Thuốc Cebrex có chứa hoạt chất Ginkgo biloba, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Thuốc được chỉ định sử dụng để điều trị các rối loạn chức năng não cùng các triệu chứng như suy giảm trí nhớ, trầm cảm, đau đầu,...
1. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cebrex
Thuốc Cebrex có thành phần hoạt chất là Ginkgo biloba 40mg, được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị bệnh lý tâm - thần kinh do rối loạn tuần hoàn não, hội chứng não thực thể, bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer, sa sút trí tuệ căn nguyên mạch máu) với các biểu hiện như mất trí nhớ, kém tập trung, nhức đầu, loạn vận động, mất ngôn ngữ;
- Điều trị suy tuần hoàn não cấp và mãn tính như thiếu máu cục bộ - nhũn não, xơ vữa mạch não, phục hồi các chức năng sau tai biến mạch máu não;
- Điều trị các bệnh lý đáy mắt do tiểu đường, co thắt mạch máu, thoái hóa hoàng điểm ở người già, glaucoma thứ phát do tắc mạch hoặc huyết khối từng phần;
- Điều trị chứng ù tai, suy giảm thính lực căn nguyên mạch máu, chóng mặt,...;
- Điều trị các bệnh lý rối loạn tuần hoàn ngoại biên: Viêm tắc động mạch, hội chứng Raynaud, chứng nhược dương ở nam giới, bệnh lý mạch máu - thần kinh ngoại biên do tiểu đường.
Lưu ý, thuốc Cebrex chống chỉ định cho các trường hợp:
- Bệnh nhân mẫn cảm với thành phần hoạt chất có trong thuốc;
- Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi;
- Người bị rong kinh, đang có xuất huyết, rối loạn đông máu.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cebrex
Cách dùng: Đường uống.
Liều dùng: Liều dùng thông thường cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi là 1 viên 40mg x 3 lần/ngày. Liều dùng có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và triệu chứng của bệnh. Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng, cần điều trị kéo dài ít nhất 8 tuần ở các bệnh lý mạn tính. Sau thời gian điều trị 3 tháng, cần đánh giá kết quả để xem xét có cần điều trị thêm hay không.
Quá liều: Các biểu hiện lâm sàng khi dùng thuốc Cebrex quá liều gồm: Tiết nhiều nước bọt, sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, co giật, bồn chồn, khó thở, mất phản xạ ánh sáng. Cần điều trị nhanh chóng bằng cách thụt rửa dạ dày, dùng thuốc lợi tiểu, thuốc an thần và truyền dịch tĩnh mạch.
Quên liều: Khi quên liều, người bệnh nên dùng thuốc càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần với liều kế tiếp thì bệnh nhân bỏ qua liều đã quên, uống liều kế tiếp vào đúng thời điểm như kế hoạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc Cebrex
Khi sử dụng thuốc Cebrex, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Rối loạn tiêu hóa, rối loạn ở da, nhức đầu,... Đây là các tác dụng phụ khá ít gặp. Nếu gặp các tác dụng phụ này, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc, thông báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra, xử trí kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cebrex
Trước khi sử dụng thuốc Cebrex, người bệnh cần lưu ý:
- Thành phần của thuốc có lactose nên không sử dụng thuốc Cebrex cho những người bị galactose huyết bẩm sinh, thiếu men lactose hoặc hội chứng kém hấp thu glucose/galactose;
- Thuốc Cebrex không phải là thuốc hạ huyết áp, không dùng để thay thế liệu pháp hạ huyết áp cho những bệnh nhân cần một chế độ trị liệu đặc biệt;
- Không dùng thuốc Cebrex kết hợp với các loại thuốc chỉ huyết;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho các đối tượng lái xe, vận hành máy móc;
- Chưa có dữ liệu lâm sàng về ảnh hưởng của thuốc đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú, tốt nhất không nên dùng.
Tương tác thuốc: Thuốc Cebrex có thể tương tác với các thuốc kháng đông và các loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng kết tập tiểu cầu. Không dùng chung thuốc Cebrex với các thuốc chống động kinh Valproate, Phenytoin.
Để tránh gặp phải các tác dụng phụ bất lợi khi sử dụng thuốc Cebrex, đồng thời đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.