗi sợi tóc sẽ có thời gian sống từ 8 tháng đến 5 năm sau đó sẽ rụng đi và được thay thế bằng những sợi tóc mới. Trung bình một người mỗi ngày có thể rụng tóc sinh lý từ 50 – 100 sợi tóc là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu số lượng tóc rụng hàng ngày nhiều hơn 100 sợi, hoặc lượng tóc con mọc ra ít hơn so với lượng tóc rụng đi dẫn đến tình trạng hói một mảng lớn trên da đầu hay tóc thưa nhìn thấy rõ phần chân tóc thì đấy chính là dấu hiệu của rụng tóc do bệnh lý.
3. Nguyên nhân tóc rụng nhiều
- Do di truyền: Rụng tóc kiểu hói Androgenetic là rối loạn di truyền phụ thuộc có liên quan đến nội tiết tố androgen và sự gia tăng bất thường của enzyme 5 alpha - reductase ở trong cơ thể. Rụng tóc kiểu hói này đa số đều ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
- Do tuổi tác: Khi tuổi tác càng nhiều thì sự phát triển của tóc cũng sẽ dần chậm lại. Tại một vài thời điểm, nang tóc ngừng phát triển sẽ làm tóc mỏng và thưa hơn.
- Rối loạn nội tiết tố và bệnh lý: Một trong những nguyên nhân khiến tóc rụng vĩnh viễn hoặc tạm thời đó là thay đổi nội tiết tố khi mang thai, sinh con hoặc bị bệnh mãn kinh,.....Ngoài ra, có một số bệnh lý cũng có khả năng gây ra rụng tóc như bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch hay nấm do nhiễm trùng da đầu,.......
- Do sử dụng một số loại thuốc: Những thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, thuốc điều trị ung thư, bệnh lý tuyến giáp,... đều có thể gây ra tình trạng rụng tóc. Hầu hết rụng tóc do thuốc đều được phục hồi sau thời gian dùng thuốc, do đó không cần quá lo lắng hay căng thẳng vì stress cũng khiến tóc rụng nhiều đấy.
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho tóc: Trong mỗi cơ thể chúng ta đều cần có vitamin và khoáng chất như biotin, kẽm và sắt,...để phát triển nang tóc. Nếu thiếu những chất này cũng đồng nghĩa với việc tóc rụng nhiều, yếu, mỏng như thiếu sức sống. Bên cạnh đó, việc xạ trị vùng đầu, cổ hoặc thay đổi kiểu tóc thường xuyên cũng chính là nguyên nhân làm cho tóc yếu và rụng nhiều.
4. Rụng tóc nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?
Rụng tóc do bệnh lý là hiện tượng tóc rụng bất thường, rụng quá nhiều, hơn 100 sợi tóc mà không rõ nguyên nhân khiến mái tóc trở nên thưa mỏng trong một thời gian ngắn, một số trường hợp còn dẫn đến hói đầu. Vậy rụng tóc là dấu hiệu của bệnh gì?
4.1. Rụng tóc nhiều do hiện tượng lão hóa
Khi cơ thể của chúng ta già đi sẽ có nhiều thay đổi, hệ thống xương khớp không còn được dẻo dai, cơ quan bên trong cơ thể không hoạt động tốt như khi chúng ta còn trẻ, hệ miễn dịch cũng trở nên kém hơn... và quá trình lão hóa cũng không ngoại trừ tóc. Tóc chúng ta cũng yếu đi, đổi màu và dễ bị gãy rụng hơn khi tuổi càng cao. Vì thế người già thường có tóc bạc, tóc mỏng nhiều khi so sánh với lúc còn trẻ. Đây là quy trình lão hóa tự nhiên vì vậy thường rất khó để khắc phục được hoàn toàn.
4.2. Cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng
Nếu cơ thể không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cũng có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều, do tóc cũng như các cơ quan khác, khi không được hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, lâu ngày tóc sẽ suy yếu dần và dẫn đến rụng tóc. Ví dụ: tóc về cơ bản được tạo thành từ đạm, khi cơ thể bị thiếu đạm sẽ dẫn đến một số vấn đề về tóc.
4.3. Rụng tóc nhiều do vấn đề về nội tiết tố
Nội tiết tố rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cơ thể của chúng ta. Khi nội tiết tố không ổn định hoặc có vấn đề, cơ thể ngay lập tức sẽ có những thay đổi bất thường. Với các trường hợp phụ nữ mang thai và sau sinh, phụ nữ đang trong độ tuổi tiền mãn kinh, việc thay đổi nội tiết tố sẽ biểu hiện rất nhiều ở mái tóc khiến tóc rụng nhiều tóc hơn, mái tóc không còn dày như lúc chưa sinh nở hay lúc còn trẻ.
