Thuốc Metronidazole: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi DSLS Nguyễn Đỗ Quang Trung - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc kháng sinh không phải là cái tên xa lạ với mọi người. Kháng sinh xuất hiện trong chỉ định điều trị của nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau và thuốc metronidazole là một trong số đó.

1. Thuốc metronidazole là thuốc gì?

Metronidazole là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong chỉ định điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng, thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của một số vi khuẩn và ký sinh trùng.


Thuốc metronidazole giúp điều trị các bệnh liên quan đến vi khuẩn, ký sinh trùng
Thuốc metronidazole giúp điều trị các bệnh liên quan đến vi khuẩn, ký sinh trùng

2. Thuốc metronidazole có tác dụng gì?

Metronidazole chỉ định trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩnký sinh trùng gây ra: điều trị nhiễm amip, nhiễm Giardia ở người lớn và trẻ em, viêm đường sinh dục do nhiễm Trichomonas vaginalis cho cả nam và nữ, điều trị các trường hợp nhiễm vi khuẩn kị khí và vi khuẩn hiếu khí – kị khí hỗn hợp,… 

Ngoài ra, Metronidazole còn có thể được kết hợp với khác loại thuốc khác để điều trị loét dạ dày/đường ruột do vi khuẩn H.pylori.

Metronidazol không mang đến hiệu quả chữa trị các bệnh nhiễm trùng do virus, nấm. Việc lạm dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào khi không cần thiết cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh trong tương lai. 

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Metronidazole

Metronidazole dạng viên sử dụng đường uống theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Liều lượng thuốc sẽ được bác sĩ tính toán dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với điều trị.

Để có hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên uống kháng sinh vào các thời điểm cách đều nhau, để dễ ghi nhớ hãy dùng thuốc Metronidazole vào cùng một thời điểm mỗi ngày và dùng cho đến khi hết lượng thuốc theo quy định, kể cả khi các triệu chứng biến mất sau vài ngày. 

Việc ngừng thuốc quá sớm có thể khiến tình trạng nhiễm trùng tái phát trở lại. Metronidazole có thể gây đau dạ dày, trong thời gian điều trị, hãy dùng thuốc cùng với thức ăn hoặc một ly nước/sữa đầy để giảm nhẹ tác dụng không mong muốn này. 


Thuốc metronidazole có thể gây đau dạ dày khi không ăn hoặc uống cùng thức ăn
Thuốc metronidazole có thể gây đau dạ dày khi không ăn hoặc uống cùng thức ăn

4. Tác dụng phụ của thuốc Metronidazole

Các tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc Metronidazole:

  • Thường gặp: Chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, có vị kim loại khó chịu.
  • Ít gặp: Giảm lượng bạch cầu.
  • Hiếm gặp: Động kinh, mất bạch cầu hạt, nhức đầu, ngứa, phát ban da, phồng rộp ra, nước tiểu sẫm màu, dẫn đến bệnh đa dây thần kinh ngoại vi…

Người bệnh cần dừng chữa trị bằng thuốc Metronidazole khi bị lú lẫn, chóng mặt. Kiểm tra công thức bạch cầu là cần thiết ở người bị chứng rối loạn tạo máu hoặc chữa trị bằng liều cao, kéo dài. Người bị suy gan nặng cần giảm liều khi dùng Metronidazol.

Các phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng rất hiếm xảy ra, người bệnh cần tìm trợ giúp y tế ngay nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm: phát ban, ngứa, sưng (mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở. 


Buồn nôn là một tác dụng phụ của thuốc metronidazole
Buồn nôn là một tác dụng phụ của thuốc metronidazole

5. Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc metronidazole

Trước khi có chỉ định dùng thuốc metronidazole, bác sĩ hoặc dược sĩ cần nắm tiền căn dị ứng với loại thuốc này hoặc kháng sinh cùng nhóm khác. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng dị ứng trước đây.

