Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen là hai khái niệm quen thuộc trong điều trị bệnh hen suyễn. Các triệu chứng điển hình của bệnh như khó thở, thở khò khè, ho và tức ngực sẽ cải thiện ngay với thuốc cắt cơn hen. Tuy nhiên, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào, điều trị với thuốc dự phòng hen vẫn là điều cần thiết.
1. Hen suyễn là gì?
Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh lý mãn tính gây viêm đường hô hấp, xảy ra các phản ứng co thắt và bài tiết chất nhầy.
Ở bệnh nhân hen, hệ thống cây phế quản rất dễ bị viêm và nhạy cảm hơn bình thường. Người bệnh dễ bị khó thở do tắc nghẽn luồng khí hoặc co thắt phế quản và gây ra ho, thở khò khè và tức ngực.
2. Tổng quan về điều trị bệnh hen suyễn
Các loại thuốc chữa hen suyễn rất đa dạng. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh hen suyễn nhìn chung là dựa trên hai mục tiêu quan trọng là:
- Phác đồ chuyên biệt để điều trị các cơn hen cấp tính bằng cách dãn phế quản và kháng viêm, tránh dẫn đến biến chứng suy hô hấp cấp.
- Các biện pháp phòng ngừa để tránh tần suất xảy ra cơn cấp tính và giảm thiểu mức độ nặng của cơn.
Để đạt được các mục tiêu này, việc điều trị bệnh hen suyễn cần có sự phối hợp giữa thuốc cắt cơn hen, thuốc dự phòng hen và các lời khuyên về lối sống, xác định cũng như phòng tránh các tác nhân khởi kích cơn hen suyễn tiềm ẩn.
3. Thuốc cắt cơn hen là gì?
Thuốc cắt cơn hen thường dùng là thuốc chủ vận beta 2, có khả năng khởi phát nhanh, giúp giảm nhanh các triệu chứng của cơn hen suyễn. Tất cả những người mắc bệnh hen suyễn nên được khuyến khích mang theo thuốc cắt cơn hen bên cạnh mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, thuốc cắt cơn hen chỉ nên được sử dụng khi cần thiết để giảm các triệu chứng và dùng ở liều thấp nhất với tần suất cần thiết. Do đó, loại thuốc được lựa chọn nên là các chất chủ vận beta 2 dạng hít tác dụng ngắn và thường có sẵn tại các nhà thuốc mà không cần toa bác sĩ.
Cơ chế của thuốc cắt cơn hen là làm giãn phế quản một cách nhanh chóng bằng cách làm thư giãn các cơ vòng xung quanh đường thở và cải thiện luồng khí lưu thông. Qua đó, người bệnh sẽ thấy bớt khó thở, khò khè.
Mặc dù vậy, việc sử dụng quá nhiều thuốc cắt cơn hen lại được nhận định là một trong các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm của bệnh và cho thấy khả năng kiểm soát bệnh kém. Khi cần liều cao, trong khoảng thời gian ít hơn 4 giờ một lần hay hơn hai lần mỗi tuần hay một lần trong đêm mỗi tuần, người bệnh nên được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, khi được đánh giá là khả năng kiểm soát bệnh hen kém, bệnh nhân có thể sẽ cần dùng thêm corticosteroid tại chỗ và/hoặc toàn thân. Mặt khác, việc sử dụng nhiều thuốc cắt cơn hen cũng có thể phản ánh các chẩn đoán khác như lo âu hoặc rối loạn nhịp thở và các điều này sẽ cần phải được quản lý một cách thích hợp hơn.
Các loại thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn được sử dụng làm thuốc cắt cơn hen là salbutamol và terbutaline. Bên cạnh đó, các loại thuốc chủ vận beta 2 tác dụng dài nhưng có khả năng khởi phát tác dụng nhanh cũng được sử dụng để cắt cơn như eformoterol có thể kết hợp với budesonide.
4. Thuốc dự phòng hen là gì?
Thuốc dự phòng hen là các thuốc được sử dụng để kiểm soát bệnh hen suyễn, giảm nguy cơ xảy ra cơn cấp tính và được sử dụng đều đặn hàng ngày ngay cả khi hoàn toàn không có triệu chứng gì. Đây thường là corticosteroid dạng hít và có thể được phối hợp cùng với các chất chủ vận beta tác dụng dài. Liều lượng sẽ được tính toán trong thuốc dự phòng hen sẽ tùy thuộc vào khả năng kiểm soát cơn hen cấp, thông qua tần suất xảy ra cơn, mức độ của cơn và khả năng cắt cơn.
Cơ chế của thuốc dự phòng hen với corticosteroid dạng hít với cơ chế kháng viêm tại chỗ trên đường thở. Thông qua đó, tính kích ứng của hệ thống cây phế quản sẽ bị ức chế, giảm thiểu xảy ra phản ứng viêm và gây co thắt, tăng tiết khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích từ bên ngoài.
Tuy nhiên, ở những người bị hen suyễn nặng, khả năng của corticosteroid hít trong vai trò là thuốc dự phòng hen có thể có giới hạn. Lúc này, phương pháp bổ sung có thể là duy trì corticosteroid đường uống liều thấp và điều chỉnh liều tùy vào khả năng đáp ứng lâu dài. Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid đường toàn thân lại gây ra một số tác dụng phụ đáng kể. Dù vậy, nếu sử dụng corticosteroid hít, người bệnh cũng cần chú ý việc súc miệng lại với nước sạch sau khi hít thuốc để loại bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng, họng nhằm hạn chế tác dụng phụ tại chỗ.
