Thuốc nabumetone là một thuốc kháng viêm, giảm đau thuộc nhóm NSAIDs. Thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sưng và cứng khớp trong bệnh cảnh viêm khớp. Vậy thuốc nabumetone là thuốc gì và sử dụng thuốc như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
1.Thuốc nabumetone có tác dụng gì?
Thuốc nabumetone là thuốc gì? Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sưng và cứng khớp trong bệnh cảnh viêm khớp. Thuốc nabumetone được biết đến là một thuộc của nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Tuy nhiên, thuốc nabumetone chỉ nên sử dụng trong đợt viêm khớp cấp, hạn chế dùng lâu dài.
Do đó, nếu người viêm khớp mãn tính nên thảo luận với bác sĩ về những phương pháp điều trị không dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc giảm đau nhóm khác.
2.Cách sử dụng thuốc nabumetone
Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc nabumetone, người bệnh nên tham khảo Hướng dẫn sử dụng thuốc do dược sĩ cung cấp. Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thuốc nabumetone sử dụng qua đường uống theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh nên uống một hoặc hai lần mỗi ngày với một ly nước đầy (khoảng 240ml nước). Hạn chế nằm nghỉ ít nhất 10 phút sau dùng thuốc. Để hạn chế tác dụng phụ đau dạ dày, hãy uống thuốc sau bữa ăn hoặc kèm với thuốc kháng axit.
Liều lượng thuốc nabumetone phụ thuộc mức độ bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Để hạn chế tác dụng phụ, hãy sử dụng thuốc nabumetone ở liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Không tăng liều hoặc dùng quá thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với viêm khớp mãn tính, nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Trong một số trường hợp (chẳng hạn như viêm khớp), có thể mất đến 2 tuần sau khi bắt đầu sử dụng đều đặn thì thuốc nabumetone mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Nếu bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi đau hoặc sưng khớp nhất thời (không theo lịch trình đều đặn) có thể không đem lại hiệu quả. Vì bạn cần biết rằng các thuốc giảm đau chỉ có tác dụng khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của cơn đau. Nếu cơn đau đã diễn tiến nặng hơn thì thuốc có thể không có tác dụng.
3.Phản ứng phụ của thuốc nabumetone
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc nabumetone như sau:
- Khó chịu ở bụng;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Táo bón hoặc tiêu chảy;
- Đầy hơi, khó tiêu;
- Chóng mặt;
- Buồn ngủ hoặc đau đầu.
Nếu các tác dụng này kéo dài hoặc nặng hơn, báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ đã đánh giá trước khi sử dụng thuốc nabumetone về những rủi ro và lợi ích mang lại cho bệnh nhân.
Thuốc nabumetone có thể làm tăng huyết áp. Do đó, bệnh nhân cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và chia sẻ với bác sĩ biết nếu kết quả cao bất thường.
Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác có thể xuất hiện nhưng không nghiêm trọng như:
- Thay đổi thính giác (như ù tai );
- Thay đổi tâm thần, tâm trạng;
- Nuốt khó hoặc nuốt đau;
- Các dấu hiệu suy tim (như sưng phù mắt cá chân, bàn chân, mệt mỏi, tăng cân bất thường hoặc đột ngột).
Đặc biệt, gọi cấp cứu ngay nếu có bất kỳ tác dụng phụ hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng sau đây:
- Dấu hiệu bệnh lý thận (như thay đổi lượng nước tiểu);
- Cứng cổ không rõ nguyên nhân.
Thuốc nabumetone hiếm khi gây tác dụng lên gan nghiêm trọng (có thể gây tử vong). Nếu bệnh nhân nhận thấy những dấu hiệu tổn thương gan rất nghiêm trọng sau đây, cần ngưng dùng nabumetone và tham khảo ý kiến bác sĩ:
- Nước tiểu sẫm màu;
- Buồn nôn, nôn ói dai dẳng;
- Đau bụng;
- Vàng mắt hoặc da.
Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng hiếm khi xảy ra khi uống thuốc nabumetone. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng nào của tình trạng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm: phát ban toàn thân, ngứa, sưng mặt, lưỡi, cổ họng, chóng mặt, khó thở... bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được xử trí.
4.Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ khi sử thuốc nabumetone
Trước khi điều trị bệnh bằng thuốc nabumetone, bác sĩ cần biết trước tiền sử dị ứng của thuốc hoặc dị ứng aspirin, các NSAID khác (ibuprofen, naproxen , celecoxib) và tất cả tiền sử dị ứng nào khác.
