Thuốc Cytogam là sản phẩm được lựa chọn sử dụng và có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Việc tìm hiểu thuốc Cytogam trước khi dùng sẽ giúp mang đến hiệu quả và hạn chế tối đa những tác dụng phụ có thể gặp phải.
1. Cytogam là thuốc gì?
Trong quá trình cấy ghép tạng, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nhằm ngăn chặn rủi ro đào thải cơ quan mới. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm cytomegalovirus nghiêm trọng và có thể dẫn tới tử vong. Thuốc Cytogam được làm từ máu của người khỏe mạnh có lượng kháng thể cao giúp chống lại cytomegalovirus.
Vì vậy, thuốc Cytogam thường được sử dụng cùng với thuốc kháng virus ganciclovir để ngăn chặn tình trạng nhiễm cytomegalovirus nghiêm trọng ở những bệnh nhân ghép tạng như ghép thận, tim, gan, phổi, tuyến tụy.
2. Sử dụng thuốc Cytogam đúng cách như thế nào?
Việc sử dụng đúng cách sẽ giúp tăng hấp thu hoạt chất và thuốc Cytogam phát huy tác dụng tối đa, đảm bảo hiệu quả điều trị cho người sử dụng. Do đó, người bệnh cần quan tâm những lưu ý sau đây khi sử dụng thuốc Cytogam:
- Thuốc Cytogam được sử dụng bằng cách truyền chậm vào tĩnh mạch.
- Liều lượng thuốc Cytogam có thể được bác sĩ điều chỉnh, thay đổi, hướng dẫn dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi, giới tính và đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân. Thông thường, liều đầu tiên thường được tiêm trong vòng 3 ngày sau khi cấy ghép, sau đó là các liều tiếp theo sẽ được tiêm sau mỗi 2 đến 4 tuần của liều trước đó.
- Việc sử dụng thuốc Cytogam gần hay xa bữa ăn không ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.
3. Thuốc Cytogam có những tác dụng phụ nào?
Bên cạnh tác dụng điều trị, sử dụng thuốc Cytogam có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Cytogam bao gồm: đỏ bừng, ớn lạnh, chuột rút, đau lưng, đau khớp, sốt, buồn nôn, nôn mửa, cũng có thể xảy ra đau, đỏ và sưng tại vị trí tiêm.
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu trong khi dùng thuốc Cytogam bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào bao gồm:
- Đỏ bừng, ớn lạnh, chuột rút, đau lưng, đau khớp, sốt, buồn nôn, nôn mửa hoặc khó thở. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, có thể phải ngừng truyền hoặc điều chỉnh tốc độ truyền chậm hơn và theo dõi, quan sát phản ứng của cơ thể người bệnh.
- Dễ chảy máu, bầm tím. Để tránh nguy cơ bầm tím, chảy máu trong khi điều trị bằng thuốc Cytogam, bạn nên tránh sử dụng các vật sắc nhọn như dao kéo, dao cạo râu, bấm móng tay, kim châm và không nên tham gia các hoạt động vận động mạnh như các môn thể thao có tính chất tranh chấp, tiếp xúc trực tiếp, dễ gây chấn thương.
- Nhịp tim nhanh, không đều.
- Mệt mỏi bất thường.
- Dấu hiệu của các vấn đề về thận như thay đổi lượng nước tiểu, nước tiểu màu hồng hoặc có máu hay sủi bọt.
- Tăng cân đột ngột.
- Hiếm khi xảy ra nhưng thuốc Cytogam được làm từ máu người nên có thể chứa các chất có khả năng gây nhiễm trùng với các dấu hiệu như đau họng, sốt dai dẳng, vàng mắt, vàng da hoặc nước tiểu sẫm màu.
- Điều trị bằng thuốc Cytogam có thể gây ra viêm màng não syndrome trong vài giờ đến 2 ngày sau khi sử dụng với những triệu chứng như đau đầu dữ dội, cứng cổ, buồn ngủ, sốt cao, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt hoặc buồn nôn, nôn dữ dội.
- Các vấn đề về phổi có thể xảy ra từ 1 đến 6 giờ sau khi điều trị bằng thuốc Cytogam.
- Phản ứng dị ứng được xếp vào mức nghiêm trọng của thuốc Cytogam rất hiếm xảy ra với các triệu chứng bao gồm: phát ban, ngứa sưng mặt, ngứa hoặc sưng lưỡi, cổ họng, chóng mặt nghiêm trọng, cảm giác khó thở.
- Thuốc Cytogam có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm như xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, kiểm tra lượng nước tiểu. Vì vậy, người bệnh đi khám nên cho nhân viên xét nghiệm và bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc Cytogam.
Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Cytogam. Trong khi dùng thuốc Cytogam, nếu bạn nhận thấy các tác dụng không mong muốn khác không được liệt kê ở trên hoặc nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trầm trọng, kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn đừng chủ quan, hãy ngừng thuốc Cytogam và báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn phương án xử trí kịp thời, đúng cách và an toàn.
Trước khi sử dụng thuốc Cytogam, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử dị ứng với các sản phẩm immunoglobulin, tiền sử mắc phải một số vấn đề về hệ thống miễn dịch như thiếu hụt globulin miễn dịch A, bệnh gammopat đơn dòng, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, đau nửa đầu, nhiễm trùng huyết, bệnh thận, mất nước nghiêm trọng, tiền sử tiêm chủng. Qua đó, bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ tư vấn cho người sử dụng phương hướng điều trị có hiệu quả và an toàn hơn.
4. Các tương tác thuốc nào có thể xảy ra khi dùng thuốc Cytogam
Tương tác giữa thuốc Cytogam và các thuốc khác khi sử dụng đồng thời hoặc trong một thời gian gần nhau có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động, tác dụng và hiệu quả của nhau hoặc thậm chí làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng của mỗi thuốc. Vì thế, trước khi sử dụng thuốc Cytogam, hãy cho bác sĩ biết tất cả các thuốc và sản phẩm khác bạn đang sử dụng.
Các sản phẩm tương tác với thuốc Cytogam làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ hoặc làm tăng loại bỏ thuốc Cytogam ra khỏi cơ thể dẫn tới làm giảm hiệu quả điều trị bao gồm: các thuốc có thể gây hại cho thận như gentamicin hay các thuốc nhóm aminoglycoside khác, thuốc lợi tiểu như furosemide.
5. Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc Cytogam là gì?
Trường hợp lạm dụng thuốc Cytogam có thể dẫn tới quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở. Nếu bạn đã bỏ lỡ một liều thuốc Cytogam, không sử dụng ngay khi nhớ ra mà hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thời điểm nên dùng thuốc Cytogam.
Để thuốc Cytogam không bị biến chất dẫn tới suy giảm chất lượng và có thể mất tác dụng điều trị và an toàn cần có, bạn cần bảo quản thuốc trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Lọ thuốc đã mở ra chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ như chỉ dẫn, không nên đặt thuốc trong phòng tắm và tránh để thuốc trong tầm với của trẻ hoặc vật nuôi.
Nhằm đảm bảo an toàn và tránh được các tác dụng phụ của thuốc Cytogam, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Trong trường hợp sử dụng thuốc Cytogam không thấy hiệu quả, người bệnh đến các cơ y tế để thăm khám, điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com