Lastro 30 là một loại thuốc dùng đường miệng thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá. Nếu sử dụng thuốc đúng với liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ sẽ đem lại hiệu quả cao trong chữa bệnh. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc về thuốc lastro 30 có tác dụng gì để có thể sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
1. Thuốc lastro 30 là gì?
Lastro 30 là một thuốc thuộc danh mục thuốc kháng acid, chống trào ngược và chống loét. Thuốc lastro 30 có thành phần chính là lansoprazole – một dẫn chất benzimidazol có tác dụng ức chế bơm proton, được chỉ định trong điều trị viêm loét thực quản, dạ dày và hội chứng Zollinger-Ellison gây tăng tiết acid dịch vị.
Thuốc được bào chế ở dạng viên nang cứng, trong mỗi viên chứa 30mg lansoprazole và tá dược vừa đủ. Dạng đóng gói: hộp 3 vỉ x 10 viên
2. Thuốc Lastro 30 có tác dụng gì?
Lastro 30 có tác dụng chống tăng tiết acid dạ dày bằng cách ức chế sự vận chuyển ion hydrogen vào dạ dày qua kênh H+/K+ ATPase.
Dựa vào cơ chế kể trên, lastro 30 thường được chỉ định trong điều trị các loại viêm loét dạ dày – tá tràng với liều ngắn ngày. Đối với các trường hợp tăng tiết acid dạ dày như hội chứng Zollinger - Ellison, lastro 30 thường được sử dụng với liều dài ngày để làm giảm các triệu chứng. Ngoài ra, thuốc lastro 30 còn được sử dụng trong phác đồ phối hợp với các thuốc kháng sinh khác (amoxicillin, clarithromycin, ...) để điều trị các viêm loét dạ dày do Helicobacter pylori.
Một số tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng lastro 30 như đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hoá, phát ban, mệt mỏi. Hãy thông báo ngay với bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá tình dùng thuốc lastro 30.
3. Dùng Lastro 30 như thế nào để hiệu quả?
Lastro 30 là một thuốc uống kê toa, vì vậy bạn cần tuân thủ đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ để đem lại hiệu quả điều trị cao. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều để tránh xảy ra những tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc lastro 30.
3.1. Đường dùng
Uống trực tiếp, uống trước bữa ăn để phát huy sinh khả dụng của thuốc.
3.2. Liều lượng
Đối với trường hợp người lớn viêm thực quản có loét trợt: 1 viên/ngày trong 4 – 8 tuần, tiếp tục sử dụng nếu chưa khỏi nhưng không quá 8 tuần.
Đối với trường hợp loét dạ dày: Liều dùng tương tự như với trường hợp viêm thực quản có loét trợt (1viên/ngày x 4 – 8 tuần), uống vào buổi sáng trước khi ăn để phát huy tốt hiệu quả của thuốc lastro 30.
Đối với trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng thể hoạt động do Helicobacter pylori: dùng phối hợp với amoxicilin và clarithromycin với liệu trình như sau:
- Phối hợp 3 thuốc: 1 viên lastro 30 + 1g amoxicilin + 500mg clarithromycin, chia 2 lần/ngày. Uống trước ăn
- Phối hợp 2 thuốc: 1 viên lastro 30 + 1g amoxicilin, chia 3 lần/ngày x 2 tuần
Đối với hội chứng Zolinger-Ellison: khởi đầu với liều 60mg lastro 30 x 1 lần/ngày. Tốt nhất nên uống vào buổi sáng khi chưa ăn uống gì.
Chú ý: đối với những người bị bệnh gan nặng, phụ nữ mang thai và cho con bú cần giảm liều theo sự chỉ định của bác sĩ.
Lastro 30 được uống trước bữa ăn vì lansoprazole bị phân huỷ bởi acid dịch vị, và không cần nhai hoặc cắn vỡ thuốc. Tuyệt đối không sử dụng thuốc cho những người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc lastro 30.
Việc sử dụng thuốc lastro 30 theo đúng khuyến cáo của chuyên gia sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt, cải thiện nhanh các triệu chứng trên bệnh nhân và giảm thiểu các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn sử dụng quá liều hoặc quên liều thì cần xử trí như thế nào?
- Đối với trường hợp quên liều: Dùng ngày một liều khác càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn quên liều gần với thời điểm sử dụng liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đó và tiếp tục dùng liều tiếp theo, không được sử dụng gấp đôi liều.
- Đối với trường hợp quá liều: Một số triệu chứng cảnh báo có thể xuất hiện như hạ thân nhiệt, co giật, giảm tần số thở. Hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần với nơi ở của bạn nhất để được xử trí kịp thời.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc lastro 30
Hiện nay, chưa có nghiên cứu trên người về ảnh hưởng của lastro 30 đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thuốc gây ung thư trên động vật thực nghiệm khi dùng liều cao và kéo dài, vì vậy nên tránh dùng với phụ nữ mang thai trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tương tự như vậy đối với phụ nữ cho con bú.
Thuốc lastro 30 gây đau đầu, chóng mặt trên một số trường hợp, vì vậy nên thận trọng khi dùng với những người điều khiển phương tiện giao thông và vận hành thiết bị máy móc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.