Hiện nay, có rất nhiều biện pháp ngừa thai đang được áp dụng như sử dụng bao cao su, đặt vòng, cấy que tránh thai, miếng dán tránh thai... Tuy nhiên, có rất nhiều cặp vợ chồng lựa chọn phương pháp tránh thai hằng ngày với thuốc Amethyst. Vậy Amethyst là thuốc gì và Amethyst có tác dụng gì?
1. Amethyst có tác dụng gì?
Amethyst là thuốc gì? Thuốc Amethyst là một loại hormone kết hợp được sử dụng để tránh thai. Thuốc Amethyst có thành phần gồm 2 hoạt chất là levonorgestrel (một loại progestin) và ethinyl estradiol (một loại estrogen). Amethyst hoạt động chủ yếu bằng cách ngăn chặn sự phóng thích của trứng (hiện tượng rụng trứng) trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Ngoài ra, thuốc Amethyst còn làm cho dịch âm đạo trở nên đặc hơn, giúp ngăn cản tinh trùng gặp trứng (hiện tượng thụ tinh) và làm thay đổi niêm mạc tử cung, ngăn cản trứng đã thụ tinh tiến vào tử cung làm tổ.
Bên cạnh việc ngừa thai, thuốc Amethyst còn có công dụng khiến kinh nguyệt của nữ giới trở nên đều đặn hơn, giảm mất máu và cải thiện tình trạng đau bụng kinh, giảm nguy cơ u nang buồng trứng và còn có thể điều trị mụn trứng cá.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Amethyst không bảo vệ người dùng chống lại nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như HIV, lậu, nhiễm chlamydia...).
2. Cách sử dụng thuốc Amethyst
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Amethyst trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc chứa rất nhiều thông tin quan trọng về thời điểm uống thuốc, phải làm gì nếu bỏ lỡ một liều... Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn chính xác nhất.
Thuốc Amethyst được sử dụng bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường dùng 1 liều mỗi ngày. Chọn một thời điểm trong ngày mà người sử dụng dễ nhớ và uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Điều rất quan trọng khi sử dụng thuốc Amethyst để tránh thai là phải liên tục dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn trên gói để tìm viên đầu tiên, bắt đầu uống viên thứ nhất và uống theo đúng thứ tự, đừng bỏ qua bất kỳ liều nào vì người sử dụng có khả năng mang thai nếu bỏ lỡ thuốc hoặc uống thuốc vào thời điểm khác trong ngày so với bình thường.
Theo đó, bạn nên uống thuốc này sau bữa ăn tối hoặc trước khi đi ngủ nếu bạn bị đau bụng hoặc buồn nôn do thuốc. Bất kể sử dụng thuốc vào lúc nào, điều rất quan trọng là bạn phải dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày, cách nhau đúng 24 giờ.
Một vỉ thuốc chứa 28 viên thuốc đều chứa hoạt chất, uống một viên một lần mỗi ngày trong 28 ngày liên tiếp. Sau khi uống viên cuối cùng trong vỉ cũ, hãy bắt đầu vỉ thuốc mới vào ngày hôm sau. Không có khoảng nghỉ giữa các vỉ thuốc, và không có viên "nhắc nhở" (viên không có thuốc). Hầu hết phụ nữ không có kinh nguyệt đều đặn khi dùng thuốc này, có thể gặp phải tình trạng bị chảy máu lấm tấm, nếu điều này xảy ra, bạn không nên ngừng uống thuốc.
Nếu đây là lần đầu tiên bạn sử dụng thuốc này, uống viên thuốc đầu tiên trên vỉ vào ngày đầu tiên của chu kỳ. Nếu bác sĩ chỉ định bạn bắt đầu dùng thuốc này vào bất kỳ ngày nào khác, hãy sử dụng thêm một hình thức ngừa thai không chứa hormone (như bao cao su) trong 7 ngày đầu để tránh thai cho đến khi thuốc có đủ thời gian để phát huy tác dụng. Nếu bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, bạn không cần phải sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng nào trong tuần đầu tiên.
Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin về cách chuyển từ các biện pháp ngừa thai có chứa nội tiết tố khác (như miếng dán, thuốc tránh thai khác) sang sản phẩm này. Nếu có bất kỳ thông tin nào không rõ ràng, hãy tham khảo thêm tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc hỏi ý bác sĩ, dược sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Amethyst
Thuốc Amethyst có thể gây ra buồn nôn, nôn, nhức đầu, đau bụng/chướng bụng, căng tức ngực, sưng mắt cá chân/bàn chân hoặc thay đổi cân nặng. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn ngay lập tức.
Như đã đề cập ở trên, có nhiều phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt đều đặn khi dùng thuốc Amethyst, điều này là bình thường. Bên cạnh đó, người sử dụng còn có thể xảy ra hiện tượng chảy máu/ra máu âm đạo, đặc biệt là trong vài tháng đầu sử dụng. Nếu chảy máu nhiều bất thường hoặc kéo dài hơn 7 ngày liên tiếp, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức.
Thuốc Amethyst có thể làm tăng huyết áp của bạn, vì vậy cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và cho bác sĩ biết nếu kết quả huyết áp cao.
Bên cạnh đó, có thể xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng gồm: nổi cục ở vú, thay đổi tâm trạng, chảy máu âm đạo bất thường (ra máu liên tục, chảy máu nhiều đột ngột), đau bụng nghiêm trọng, đau xương chậu, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da
Thuốc Amethyst hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng (gây tử vong) do cục máu đông (như huyết khối tĩnh mạch sâu, đau tim, thuyên tắc phổi, đột quỵ). Bạn cần nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu có triệu chứng khó thở, thở nhanh, đau ngực, đau hàm, đau cánh tay trái, đổ mồ hôi bất thường, lú lẫn, chóng mặt, ngất xỉu đột ngột, đau/sưng/nóng ở bẹn hoặc bắp chân, đau đầu đột ngột và dữ dội, nói lắp, suy nhược một bên cơ thể, thay đổi thị lực đột ngột...
4. Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Amethyst
Trước khi dùng thuốc chứa hoạt chất levonorgestrel và ethinyl estradiol, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với các chất này hoặc với bất kỳ loại estrogen (mestranol...) và bất kỳ progestin (như norethindrone, desogestrel...) nào khác.
Trước khi sử dụng thuốc, báo với bác sĩ về bệnh sử của bạn, đặc biệt về tình trạng cục máu đông, máu rối loạn đông máu, cao huyết áp, thăm khám có bất thường ở vú, ung thư (ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú ), mỡ máu cao, trầm cảm, tiểu đường, tiền sử gia đình hoặc cá nhân mắc một chứng rối loạn sưng phù nhất định (phù mạch). Ngoài ra, khi bạn có các vấn đề về túi mật, chứng đau nửa đầu, các vấn đề về tim (bệnh van tim, nhịp tim không đều, tiền sử có cơn đau tim), tiền sử vàng mắt, vàng da khi mang thai hoặc trong khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố khác (như thuốc viên, miếng dán), bệnh thận, các vấn đề về gan, đột quỵ, phù nề, các vấn đề về tuyến giáp, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, béo phì cũng cần thông báo với bác sĩ để phòng ngừa các tác dụng phụ.
Nếu người dùng thuốc mắc bệnh tiểu đường, thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, vì vậy cần kiểm tra lượng đường máu thường xuyên theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng tăng đường máu như khát nhiều, tiểu nhiều. Bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh liều lượng thuốc tiểu đường, chế độ tập thể dục hoặc chế độ ăn uống của người bệnh.
Báo cáo cho bác sĩ biết nếu người bệnh vừa trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc nếu bản thân sắp phải ngồi trong thời gian dài (ví dụ cần đi một chuyến bay dài trên máy bay). Những tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt nguy cơ tăng cao khi sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. Khi đó, người dùng Amethyst có thể cần ngừng thuốc trong một thời gian hoặc thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
Thuốc Amethyst có thể gây ra nám da, ánh nắng mặt trời có thể làm xấu đi hiệu ứng này, vì vậy cần hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo bảo vệ khi ra ngoài trời.
Có thể mất nhiều thời gian hơn để mang thai trở lại sau khi bạn ngừng uống thuốc tránh thai Amethyst, khi đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Thuốc Amethyst không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai, vì vậy nếu ngừa dùng có thai hoặc nghi ngờ mang thai, hãy báo với bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Trong trường hợp người vừa sinh con hoặc bị sảy thai, hoặc phá thai sau 3 tháng đầu tiên, cần nói chuyện với bác sĩ về các hình thức kiểm soát sinh sản đáng tin cậy khác và tìm hiểu về thời điểm an toàn để bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai có chứa một hoạt chất dạng estrogen (giống như Amethyst).
Thuốc Amethyst có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ, bên cạnh đó, một lượng nhỏ thuốc có thể đi vào sữa mẹ và gây tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ.
5. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng Amethyst
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Một số sản phẩm có thể gây tương tác với thuốc Amethyst bao gồm: thuốc ức chế aromatase (anastrozole, exemestane ), ospemifene, tamoxifen, tizanidine, axit tranexamic, các thuốc dạng phối hợp trong điều trị bệnh viêm gan C mãn tính (paritaprevir/ombitasvir/ritonavir có hoặc không chứa hoạt chất dasabuvir).
Một số loại thuốc có thể khiến việc ngừa thai bằng hormone hoạt động kém hiệu quả hơn bằng cách làm giảm lượng hormone trong cơ thể, từ đó dẫn đến mang thai như griseofulvin, modafinil, rifamycins (rifampin, rifabutin), thuốc điều trị động kinh (barbiturat, carbamazepin, felbamate, phenytoin, primidone, topiramate), thuốc điều trị HIV (nelfinavir, nevirapine, ritonavir)...
Khi người dùng xuất hiện bất kỳ đốm máu nào hoặc bị chảy máu đột ngột thì có thể là những dấu hiệu cho thấy biện pháp tránh thai của bạn dùng đang hoạt động không tốt.
Thuốc Amethyst có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm nhất định (như xét nghiệm yếu tố đông máu, xét nghiệm tuyến giáp), từ đó dẫn đến kết quả xét nghiệm sai.
Nếu sử dụng quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở, buồn nôn và nôn mửa dữ dội, chảy máu âm đạo đột ngột và bất thường hãy cần gọi cấp cứu ngay.
Thuốc Amethyst là loại thuốc tránh thai thông dụng. Ngoài tác dụng tránh thai, thuốc Amethia còn được chỉ định điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Amethia có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế, bạn có thể cân nhắc các biện pháp tránh thai ít tác dụng phụ hơn. Nếu chưa thực sự hiểu rõ về các phương pháp tránh thai cũng như cách sử dụng thuốc bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và được tư vấn về kế hoạch sinh sản, lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp, đảm bảo thiên chức làm mẹ sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com