Các loại corticosteroid dạng hít được sử dụng như thuốc dự phòng hen là beclomethasone, budesonide, ciclesonide, flnomasone. Bên cạnh đó, còn có các loại corticosteroid dạng hít phối hợp cùng với các chất chủ vận beta tác dụng dài như budesonide/ eformoterol, flnomasone/ vilanterol, flnomasone/ eformoterol, flucticasone/ salmeterol. Một số loại chủ vận beta tác dụng dài đường hít cũng được dùng như thuốc dự phòng hen như eformoterol, salmeterol xinafoate nhưng không bao giờ nên được sử dụng như đơn trị liệu mà có thể còn phối hợp thêm các loại thuốc chữa hen suyễn khác cũng cùng mục đích phòng ngừa cơn.
5. Những điều cần lưu ý khi dùng các loại thuốc chữa hen suyễn
Lợi ích đạt được và cả các tác dụng phụ có nguy cơ mắc phải sẽ phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng dùng và cách dùng thuốc. Chính vì vậy, người bệnh cần nắm rõ cách sử dụng các loại thuốc chữa hen suyễn, nhất là các loại thuốc hít và phân biệt được thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen khác gì nhau.
Nhìn chung, khi hít thuốc hen suyễn thường gây ra ít tác dụng phụ hơn là dùng các loại thuốc dưới dạng viên nén. Ngược lại, ở bệnh hen suyễn từ mức độ trung bình đến nặng, hậu quả của bệnh nếu không được kiểm soát tốt sẽ còn tồi tệ hơn so với tác dụng phụ có nguy cơ mắc phải. Theo đó, việc hiểu biết về các tác dụng phụ của các loại thuốc chữa hen suyễn sẽ giúp phòng tránh tốt hơn và tăng tính an toàn khi dùng thuốc.
Corticosteroid
Việc sử dụng steroid lâu dài ở trẻ em có thể làm giảm sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể hiếm gặp và nếu có xảy ra, tình trạng này chỉ là tạm thời trong khi lợi ích của thuốc là rất có giá trị khi cắt cơn hen mức độ nặng, hen ác tính. Một số trẻ em có thể phát triển chậm hơn một chút trong năm đầu điều trị nhưng sẽ phát triển bình thường trong những năm sau đó khi bệnh hen đã ổn định. Đồng thời, các trẻ này cũng có khả năng phát triển đến cột mốc chiều cao trưởng thành cuối cùng cũng giống như những trẻ khác. Tuy nhiên, để đem lại sự an toàn tối đa, trẻ em bị hen suyễn cần được kê đơn liều steroid thấp nhất có thể và nếu có thể thì chỉ dùng steroid tại chỗ thay vì toàn thân.
Mặt khác, corticosteroid lại có thể gây ho và khàn giọng cũng như làm tăng nguy cơ nhiễm nấm trong miệng. Để ngăn chặn các tác dụng phụ này, bệnh nhân cần ghi nhớ súc miệng lại sau khi hít corticosteroid. Ở người lớn tuổi, corticosteroid còn có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
Chủ vận Beta 2
Các chất chủ vận beta 2 tác dụng dài nên luôn luôn được dùng cùng với steroid. Nếu điều trị với các chất chủ vận beta 2 tác dụng dài với vai trò làm thuốc dự phòng hen đơn độc lại có thể dẫn đến các cơn hen suyễn đe dọa tính mạng.
Tóm lại, việc điều trị bệnh hen suyễn luôn cần có sự phối hợp giữa thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen. Các loại thuốc chữa hen suyễn này phải luôn được hiểu rõ và sẵn có sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hô hấp, kiểm soát tốt cơn hen lẫn bệnh hen, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe
THÔNG PHẾ PHÚC HƯNG
- Hỗ trợ giảm ho, hỗ trợ giảm đờm do viêm phế quản
- Hỗ trợ giúp đường hô hấp thông thoáng
Thành phần: Cho 250ml chế phẩm
- Tô tử (Fructus Perillae frutescensis): 20g
- Ngũ vị tử (Fructus Schisandrae chinensis): 20g
- Tỳ bà diệp (Folium Eriobotryae): 20g
- Cam thảo (Radix et rhizoma Glycyrrhyzae): 20g
- Can khương (Zingiber officinalis Ross): 20g
- Bối mẫu (Bulbus Fritillariae): 20g
- Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne): 20g
- Cát cánh (Radix Platycodi): 15g
- Lá táo (Zizyphus mauritiana Lamk): 30g
- Tế tân (Radix et rhizoma Asari): 6g
- Tá dược vừa đủ 250ml.
Công dụng
- Hỗ trợ giảm ho, giảm đờm, giảm đau rát họng do viêm họng, viêm phế quản.
- Giúp đường hô hấp thông thoáng.
Cách dùng - Liều dùng
Ngày uống 2 - 3 lần
- Từ 3 – 6 tuổi: Mỗi lần 15ml.
- Từ 6 – 14 tuổi: Mỗi lần 20 ml.
- Trẻ từ 14 tuổi trở lên và người lớn: Mỗi lần 25 ml.
Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Không dùng cho người có mẫn cảm, kiêng kỵ với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.
Nhà sản xuất và chịu trách nhiệm sản phẩm:
CÔNG TY TNHH ĐÔNG DƯỢC PHÚC HƯNG
Số 96 -98 Nguyễn Viết Xuân, Phường Quang Trung, Quận Hà Đông, TP Hà Nội
Liên hệ: 1800 5454 35 – Zalo 0916 561 338
Website: www.benhhen.vn
Chi tiết về sản phẩm: https://phuchung.vn/chi-tiet/tpbvsk-thong-phe-phuc-hung.html
(Số GPĐKQC: 1969/2022/XNQC-ATTP)