Tiền sử bệnh tật của bệnh nhân rất quan trọng trước khi uống thuốc nabumetone, đặc biệt là:
- Hen suyễn hoặc tiền sử khó thở sau khi dùng aspirin hoặc các NSAID khác);
- Các rối loạn chảy máu hoặc đông máu;
- Polyp mũi;
- Bệnh tim như nhồi máu cơ tim;
- Tăng huyết áp;
- Bệnh gan;
- Đột quỵ;
- Bệnh lý dạ dày ruột hoặc đường tiêu hóa (như chảy máu, loét, trào ngược).
Những vấn đề liên quan đến thận có thể xảy ra sau khi sử dụng NSAID, bao gồm cả thuốc nabumetone. Đặc biệt nguy cơ sẽ tăng nếu bệnh nhân mất nước, suy tim hoặc bị bệnh thận trước đây, người già hoặc khi sử dụng kèm một số sản phẩm gây tương tác thuốc với thuốc nabumetone.
Bệnh nhân nên bổ sung đủ nước theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh mất nước và báo ngay cho bác sĩ có sự thay đổi bất thường lượng nước tiểu.
Thuốc nabumetone có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ. Do đó những sản phẩm có thể gây tình trạng tương tự nên hạn chế dùng chung với thuốc này, bao gồm cả rượu hoặc cần sa. Không lái xe hoặc làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo nếu bệnh nhân đang chóng mặt. Bên cạnh đó, thuốc nabumetone cũng có thể gây tác dụng phụ chảy máu dạ dày. Việc sử dụng rượu và hút thuốc lá hàng ngày, đặc biệt khi sử dụng chung với thuốc nabumetone có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày.
Ngoài ra, thuốc nabumetone làm da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, vì thế, người bệnh cần hạn chế thời gian dưới ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo dài tay khi ra ngoài.
Người lớn tuổi có thể tăng nguy cơ bị chảy máu dạ dày ruột, các vấn đề về thận, nhồi máu cơ tim và đột quỵ khi sử dụng thuốc nabumetone.
Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nên trao đổi với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro (như sảy thai, khó mang thai) khi sử dụng thuốc nabumetone. Báo bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai. Trong thời kỳ mang thai, thuốc nabumetone chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết, không khuyến cáo sử dụng trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ vì những tác hại cho thai nhi và ảnh hưởng quá trình chuyển dạ sinh thường.
5.Tương tác thuốc nabumetone
Tương tác thuốc làm thay đổi hoạt động thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, cần chia sẻ với bác sĩ về tất cả thuốc bệnh nhân đang dùng. Không tự ý sử dụng, ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào, trong đó có thuốc nabumetone khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Các sản phẩm có thể tương tác với thuốc nabumetone bao gồm:
- Aliskiren;
- Thuốc ức chế men chuyển (như captopril, lisinopril), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (như losartan, valsartan);
- Cidofovir;
- Corticosteroid;
- Lithium;
- Methotrexate;
- Thuốc lợi tiểu như furosemide.
Những thuốc có thể gây chảy máu dạ dày khi sử dụng chung với thuốc nabumetone làm tăng nguy cơ chảy máu. Ví dụ như thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông máu như dabigatran, enoxaparin, warfarin.
Kiểm tra tất cả thuốc giảm đau, hạ sốt đang dùng (aspirin, celecoxib, ibuprofen, ketorolac) vì những thuốc này tương tự như thuốc nabumetone và làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ khi dùng chung. Tuy nhiên, bệnh nhân dùng aspirin liều thấp để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, bệnh nhân nên tiếp tục liều aspirin hiện tại trừ khi bác sĩ chỉ định khác.
Các triệu chứng khi sử dụng quá liều lượng có thể bao gồm: đau dạ dày dữ dội, nôn ói ra chất màu như bã cà phê, buồn ngủ cực độ, mất ý thức, thở chậm hoặc nông... hãy gọi ngay cho cấp cứu.
Những phương pháp điều trị viêm khớp không dùng thuốc đã được bác sĩ chấp thuận (như giảm cân, các bài tập tăng cường và điều hòa chức năng khớp) giúp cải thiện tính linh hoạt, phạm vi hoạt động và chức năng khớp của bệnh nhân.
Bảo quản thuốc nabumetone trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và độ ẩm cao. Không để thuốc trong phòng tắm và tránh xa tầm tay trẻ em.
Thuốc nabumetone là loại thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sưng và cứng khớp trong bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, việc sử dụng sai cách có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, khi có tiền sử mắc bệnh lý cơ xương khớp. người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm các xét nghiệm tổng quan, khi có chỉ định sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn cách dùng và liều lượng sao cho phù hợp nhất để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com