Thuốc lợi tiểu thường được kê đơn để điều trị tình trạng giữ natri, kali, tăng thể tích và tăng huyết áp đặc trưng của bệnh thận mãn tính. Vì thuốc lợi tiểu có nhiều nhóm khác nhau nên để sử dụng có hiệu quả trong bệnh thận mạn, bác sĩ lâm sàng phải hiểu những khác biệt trong dược động học và dược lực học của từng nhóm thuốc.
1. Bệnh thận mãn tính là gì?
Bệnh thận mãn tính là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới và có những tác động lớn đến xã hội và kinh tế. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn ở các nước đang phát triển.
Bệnh thận mãn tính được định nghĩa là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, xuất hiện trong hơn 3 tháng, có ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiêu chuẩn cho bệnh thận mãn tính là có dấu hiệu tổn thương thận (xuất hiện albumin niệu, bất thường cặn lắng trong nước tiểu, điện giải và các bất thường khác do rối loạn ống thận, bất thường phát hiện bằng mô học, bất thường cấu trúc phát hiện qua hình ảnh và tiền sử ghép thận) hoặc giảm mức lọc cầu thận (GFR) (<60 mL / phút / 1.73 m2) (theo khuyến cáo KDIGO 2013).
Bệnh thận mãn tính có thể gây ra các biến chứng là các bệnh đi kèm như bệnh tim, thiếu máu và bệnh xương khớp. May mắn là tiến triển của bệnh có thể được cải thiện bằng các liệu pháp thích hợp và thay đổi lối sống.
2. Chỉ định thuốc lợi tiểu cho người bị bệnh thận mãn tính
Công dụng chính của thuốc lợi tiểu trong bệnh thận mạn là làm giảm huyết áp và điều trị chứng sưng phù. Hơn nữa, thuốc lợi tiểu còn tạo điều kiện thuận lợi cho tác dụng của thuốc ức chế men chuyển và các thuốc hạ huyết áp khác để giảm nguy cơ bệnh mạch vành ở những người bị bệnh thận mãn tính. Đồng thời, thuốc lợi tiểu cũng có thể giúp kiểm soát nồng độ kali ở những người có nồng độ kali cao. Do đó, thuốc lợi tiểu có tác dụng kéo dài dùng cùng với thuốc hạ huyết áp đã được chứng minh là làm tăng khả năng tuân thủ điều trị bằng thuốc của bệnh nhân, giúp cải thiện tiên lượng bệnh tật.
Có ba loại thuốc lợi tiểu chính: Thiazide, thuốc lợi tiểu quai và thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Các loại thuốc lợi tiểu khác nhau có cơ chế hoạt động khác nhau. Thuốc lợi tiểu thiazide tác dụng lên ống lượn xa; lợi tiểu quai là trên quai Henle và thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali là trên ống góp.
Thuốc lợi tiểu thiazide thường được sử dụng bao gồm chlorthalidone, hydrochlorothiazide, indapamide và metolazone. Bản chất tác dụng kéo dài của chlorthalidone giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn (mạnh hơn 1,5 đến 2 lần) so với hydrochlorothiazide; tuy nhiên chlorthalidone dẫn đến nguy cơ hạ kali máu cao hơn. Sự hấp thu của metolazone rất kém và do đó cần phải chuẩn độ thích hợp, nhất là trên người bị bệnh thận mãn tính.
Bumetanide, furosemide và torsemide là những thuốc lợi tiểu quai thường được sử dụng. Sinh khả dụng của thuốc lợi tiểu quai không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của bệnh thận mãn tính. Thuốc lợi tiểu quai nên được dành riêng cho các tình trạng quá tải chất lỏng đáng kể về mặt lâm sàng (ví dụ như suy tim và giữ nước đáng kể với thuốc giãn mạch) hoặc suy thận tiến triển và có thể kết hợp với thuốc lợi tiểu loại thiazide.
Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali thường được sử dụng là triamterene, amiloride, spironolactone và eplerenone. Các loại thuốc này được phân loại thêm là thuốc ức chế kênh natri biểu mô và thuốc ức chế thụ thể mineralocorticoid. Lựa chọn thuốc phụ thuộc vào mức độ bệnh; khi mức độ nghiêm trọng tăng lên, những người đang sử dụng thiazide được chuyển sang dùng thuốc lợi tiểu quai hoặc điều trị bằng thuốc kết hợp.
3. Những điều cần chú ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu cho người bị bệnh thận mãn tính
Các tác dụng ngoại ý liên quan đến dùng thuốc lợi tiểu là phụ thuộc vào liều lượng, bao gồm hạ huyết áp, giảm độ lọc cầu thận, bất thường điện giải và tăng kali huyết.
Về mục tiêu điều trị, các hướng dẫn khuyến nghị những biện pháp kiểm soát huyết áp là duy trì dưới 140/90 mmHg đối với người tăng huyết áp nói chung dưới 60 tuổi, bệnh nhân tiểu đường hoặc bệnh nhân bệnh thận mãn tính không tiểu đường trong khi hướng dẫn của KDIGO 2013 khuyến nghị mức huyết áp là thấp hơn 130/80 mmHg đối với bệnh nhân bài tiết albumin ≥ 30 mg / 24 h.
Hơn nữa, việc kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân bệnh thận mãn tính cũng được khuyến cáo là dùng thuốc lợi tiểu từ đầu hoặc thêm vào các liệu pháp hạ huyết áp khác với thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin sẽ giúp cải thiện kết cục trên thận ở những người bị bệnh thận mãn tính.
Tóm lại, bệnh thận mãn tính là một tình trạng quan trọng, phổ biến, có thể làm phức tạp thêm các bệnh đi kèm khác và bản thân bệnh cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Tổng quan này nhằm đánh giá một cách có hệ thống những lợi ích và tác hại của thuốc lợi tiểu đối với những người ở tất cả các giai đoạn của bệnh thận mãn tính. Đây là một nhóm thuốc quan trọng mà các bác sĩ lâm sàng cần cân nhắc chỉ định loại thuốc lợi tiểu nào hiệu quả nhất, an toàn nhất ở những bệnh nhân này, cải thiện tiên lượng bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, sciencedirect.com