4.4. Hóa - xạ trị ung thư
Phương pháp xạ trị và hóa trị có thể gây rụng tóc nhiều. Đây là một tác dụng phụ khó tránh khỏi của phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị rụng tóc do hóa, xạ trị có thể mọc tóc trở lại sau khi đợt điều trị kết thúc.
4.5. Mất ngủ
Mất ngủ có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có rụng tóc. Giấc ngủ đầy đủ chính là cơ hội để cơ thể được nghỉ ngơi, đào thải độc tố và tái tạo năng lượng. Khi cơ thể mất ngủ kéo dài, nang tóc bị tổn thương sẽ không được phục hồi dẫn đến tóc hư yếu và rụng tóc nhiều...
4.6. Căng thẳng
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc nhiều. Căng thẳng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, gây ra những rối loạn trong cơ thể, làm rút ngắn chu kỳ phát triển của tóc, dẫn đến rụng tóc.
4.7. Rụng tóc nhiều do thiếu máu
Thiếu máu ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, trong đó có tóc. Tóc sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, từ đó bị suy yếu, gãy rụng.
4.8. Buồng trứng đa nang cũng gây rụng tóc nhiều
Căn bệnh của phụ nữ này thường có liên quan đến việc rối loạn nội tiết tố. Và một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh buồng trứng đa nang đó là rụng tóc, kinh nguyệt thất thường...
4.9. Bệnh tuyến giáp
Khi tuyến giáp có vấn đề, nang tóc sẽ phát triển chậm lại, dễ bị thoái hóa và rụng tóc. Do đó nếu rụng tóc nhiều bất thường, bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt.
4.10. Bệnh da đầu
Một trong những nguyên nhân gây rụng tóc nhiều thường hay gặp khác đó là do bệnh da đầu như nấm tóc hay nấm da đầu...
4.11. Di truyền
Rụng tóc kiểu hói Androgenetic là một rối loạn di truyền liên quan đến nội tiết tố androgen và sự gia tăng bất thường của enzyme 5 alpha-reductase trong cơ thể. Rụng tóc kiểu hói này ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới.
4.12. Bệnh tim
Một nghiên cứu gần đây cho thấy chứng hói đầu ở nam giới và hiện tượng tóc bạc sớm thường có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim ở độ tuổi trước 40. Người bị rụng tóc nhiều ở vùng đỉnh đầu có tỷ lệ bệnh tim cao. Tóc bạc sớm và rụng tóc nhiều do yếu tố di truyền liên quan đến nội tiết tố nam testosterone gây hói đầu và là yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành. Các mạch máu cực nhỏ ở da đầu bị hẹp sẽ gây trở ngại cho vi tuần hoàn da đầu, điều này dẫn đến rụng tóc và tăng lượng Dihydrotestosterone.
4.13. Bệnh đái tháo đường
Rụng tóc và hói đầu có thể gặp phải ở nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Do cơ thể của bệnh nhân thường không thể sử dụng các chất dinh dưỡng từ thực phẩm ăn vào, biểu hiện bởi tình trạng rụng tóc từng vùng, hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc gây ra các mảng tóc rụng trên đầu.
5. Những biện pháp khắc phục khi tóc rụng nhiều
Nếu bị rụng tóc nhiều bất thường thì bạn hãy đi khám để các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán được nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều vì mỗi nguyên nhân khác nhau sẽ được điều trị khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất.
Rụng tóc nhiều do lão hóa không thể khắc phục được hoàn toàn, vì thế bạn cần chăm sóc tóc và tinh thần luôn thoải mái, vận động cơ thể và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết qua các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, nếu tóc rụng do các loại bệnh lý như tuyến giáp hay thiếu máu,..... thì hãy điều trị bệnh lý đó trước. Bạn nên lưu ý khi chăm sóc mái tóc như chọn loại dầu gội phù hợp và hạn chế nhuộm tóc hay thay đổi kiểu tóc vì hóa chất sẽ làm cho tóc bị yếu và dễ gãy rụng.
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tóc rụng nhiều. Mỗi nguyên nhân đều có những biện pháp và cách khắc phục riêng của nó. Rụng tóc nhiều không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà nó còn tiềm ẩn một số bệnh lý nguy hiểm. Chính vì thế, nếu rụng tóc quá nhiều hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất. Ngoài ra, bạn hãy chăm sóc và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để mái tóc luôn khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.