Một số tiền sử bệnh như bệnh gan, bệnh thận, một vài rối loạn tạo máu (số lượng các tế bào máu thấp) cần được quan tâm khi điều trị bằng thuốc metronidazole. Một rối loạn di truyền hiếm gặp là hội chứng Cockayne làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý gan rất nghiêm trọng khi sử dụng thuốc metronidazole. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro và lợi ích đạt được. Nếu sử dụng thuốc metronidazole cần kiểm tra chức năng gan thường xuyên. Nếu bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh gan trong quá trình điều trị, cần báo ngay cho nhân viên y tế (như buồn nôn, nôn ói liên tục, chán ăn, đau dạ dày hoặc đau bụng dữ dội, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu).

Để hạn chế đau quặn bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, đỏ bừng mặt, cần tránh các loại thức uống có cồn và sản phẩm chứa propylene glycol khi đang sử dụng và ít nhất 3 ngày sau khi dừng quá trình điều trị bằng thuốc metronidazole

Thuốc metronidazole có tác dụng phụ chóng mặt. Những chất như rượu hoặc cần sa sẽ làm nặng thêm tình trạng này. Do đó, cẩn trọng khi lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm các công việc cần sự tỉnh táo.

Thuốc metronidazole ảnh hưởng tới hiệu quả của một số loại vắc xin sản xuất từ vi khuẩn sống như vắc xin thương hàn. Do đó, không chủng ngừa khi đang sử dụng loại kháng sinh này trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc metronidazole khi thật cần thiết. Thuốc metronidazole có khả năng đi vào sữa mẹ, cần trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích trước khi cho con bú. Nếu được bác sĩ chỉ định điều trị loại thuốc này, bác sĩ có thể hướng dẫn bà mẹ ngừng cho con bú trong một thời gian ngắn, khi đang sử dụng thuốc metronidazole


Các mẹ đang cho con bú cần cân nhắc việc sử dụng thuốc vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi
Các mẹ đang cho con bú cần cân nhắc việc sử dụng thuốc vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi

6. Tương tác thuốc metronidazole

 

Tương tác thuốc làm thay đổi tác dụng hoặc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc metronidazole. Trao đổi với bác sĩ danh sách tất cả thuốc đang sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, không kê toa và các sản phẩm thảo dược). Không tự ý bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng đột ngột thuốc metronidazole khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Các sản phẩm tương tác với thuốc metronidazole:

  • Sản phẩm có cồn (siro trị ho và cảm, thuốc cạo râu);
  • Sản phẩm có chứa propylene glycol;
  • Dung dịch lopinavir, ritonavir, lithium;

Tuyệt đối không dùng metronidazole nếu đang dùng disulfiram trong vòng 2 tuần qua.

Thuốc metronidazole có thể làm sai lệch kết quả một số xét nghiệm. Do đó, đảm bảo rằng nhân viên phòng thí nghiệm và bác sĩ biết bạn đang sử dụng loại thuốc này.

7. Các lưu ý khác 

Nếu sử dụng quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở cần gọi ngay cho cấp cứu để được điều trị kịp thời. Các triệu chứng quá liều thuốc metronidazole có thể bao gồm: buồn nôn, nôn ói, mất thăng bằng.

Nếu đang dùng thuốc metronidazole để điều trị nhiễm trùng đường sinh dục (như nhiễm trichomonas), tất cả bạn tình cũng cần được điều trị tương tự để tránh tái nhiễm. Trong quá trình điều trị, hạn chế quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục an toàn như sử dụng bao cao su.

Các xét nghiệm (như xét nghiệm công thức máu) cần được chỉ định thường xuyên trong quá trình điều trị bằng thuốc metronidazole.

Nếu bỏ lỡ một liều, hãy dùng ngay khi nhớ ra, nếu gần đến thời điểm của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên, đừng gấp đôi liều để bắt kịp.

Thuốc metronidazole cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi độ ẩm cao. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và các loại vật nuôi.

Việc lạm dụng hoặc sử dụng thuốc metronidazole sai cách đều để lại các biến chứng nguy hiểm và các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, để phòng ngừa các biến chứng không mong muốn, đặc biệt là hạn chế nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nguy hiểm, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe