Thuốc Đông y chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh lý mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được điều trị như thế nào? Liệu thuốc đông y chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được không? Thắc mắc này sẽ được trả lời trong bài viết này.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Trước tiên, ta cần hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Theo Tây y, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng bệnh đặc trưng bởi rối loạn thông khí tắc nghẽn không có khả năng phục hồi hoàn toàn. Sự hạn chế thông khí trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Các yếu tố nguy cơ của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: hút thuốc lá, khói bụi do ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn đường hô hấp và yếu tố di truyền (thiếu α1 antitrypsin).

Còn theo Đông Y, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cùng hen phế quản, viêm phế quản đều thuộc chứng háo suyễn, đàm ẩm, là một bệnh xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng.

Nguyên nhân là do ngoại tà, ăn uống, tình chí thất thường, làm việc quá sức...Về tạng phủ, do sự thay đổi hoạt động của các tạng phế, thận vì phế khí tuyên giáng và thận nạp khí. Nếu phế khí nghịch, thận không nạp khí gây ra các chứng khó thở, tức ngực. Bệnh còn liên quan mật thiết đến đàm. Theo Đông y, tỳ hư không vận hóa thủy trấp, thận dương hư không ôn tỳ dương vận hóa thủy cốc và không khí hóa được nước; phế khí hư không túc giáng thông điều thủy đạo, từ đó tạo thành nhiều đàm. Trên lâm sàng, quan sát được các biểu hiện bệnh lý như khó thở, tức ngực, đàm nhiều,...

2. Chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bằng cách nào?

Đặc điểm của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng viêm nhiễm thường xuyên ở toàn bộ đường dẫn khí và nhu mô phổi, dẫn đến xơ hóa đường thở và phá huỷ phế nang. Vì vậy, để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, trước hết cần phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ, đồng thời sử dụng các thuốc kháng viêm Glucocorticoid và giãn khí phế quản.

2.1. Các thuốc giãn phế quản

Các thuốc giãn phế quản được sử dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm các nhóm chính sau:

  • Thuốc cường β2 adrenergic: gồm hai loại là loại tác dụng ngắn – sử dụng trong cắt cơn hen và loại tác dụng kéo dài thường dùng trong điều trị dự phòng.
  • Thuốc huỷ phó giao cảm: có tác dụng ức chế thụ thể M-cholinergic làm giãn khí phế quản. Ví dụ Ipratropium bromide, Oxitropium, Tiotropium
  • Theophylline: có tác dụng ức chế phosphodiesterase - enzym giáng hóa AMPv, theophylin làm tăng AMPv trong tế bào nên tác dụng tương tự thuốc cường adrenergic, làm giãn phế quản.

Nguyên tắc điều trị:

  • Hít thuốc cường β2 tác dụng ngắn (salbutamol, terbutaline, fenoterol) hoặc thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn (ipratropium) khi cần thiết.
  • Nếu bệnh nhân có các tiến triển nặng thì phối hợp thuốc cường β2 adrenergic, thuốc kháng cholinergic và/ hoặc theophylin.
  • Tiotropium là thuốc kháng cholinergic tác dụng kéo dài dùng để điều trị duy trì trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, không dùng trong co thắt phế quản cấp.

2.2. Glucocorticoid

Glucocorticoid có tác dụng chống viêm, làm giảm phù nề, giảm bài tiết dịch nhầy vào lòng phế quản và làm giảm các phản ứng dị ứng. Glucocorticoid phục hồi đáp ứng của các receptor β2 với các thuốc cường β2 adrenergic giúp giãn khí phế quản.

Với bệnh lý ở mức độ nhẹ, sử dụng khí dung glucocorticoid. Tuy nhiên cần phối hợp với cường β2 adrenergic tác dụng kéo dài để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ trung bình và nặng. Lưu ý rằng cần ngưng phối hợp nếu không thấy tình trạng bệnh cải thiện sau 4 tuần sử dụng phối hợp. Nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn thì cần sử dụng thuốc giãn phế quản ở dạng dung dịch khí dung và thở oxy, uống glucocorticoid trong thời gian ngắn.

2.3. Các thuốc khác

  • Sử dụng kháng sinh khi có các bằng chứng liên quan đến nhiễm khuẩn.
  • Sử dụng các thuốc làm loãng đờm (acetylcysteine, carbocisteine... ) trong đợt cấp có ho khạc đờm dính quánh.
  • Điều trị tăng cường α1 antitrypsin.

3. Thuốc đông y chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được không?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất khó điều trị dứt điểm và được xem như kẻ giết người thầm lặng. Các phương pháp điều trị bằng thuốc Tây y có khá nhiều tác dụng không mong muốn. Thuốc Đông y thường khá an toàn và cho hiệu quả điều trị lâu dài. Câu hỏi đặt ra là thuốc đông y chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được không? Theo Đông y, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính là do thủy ẩm vì thế vận dụng bài thuốc ôn phế hóa đàm có thể điều trị được bệnh. Cụ thể là bài thuốc Tiểu thanh long tham gia giảm:

Nếu bệnh nhân bị ho nhiều thì phối hợp thêm tử uyển 12g và Khoản đông hoa 8g. Còn nếu rên, ứ đọng nhiều thì phối hợp thêm Đình lịch tử 12g.

4. Chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bằng thuốc nam được không?

Một số cây thuốc nam cũng được người dân sử dụng để hỗ trợ trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính như: Nghệ vàng, hoa đu đủ đực...Đây là các cây thuốc dễ tìm và được sử dụng từ lâu và khá an toàn khi sử dụng dài ngày.

4.1. Củ nghệ vàng

Củ nghệ (khương hoàng) là củ của cây nghệ có tên khoa học là Curcuma longa, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Từ xa xưa, nghệ đã được dùng như một loại gia vị trong các món ăn. Theo đông y, nghệ có vị cay, đắng, tính nóng và được ứng dụng trong khá nhiều bài thuốc. Hoạt chất curcumin có trong củ nghệ đã được chứng minh là có thể kháng virus, chống ung thư, chống viêm; hỗ trợ điều trị bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính,...

4.2. Hoa đu đủ đực

Đu đủ có tên khoa học là Carica papaya L., thuộc họ cải (Caricaceae). Trong nhân gian, hoa đu đủ được sử dụng khá nhiều trong nhân gian để điều trị các bệnh mạn tính liên quan đến phổi như hen, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

4.3. Cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương có tên khoa học là thymus vulgaris, được trồng ở các tỉnh như Sapa, Đà Lạt, là một cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Theo các nhà khoa học, cỏ xạ hương có chứa các thành phần có khả năng oxy hóa mạnh và có tác dụng giúp giảm viêm đường hô hấp, giảm co thắt khí, phế quản cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài ra, thành phần tinh dầu trong cỏ xạ hương có vai trò trong hạn chế việc sản xuất chất nhầy quá mức ở đường hô hấp, do đó, giúp đường thở thông thoáng và cải thiện được luồng thông khí đi vào phổi.

4.4. Bạc hà

Bạc hà có tên khoa học là Mentha arvensis, thuộc họ Hoa môi (Labiatae), có tác dụng tân lương giải biểu, quy kinh phế can. Trong bạc hà có nhiều vitamin nhóm B và canxi, kali, có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà có tác dụng làm thông khí phế quản, từ đó, giúp bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ thở hơn.

Như vậy, các bài thuốc đông y và các cây thuốc nam có khả năng chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng bất cứ bài thuốc nào.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe