Thuốc Benzocain chứa hoạt chất Benzocain, thuộc nhóm thuốc gây tê cục bộ được sử dụng trong giảm đau và khó chịu do đau họng, kích ứng da nhẹ, bệnh trĩ, ong đốt, vết côn trùng cắn, đau răng, viêm tai giữa, viêm tai ngoài cấp tính... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Benzocaine qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Benzocain
1.1. Chỉ định
“Thuốc Benzocain có tác dụng gì?”. Thuốc Benzocain chứa hoạt chất Benzocain, thuộc nhóm thuốc gây tê cục bộ được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Giảm đau và giảm khó chịu trong các bệnh lý: Đau họng, kích ứng da nhẹ, móng mọc ngược, kích ứng âm đạo hoặc trực tràng, ong đốt, bệnh trĩ, vết côn trùng cắn, đau răng, kích ứng miệng và nướu răng, viêm tai ngoài cấp tính, viêm tai giữa;
- Ức chế tình trạng xuất tinh sớm khi quan hệ;
- Gây tê niêm mạc miệng, cổ họng, mũi, âm đạo, trực tràng hoặc gây tê ngoài da nhằm giảm đau khi cần đưa dụng cụ y tế vào thăm khám.
1.2. Dược lực học
Benzocaine thuộc nhóm chất gây tê cục bộ có cấu trúc ester. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế thuận nghịch quá trình khử cực của màng tế bào thần kinh cũng như sự trao đổi ion, từ đó dẫn đến ngăn cản quá trình khử cực màng tế bào và giảm nghẽn sự truyền xung động thần kinh cảm giác gần vị trí bôi thuốc.
1.3. Dược động học
- Quá trình hấp thu: Benzocaine hấp thu nhanh chóng qua vùng da bị tổn thương và màng nhầy.
- Quá trình phân bố: Thuốc Benzocaine liên kết với cả alpha – 1 – acid glycoprotein và albumin huyết thanh.
- Quá trình chuyển hóa: Benzocaine bị chuyển hóa qua 3 phản ứng gồm acetyl hóa tạo thành acetylbenzocaine, thủy phân ester tạo thành acid 4 – aminobenzoic và N – hydroxyl hóa tạo thành benzocain hydroxide. Acid 4 – aminobenzoic sau đó được acetyl hóa tạo thành acid 4 – acetaminobenzoic, ngoài ra hợp chất này cũng là sản phẩm của phản ứng thủy phân ester acetybenzocaine.
- Quá trình thải trừ: Thuốc được thải trừ ở dạng chất chuyển hóa qua nước tiểu.
2. Liều dùng
2.1. Liều chỉ định
Liều dùng thuốc Benzocaine phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng người bệnh, cụ thể như sau:
Người trưởng thành:
- Bỏng nhẹ, ong đốt, vết côn trùng cắn, cháy nắng: Bôi một lượng vừa đủ thuốc Benzocaine 5 – 20% lên vùng da tổn thương mỗi 6 – 8 giờ;
- Đau họng: Ngậm một viên thuốc Benzocaine, lặp lại liều mỗi 2 giờ và dùng thuốc tối đa trong 2 ngày. Hoặc dùng thuốc dạng xịt miệng 4 lần/ngày (đối với dạng này cần nhổ thuốc ra sau 1 phút xịt);
- Bệnh trĩ: Dùng thuốc dạng bôi 5 – 20%, bôi vào nơi tổn thương và lặp lại mỗi 4 giờ;
- Đau răng: Dùng thuốc Benzocaine 2,5 – 20% dạng dung dịch khi cần;
- Mụn nhọt: Bôi một lượng vừa đủ thuốc Benzocaine 20% vào vị trí bị mụn nhọt, lặp lại mỗi 12 giờ;
- Xuất tinh sớm: Dùng thuốc Benzocaine 7,5% bôi một lượng nhỏ vào dương vật khoảng 15 – 20 phút trước khi quan hệ và cần rửa sạch sau khi quan hệ;
- Viêm tai ngoài cấp tính, viêm tai giữa: Nhỏ khoảng 4 – 5 giọt dung dịch thuốc Benzocaine 20%, sau đó dùng bông nhét vào tai để tránh dung dịch chảy ra ngoài. Lặp lại liều thuốc sau 1 – 2 giờ nếu.
Trẻ em:
- Thuốc Benzocaine đau răng do mới mọc: Không dùng ở trẻ em dưới 4 tuổi. Trẻ em từ 4 tuổi trở lên bôi một lượng vừa đủ thuốc Benzocaine 7.5 – 10% vào vùng nướu bị đau và lặp lại sau mỗi 6 giờ;
- Mụn nhọt, ong đốt, bỏng nhẹ, vết côn trùng cắn, cháy nắng, nướu răng và kích ứng miệng: Chỉ dùng cho trẻ em trên 2 tuổi, liều dùng giống như ở người trưởng thành;
- Kích ứng nướu răng và miệng: Dùng cho trẻ em trên 2 tuổi, liều dùng tương tự như người lớn;
- Đau họng: Chỉ dùng thuốc ở trẻ em trên 5 tuổi, liều dùng tương tự như người lớn;
- Bệnh trĩ: Chỉ dùng thuốc ở trẻ em trên 12 tuổi, liều dùng tương tự như người lớn.
2.2. Quá liều và cách xử trí
Quá liều: Sử dụng quá liều thuốc Benzocaine có thể xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc toàn thân như suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương, suy giảm chức năng tim mạch, nhịp tim chậm, ngừng tim, loạn nhịp, hạ huyết áp, co giật và ngất. Ngoài ra, quá liều thuốc có thể dẫn đến methemoglobin máu dẫn đến tím tái, suy hô hấp.
Xử trí khi quá liều: Điều trị triệu chứng khi quá liều và điều trị hỗ trợ như kiểm soát cơn co giật, duy trì đường thở. Trường hợp người bệnh bị tăng methaemoglobin máu cần được điều trị bằng tiêm tĩnh mạch xanh methylene.
3. Tác dụng phụ thuốc Benzocaine
Một số tác dụng có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Benzocaine như sau:
- Phản ứng quá mẫn trên da như viêm ngứa, bỏng rát, châm chích, phát ban, phù nề, ban đỏ, viêm da tiếp xúc và methaemoglobin;
- Bôi Benzocaine trong cổ họng hoặc miệng có thể gây lú lẫn, nhức đầu, nhịp tim nhanh, khó thở, choáng váng;
- Môi, da hoặc móng tay tái nhợt, xám hoặc xanh;
- Sưng môi, mặt, cổ họng hoặc lưỡi;
- Sốt cao, nước tiểu đậm màu, nôn mửa, buồn nôn, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường, chảy máu hoặc bầm tím bất thường, đau, sưng đỏ hoặc kích ứng nặng hơn xung quanh miệng.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Benzocaine
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Benzocaine trong các trường hợp sau đây:
- Người mẫn cảm với Benzocaine hoặc với các thuốc gây tê cục bộ nhóm caine như butacaine, procaine;
- Người bệnh thiếu máu, viêm thanh quản (chống chỉ định dùng dạng xịt miệng);
- Người bệnh nghi ngờ hoặc có tiền sử tăng methaemoglobin máu;
- Người bệnh đang sử dụng đồng thời các chất ức chế men cholinesterase hoặc đang điều trị bằng thuốc thuộc nhóm sulfonamide;
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Benzocaine trên vùng da nổi mụn nước, vùng da rộng, vết thương hở, nhiễm trùng hoặc cháy nắng.
Thận trọng khi sử dụng thuốc ở các đối tượng sau đây:
- Người bệnh viêm phế quản, hen phế quản, khí phế thủng;
- Người mắc bệnh tim;
- Người bệnh hút thuốc lá;
- Trẻ em;
- Phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú;
- Cần theo dõi các dấu hiệu cũng như triệu chứng thiếu máu ở người bệnh đang điều trị bằng Benzocaine.
4.2. Lưu ý khi dùng thuốc Benzocaine
Các lưu ý khi dùng Benzocaine như sau:
- Không điều trị bằng Benzocaine kéo dài (khuyến cáo không quá 7 ngày);
- Sử dụng thuốc có thể che giấu các triệu chứng liên quan đến tình trạng bệnh;
- Không dùng liều thuốc vượt quá liều khuyến cáo;
- Không dùng thuốc ở người bệnh bị block tim hoàn toàn;
- Trường hợp dùng thuốc trên niêm mạch nướu hoặc miệng không nên ăn đồ ăn trong 1 giờ sau khi dùng thuốc;
- Đối với phụ nữ đang mang thai, thuốc Benzocaine thuộc phân nhóm C. Vì vậy chỉ sử dụng thuốc ở đối tượng này khi lợi ích lớn hơn nguy cơ;
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu về khả năng bài tiết của thuốc qua sữa mẹ. Vì vậy không sử dụng thuốc Benzocaine ở phụ nữ đang cho con bú;
- Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc không gây ảnh hưởng.
5. Tương tác thuốc Benzocaine
Một số tương tác thuốc với Benzocaine có thể xảy ra như sau:
- Sulfonamide: Chất chuyển hóa của Benzocaine là acid para – aminobenzoic có thể đối kháng với tác dụng của Sulfonamide.
- Thuốc ức chế men cholinesterase gây ức chế quá trình chuyển hóa của Benzacoine.
- Hyaluronidase làm tăng sự hấp thu của Benzacoine, dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong huyết thanh và làm trầm trọng thêm các hiệu ứng bất lợi.
- Technetium Tc – 99m tilmanocept: Benzocaine có thể làm giảm hiệu quả của thuốc khi dùng chung.
- Butalbital, Dapsone, Phenytoine, Acid Valproic, Sulfadiazine, Nitroprusside, Nitric Oxide, Quinine dùng chung với Benzocaine có thể làm tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của methemoglobinemia.
Những thông tin về thuốc Benzocain sẽ giúp bạn hiểu rõ cách sử dụng để đạt được kết quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.