Thuốc giải rượu có hiệu quả và an toàn?

Sau khi uống rượu quá nhiều, có người dùng thuốc giải rượu để làm giảm các triệu chứng do rượu mang lại. Thực chất, các chất này không phải là thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng với tác dụng hỗ trợ trong quá trình chuyển hóa rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước, chứ không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại.

1. Quá trình chuyển hóa và đào thải sau khi uống rượu

Rượu là một dung dịch gồm nước và ethanol. Ngoài nước và ethanol, rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt tùy theo mỗi nhà sản xuất để tạo nên màu sắc, hương liệu riêng biệt.

Rượu vào cơ thể được hấp thụ hoàn toàn trực tiếp vào máu (20% ở dạ dày, 80% ở ruột non). Việc hấp thu rượu vào máu chậm hay nhanh còn tùy thuộc vào lúc đói hay lúc no, vì nếu lúc đói thì tốc độ hấp thu của rượu sẽ nhanh hơn.

Sau khi được hấp thu, rượu vào máu và phân tán tại các mô tế bào, ví dụ như có thể tìm thấy trong dịch não tủy và tích tụ ở não. Vì vậy, bất cứ dịch sinh lý nào như nước tiểu, máu, hơi thở... đều có thể xác định nồng độ cồn.

Rượu sẽ đào thải chủ yếu chuyển hóa qua gan, một số ít còn lại được đào thải qua mồ hôi hay nước tiểu,... Nhưng khi vào cơ thể rượu tác động chính đến gan và thần kinh trung ương. Cụ thể như sau:

  • Rượu tác động đến thần kinh trung ương: Điều này có nghĩa là rượu sẽ ức chế từ trên xuống, cụ thể là từ vỏ não, tiểu não, tủy sống và cuối cùng là trung tâm hành tủy. Do đó đây là lý do vì sao khi uống một lượng nhỏ rượu sẽ thấy dễ chịu, nhưng uống nhiều sẽ gây giảm khả năng phán đoán, hoa mắt, không làm chủ được hành vi của mình.
  • Rượu tác động đến gan: Gan chính là bộ phận trên cơ thể có chức năng thải độc, khi uống rượu, gan sẽ chuyển hóa giải độc rượu và đào thải ra khỏi cơ thể. Quá trình này hoạt động hiệu quả hơn khi có sự xúc tác của men NAD. Nguyên nhân quá trình này hoạt động hiệu quả hơn khi có sự xúc tác của men NAD là do gan sản xuất với số lượng hạn chế để có đủ khả năng chuyển hóa từ 7 -10g/giờ, vì vậy khi uống quá nhiều bia rượu gan không kịp sản xuất đủ lượng men để chuyển hóa giải độc rượu, rượu sẽ tích tụ và gây độc trong cơ thể, đặc biệt là gan. Về lâu dài gây ra các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, nguy hiểm hơn là ung thư gan.

Ngoài nước và ethanol, rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt tùy theo mỗi nhà sản xuất để tạo nên màu sắc, hương liệu riêng biệt
Ngoài nước và ethanol, rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt tùy theo mỗi nhà sản xuất để tạo nên màu sắc, hương liệu riêng biệt

2. Thuốc giải rượu có hiệu quả và an toàn?

Sau khi uống rượu quá nhiều, người dùng thuốc giải rượu để làm giảm các triệu chứng do rượu mang lại. Thực chất, các chất này không phải là thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng với tác dụng hỗ trợ trong quá trình chuyển hóa rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước, chứ không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại.

Ngoài ra, sau khi rượu đi vào cơ thể sẽ phân bố đến các tế bào và chuyển hóa thành acetaldehyd (đây là chất gây ra các biểu hiện say rượu, ngộ độc rượu). Vì vậy những thành phần có trong viên giải rượu sẽ hạn chế được phần nào sự hình thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu những ai uống nhiều rượu thì thuốc những giải rượu nhanh và tạm thời sẽ không thể hóa giải hết lượng cồn trong rượu nên người uống vẫn say xỉn và ngộ độc.

Khi uống rượu ở liều lượng cho phép, các loại thuốc giải rượu có thể giúp người dùng giảm nhức đầu, sốt, đau nhức, dễ chịu. Nhưng nếu như dùng thuốc giải rượu thường xuyên hay quá liều thì lại gây ra phản ứng ngược, dẫn tới tăng các men gan (AST, ALT, gamma-GT). Đồng thời làm giảm đi các chất có chức năng bảo vệ gan, tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan khiến cho tình trạng gan nhiễm mỡ tăng cao; hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa và tử vong do thuốc giải rượu giữ lại lượng cồn trong ruột mà gan không thể lọc chất độc kịp thời.

Do đó, khi sử dụng thuốc giải rượu nhanh, người dùng không nên lạm dụng, thay vào đó nên sử dụng một số phương pháp dân gian để giải rượu hiệu quả và an toàn.

3. Giải rượu uống gì để an toàn mà hiệu quả?

Dù uống ít hay nhiều rượu bia thì đó đều là chất độc có khả năng làm suy yếu các cơ quan trong cơ thể. Thuốc giải rượu chỉ có một số tác dụng nhất thời, hiệu quả thấp và có thể mang đến những tác dụng phụ, gây tương kỵ hoá học không tốt. Vì vậy giải rượu uống gì để an toàn mà hiệu quả?

Theo đó, nếu phải uống rượu thì tốt nhất nên uống với liều lượng vừa phải, dừng đúng lúc. Không nên uống rượu bia hàng ngày và sau khi say nên nằm nghỉ ngơi, sử dụng một số loại nước dân gian như nước chanh, nước sắn dây để giải rượu hiệu quả.

Dùng sắn dây để giải rượu rất tốt mà đem lại hiệu quả cao, bởi sắn dây có vị ngọt, tính bình do vậy khi sử dụng sẽ giúp giải cơ, làm ra mồ hôi nhiều cũng như giải độc.

Người bị say có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối; hoặc lấy nước sôi rồi bỏ thêm một ít bột sắn dây và ít muối, khuấy đều rồi uống giải rượu.

Ngoài ra cũng có thể vắt nước lá dong để uống giải rượu. Bởi những phương pháp dân gian này rất an toàn, hiệu quả, bảo vệ gan, thận trước tác hại của rượu.


Thuốc giải rượu chỉ có một số tác dụng nhất thời, hiệu quả thấp và có thể mang đến những tác dụng phụ
Thuốc giải rượu chỉ có một số tác dụng nhất thời, hiệu quả thấp và có thể mang đến những tác dụng phụ

Tóm lại, rượu bia uống nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, người uống rượu khi có biểu hiện ngộ độc rượu cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe