Thuốc Didanosine: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Didanosine là một loại thuốc điều trị HIV, thuộc nhóm thuốc kháng vi-rút. Thông thường thuốc Didanosine được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị HIV. Tuy nhiên, thuốc Didanosine có thể làm giảm tải lượng virus trong máu mà không ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ lây lan HIV cho người khác.

1. Thuốc Didanosine là gì?

Didanosine là một loại thuốc kháng vi rút, được sử dụng như thuốc điều trị HIV cho các trường hợp nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV).

Cơ chế tác dụng của thuốc Didanosine là ngăn chặn không cho virus sao chép (nhân bản) chính nó, gián tiếp làm giảm số lượng vi rút trong cơ thể. Theo đó, thuốc Didanosine giúp làm chậm quá trình lây nhiễm HIV nhưng không phải là cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn. HIV phá hủy các tế bào trong cơ thể, được gọi là tế bào T CD4. Những tế bào này là một loại tế bào bạch cầu và rất quan trọng vì chúng tham gia vào việc bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, nhiễm HIV sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể không thể tự bảo vệ chống lại vi khuẩn, vi rút và các vi trùng khác, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và cuối cùng là kiệt quệ, tử vong.

2. Thuốc Didanosine được sử dụng như thế nào?

Thuốc Didanosine được bào chế dưới dạng viên nang giải phóng kéo dài (tác dụng kéo dài), viên nén có thể nhai hoặc trộn với nước, bột pha với nước và dung dịch. Tất cả các dạng bào chế này đều được dùng qua đường uống.

Nếu đang sử dụng viên nang giải phóng kéo dài, hãy nuốt toàn bộ viên thuốc; không tách, nhai, nghiền nát, hoặc mở viên thuốc ra.

Nếu đang sử dụng viên dạng nhai, không được nuốt toàn bộ. Thay vào đó, cần nhai kỹ viên thuốc hoặc trộn với ít nhất 20ml nước và khuấy đều để viên thuốc tan hết trước khi nuốt. Người bệnh có thể thêm một đến hai muỗng súp nước táo vào hỗn hợp để tạo hương vị nếu cần. Không sử dụng bất kỳ loại nước trái cây nào khác và cần uống hết hỗn dịch ngay lập tức.

Nếu đang sử dụng thuốc dạng bột, phải pha với nước ngay trước khi dùng. Mở gói và đổ bột vào ly với nửa cốc nước. Khuấy đều hỗn hợp trong 2 hoặc 3 phút cho đến khi bột tan hoàn toàn. Uống hết dung dịch đã pha ngay lập tức. Không trộn bột với nước hoa quả hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác.

Nếu đang sử dụng thuốc dạng dung dịch, nên lắc kỹ lọ thuốc trước mỗi lần sử dụng để trộn đều thuốc. Sử dụng thìa hoặc cốc đo liều lượng đính kèm lọ thuốc để đo liều lượng chính xác, không sử dụng thìa thông thường trong gia đình.

Thuốc Didanosine thường được dùng một hoặc hai lần một ngày khi bụng đói, 30 phút trước hoặc 2 giờ sau khi ăn. Để giúp ghi nhớ thời điểm dùng didanosine, hãy uống vào cùng thời điểm mỗi ngày. Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc một cách cẩn thận và yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ giải thích bất kỳ phần nào chưa rõ ràng. Tuân thủ liều lượng dùng thuốc didanosine đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ; không dùng nhiều hơn hoặc ít hơn hoặc dùng thường xuyên hơn so với toa thuốc đã chỉ định.

Thuốc Didanosine kiểm soát lây nhiễm HIV nhưng không chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Cần tiếp tục dùng thuốc didanosine ngay cả khi đã cảm thấy khỏe. Không tự ý ngừng dùng thuốc didanosine mà không có ý kiến của bác sĩ. Nếu vô tình bỏ lỡ liều hoặc ngừng dùng thuốc didanosine, tình trạng bệnh có thể trở nên khó điều trị hơn, tải lượng virus trong máu khó kiểm soát và nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên.


Thuốc Didanosine được sử dụng như thuốc điều trị HIV
Thuốc Didanosine được sử dụng như thuốc điều trị HIV

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc didanosine

Viêm tụy

Thuốc didanosine đã được ghi nhận nguy cơ gây nhiễm độc tuyến tụy. Theo đó, ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ gây viêm tụy, thuốc didanosine nên được sử dụng hết sức thận trọng.

Các đối tượng bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, đặc biệt là người cao tuổi, có nhiều nguy cơ mắc viêm tụy và cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Bệnh nhân suy thận có thể có nguy cơ cao hơn đối với viêm tụy nếu điều trị mà không điều chỉnh liều. Tần suất của viêm tụy được ghi nhận có liên quan đến liều lượng dùng thuốc.

Nhiễm axit lactic hay gan nhiễm mỡ

Nhiễm toan lactic và gan nhiễm mỡ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc didanosine từ mức độ nhẹ đến nặng và kể cả tử vong.

Đối tượng mắc phải thường gặp là nữ giới, béo phì và đã điều trị nucleoside kéo dài. Nguy cơ này cũng đã được báo cáo xảy ra khi sử dụng các chất tương tự nucleoside đơn độc hoặc kết hợp, bao gồm didanosine và các thuốc kháng retrovirus khác.

Như vậy, cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc didanosine cho bất kỳ bệnh nhân nào có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gan đã biết. Quyết định ngưng thuốc didanosine cần được xem xét ở bất kỳ bệnh nhân nào xuất hiện các triệu chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm gợi ý đến tình trạng tăng lactat máu, nhiễm axit lactic hoặc nhiễm độc gan.

Thay đổi võng mạc và viêm dây thần kinh thị giác

Thay đổi võng mạc và viêm dây thần kinh thị giác đã được báo cáo ở người lớn và trẻ em khi dùng thuốc didanosine.

Vì vậy, việc kiểm tra võng mạc đối với bệnh nhân đang điều trị thuốc didanosine cần thực hiện định kỳ.

4. Các tác dụng phụ có thể có của thuốc didanosine là gì?

Cần báo cho bác sĩ hay đến các phòng cấp cứu nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng dị ứng: nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Các triệu chứng nhẹ của nhiễm axit lactic như là tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc didanosine có thể nặng hơn theo thời gian và tình trạng này có thể gây tử vong, bao gồm đau cơ bất thường, khó thở, đau dạ dày, nôn mửa, nhịp tim không đều, chóng mặt, cảm giác lạnh hoặc mệt mỏi.

Ngoài ra, cần gọi cho bác sĩ để được xử trí ngay lập tức nếu có các tác dụng sau:

  • Tê, ngứa ran hoặc đau ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Phân có máu hay đen như hắc ín, ho ra máu hoặc chất nôn trông giống như bã cà phê
  • Thay đổi tầm nhìn
  • Có các dấu hiệu của vấn đề về gan hoặc tuyến tụy - chán ăn, đau bụng trên (có thể lan ra sau lưng), buồn nôn hoặc nôn, nhịp tim nhanh, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc vàng mắt.
  • Ngoài ra, thuốc Didanosine còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định, xuất hiện vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi dùng thuốc này:
  • Dấu hiệu của một bệnh lý nhiễm trùng mới - mưng mủ, đổ mồ hôi ban đêm, sưng hạch, mụn rộp, ho, thở khò khè, tiêu chảy, sụt cân
  • Khó nói hoặc khó nuốt, các vấn đề về thăng bằng hoặc cử động mắt, yếu hoặc có cảm giác như kim châm
  • Sưng tấy ở cổ hoặc họng do phì đại tuyến giáp, thay đổi kinh nguyệt, liệt dương.

Thuốc didanosine có thể gây ra các tác dụng phụ cho người dùng
Thuốc didanosine có thể gây ra các tác dụng phụ cho người dùng

5. Những loại thuốc có tương tác với thuốc didanosine

Một số loại thuốc điều trị HIV hoặc thuốc kháng sinh không nên dùng cùng lúc với thuốc didanosine. Các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến nồng độ thuốc didanosine trong máu:

  • Ciprofloxacin nên được dùng ít nhất 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi dùng didanosine
  • Delavirdine hoặc indinavir nên được dùng ít nhất 1 giờ trước khi dùng didanosine
  • Nelfinavir nên được dùng ít nhất 1 giờ sau khi dùng didanosine
  • Itraconazole hoặc ketoconazole nên được dùng ít nhất 2 giờ trước khi dùng didanosine

Ngoài ra, có nhiều loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả của thuốc didanosine và một số loại thuốc không nên được sử dụng cùng một lúc. Theo đó, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc đang dùng cùng với thuốc didanosine, bao gồm thuốc theo toa và thuốc không kê toa, vitamin và các sản phẩm thảo dược.

Tóm lại, thuốc Didanosine là một loại thuốc kháng retrovirus, kết hợp với các thuốc kháng virus khác được chỉ định như thuốc điều trị HIV. Dù không phải là thuốc chữa bệnh HIV hoặc AIDS, thuốc Didanosine giúp đem lại tác dụng giảm tải lượng virus, hạn chế tổn thương hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ lây truyền. Theo đó, cần tuân thủ sử dụng thuốc Didanosine theo đúng chỉ định để đạt hiệu quả bền vững dài lâu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, accessdata.fda.gov, patient.info, uofmhealth.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe