Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Ngô Thị Thu Thủy - Trưởng khoa và Dược sỹ Nguyễn Hoàng Phương Khanh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Cơ thể được cho là thiếu máu khi huyết cầu tố bình thường dưới 13g/100ml ở nam giới và nhỏ hơn 12g/100ml ở nữ giới. Khi đã chẩn đoán chính xác về mức độ và tình trạng thiếu máu ở người bệnh thì bác sĩ mới có thể đưa ra phương án điều trị và sử dụng thuốc kích thích tạo hồng cầu phù hợp.
1. Bệnh thiếu máu là gì?
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu máu (anemia) là tình trạng cơ thể có máu bị giảm về số lượng hồng cầu (red blood cells) hoặc lượng huyết cầu tố (hemoglobin) hoặc giảm cả hai, dẫn đến khả năng mang oxy của các tế bào này giảm nên không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh lý. Nhu cầu sinh lý thay đổi theo độ tuổi, giới tính, độ cao, hút thuốc lá và tình trạng mang thai. Khi bị thiếu máu, người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, khó thở, chóng mặt...., nếu thiếu máu kéo dài, nặng sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan khác như tim mạch, sinh dục, nội tiết, thần kinh... và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Để chấn đoán và xác định nguyên nhân gây thiếu máu, ngoài thăm khám lâm sàng trực tiếp, các bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm :
- Công thức máu toàn phần (Complete blood count (CBC)): Đối với thiếu máu, bác sĩ sẽ quan tâm đến chỉ số hematocrit (hct) và huyết cầu tố (hemoglobin hay Hb) trong máu người bệnh. Ở người lớn, chỉ số hemmatocrit thông thường khoảng từ 42%-54% đối với nam và 38-46% đối với nữ; tương tự, giá trị hemoglobin thông thường cũng thay đổi theo tuổi và giới tính, dao động từ 14-18 gm/dL (nam) và 12-16 gm/dL (nữ)
- Các xét nghiệm để xác định sự bất thường nếu có về kích thước, hình dạng và màu sắc của các tế bào hồng cầu của bạn
Một vài xét nghiệm đặc biệt khác (ví dụ xét nghiệm tủy đồ hay xét nghiệm phân).
2. Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu
Các tế bào hồng cầu được sản xuất trong tủy xương và các mô mỡ mềm bên trong các hốc xương. Tốc độ sản xuất tế bào máu nói chung cũng như hồng cầu nói riêng được kiểm soát bởi nhu cầu của cơ thể. Tế bào hồng cầu bình thường tồn tại trong một thời gian giới hạn (khoảng 120 ngày) và phải được thay thế liên tục. Khi hàm lượng oxy trong các mô cơ thể thấp hoặc số lượng hồng cầu giảm, thận sẽ sản xuất và giải phóng erythropoietin (EPO), một loại hormone kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn, đây là hormone thiết yếu để hình thành hồng cầu từ các mô dòng hồng cầu trong tủy xương, phần lớn Erythropoietin là do thận sản xuất để đáp ứng với thiếu oxygen mô và có khoảng 10% là do gan tổng hợp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu nhưng hầu hết có thể phân làm ba cơ chế chính:
- Thiếu máu do mất máu (chảy máu quá nhiều)
- Thiếu máu do sự phá hủy quá mức các tế bào hồng cầu
- Thiếu máu do sản xuất các tế bào hồng cầu giảm hoặc bị lỗi.
Các nguyên nhân thường gặp gây ra thiếu máu:
- Xuất huyết mãn tính
- Khối u bàng quang, thận
- Ung thư đường tiêu hóa
- Chảy máu kinh nguyệt nặng
- Bệnh trĩ
- Polyp trong đường tiêu hóa
- Loét dạ dày, ruột non
- Xuất huyết do phẫu thuật, chấn thương
Giảm sản xuất tế bào hồng cầu:
Gia tăng phá hủy tế bào hồng cầu:
- Phản ứng tự miễn chống lại hồng cầu
- Thiếu men glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD)
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Bệnh thalassemia.
3. Điều trị thiếu máu bằng thuốc kích thích tạo hồng cầu
Như trên đã trình bày, Erythropoietin là một loại hormone có vai trò kích thích tạo hồng cầu,
Từ năm 1983, nhờ kỹ thuật tái tạo gen, các công ty Dược phẩm đã sản xuất được erythropoietin giống như erythropoietin tự nhiên của người và gọi là erythropoietin người tái tổ hợp (recombinant human erythropoietin, viết tắt là rHuEPO). Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong điều trị thiếu máu do suy thận mạn và phương pháp điều trị thay thế erythropoietin nội sinh bằng erythropoietin-stimulating agents (viết tắt là ESAs) được khởi xướng và phát triển. Hiện tại đang có 3 nhóm ESA dùng điều trị thiếu máu do suy thận mạn:
- ESA tác dụng ngắn: EPO alpha (eprex, epogen, epokin)và EPO bêta (neorecormon). Quãng tiêm: 2 - 3 lần/tuần.
- ESA tác dụng trung bình: Darbepoetin alpha - Aranesp. Quãng tiêm 1 - 2 lần/2 tuần.
- ESA tác dụng kéo dài: Mircera. Quãng tiêm 1 lần/4 tuần.
Các loại thuốc Erythropoietin được chỉ định sử dụng ở bệnh nhân thiếu máu trong suy thận mạn tính ở bệnh nhi và người lớn thẩm phân máu, thẩm phân phúc mạc, hoặc thiếu máu do các nguyên nhân khác như nhiễm HIV, thiếu máu do hóa trị liệu ung thư không phải dạng tủy bào, loạn sản tủy nhẹ- trung b2nh ở người lớn, tạo điều kiện cho quá trình lấy máu tự thân tiền phẫu thuật & làm giảm nguy cơ phải truyền máu dị thân.
Các loại thuốc Erythropoietin chống chỉ định trong các trường hợp quá mẫn với thuốc, tăng huyết áp không kiểm soát được và bất sản nguyên hồng cầu
Cần đặc biệt thận trọng với trường hợp người bệnh bị nguy cơ tăng huyết áp, huyết khối mạch máu, tiền sử động kinh, bệnh gút, rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Khi sử dụng các loại thuốc erythropoietin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, nôn ói; ớn lạnh, bệnh giống cúm, phản ứng nơi tiêm, sốt, phù ngoại vi; tăng kali máu; đau khớp, đau xương, đau cơ, đau các đầu chi; co giật, đau đầu; ho, nghẽn đường hô hấp; phát ban; huyết khối và thuyên tắc, huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối, tăng huyết áp.
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều các loại thuốc kích thích tạo hồng cầu, tuy nhiên, thuốc kích thích tạo hồng cầu không phải là thuốc bổ nên không thể tự ý sử dụng. Người bệnh chỉ nên dùng và tuân thủ đúng theo chỉ định, xét nghiệm từ bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải ăn uống khoa học, đảm bảo chất dinh dưỡng để làm tăng hiệu quả điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.