Thuốc Alomide là một loại thuốc nhỏ mắt thường được sử dụng trong nhãn khoa. Vậy thuốc Alomide có tác dụng gì, lưu ý gì khi sử dụng và nhỏ thuốc sao cho đúng để hạn chế tối đa những tai biến do sử dụng thuốc nhỏ mắt sai cách?
1. Alomide là thuốc gì?
Alomide là thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Lodoxamide 0.1 %. Thuốc Alomide có tác dụng gì? Thuốc Alomide là thuốc được dùng để điều trị một số tình trạng dị ứng mắt (viêm kết - giác mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc), thuốc giúp ngăn chặn tình trạng ngứa mắt. Lodoxamide là một hoạt chất giúp ổn định tế bào mast, ngăn chặn một số chất tự nhiên do cơ thể tiết ra (như histamine, leukotriene) gây ra các triệu chứng dị ứng.
2. Cách sử dụng thuốc Alomide
Trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Alomide phải rửa tay sạch sẽ. Để tránh nhiễm bẩn, không chạm vào đầu ống nhỏ giọt hoặc để đầu ống nhỏ chạm vào mắt hoặc bất kỳ bề mặt nào khác. Người bệnh không đeo kính áp tròng trong khi nhỏ thuốc. Thuốc Alomide được sử dụng cho mắt bị ảnh hưởng, thường dùng với liều 4 lần mỗi ngày hoặc dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, điều trị có thể được tiếp tục kéo dài trong 3 tháng.
Bệnh nhân ngửa đầu ra sau, nhìn lên trên và kéo mí mắt dưới xuống để tạo thành “túi” giữ thuốc. Giữ ống nhỏ giọt phía trên mắt và nhỏ 1 giọt vào mắt, nhìn xuống và nhẹ nhàng nhắm mắt lại trong 1 - 2 phút. Đặt một ngón tay ở khóe mắt gần mũi và ấn nhẹ, điều này sẽ ngăn không cho thuốc chảy ra khỏi mắt. Cố gắng không chớp mắt và không dụi mắt ngay sau khi nhỏ thuốc.
Lặp lại các bước này nếu liều lượng của mỗi lần nhỏ thuốc lớn hơn 1 giọt và thực hiện tương tự với bên mắt còn lại. Không rửa ống nhỏ giọt của chai thuốc sau khi dùng xong. Đậy chặt nắp ống nhỏ giọt sau mỗi lần sử dụng. Nếu người bệnh đang sử dụng một loại thuốc mắt khác (ví dụ: thuốc nhỏ hoặc thuốc mỡ), hãy đợi ít nhất 5 phút trước khi tiếp tục sử dụng các loại thuốc khác. Dùng thuốc nhỏ mắt trước khi tra thuốc mỡ tra mắt.
XEM THÊM: Những sai lầm khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
Sử dụng thuốc Alomide thường xuyên để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Để tiện ghi nhớ, hãy sử dụng thuốc Alomide vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày và tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ thời gian quy định. Có thể mất đến vài ngày sử dụng để bắt đầu nhận thấy các triệu chứng thuyên giảm. Nếu cần giảm ngay các triệu chứng khó chịu ở mắt (ngứa), hãy sử dụng thuốc giảm đau nhanh khác (như thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hoặc thuốc chống viêm không steroid - NSAID) cùng với lodoxamide theo chỉ dẫn của bác sĩ. Báo cho bác sĩ biết nếu tình trạng khó chịu của bạn vẫn tồn tại hoặc ngày càng xấu đi.
3. Tác dụng phụ của thuốc Alomide?
Tác dụng phụ của thuốc Alomide có thể gặp phải như: châm chích khó chịu, cảm giác như có đó trong mắt, mũi khô, hắt hơi, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mờ mắt, chảy nước mắt, khô mắt, cảm giác dính dính trong mắt hoặc trên mí mắt có thể xảy ra,... Nếu bất kỳ tác dụng nào kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ ngay.
Báo cho bác sĩ điều trị biết nếu bệnh nhân xảy ra tác dụng phụ hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng của thuốc Alomide như sau: đau mắt, sưng trong hoặc xung quanh mắt, cảm giác nóng trong mắt, thay đổi thị lực. Phản ứng dị ứng của thuốc Alomide, tuy rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, ngứa sưng mặt/lưỡi/cổ họng, khó thở, chóng mặt nghiêm trọng...
XEM THÊM: Có nên ngưng dùng thuốc điều trị viêm kết mạc khi nghi ngờ do dị ứng không?
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Alomide
Để đảm bảo an toàn, khi sử dụng thuốc Alomide, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất lodoxamide, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ điều trị biết nếu người bệnh đã có tiền sử dị ứng với hoạt chất này hoặc từng có bất kỳ dị ứng nào khác cũng như tiền sử bệnh của bệnh nhân.
- Sau khi nhỏ thuốc, tầm nhìn có thể bị mờ tạm thời. Thuốc Alomide hiếm khi làm cho người sử dụng bị chóng mặt hoặc buồn ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu hoặc ma túy có thể khiến hiện tượng chóng mặt hoặc buồn ngủ nặng nề hơn. Do đó, không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ việc gì cần sự tỉnh táo hoặc đòi hỏi tầm nhìn. Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn khi đang dùng thuốc.
- Đối với thai phụ, thuốc Alomide chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết và tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.
- Nếu người bệnh sử dụng thuốc quá liều có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở.
- Thuốc Alomide là thuốc nhỏ mắt, vì vậy thuốc có thể gây hại nếu nuốt phải. Các triệu chứng sau khi nuốt lodoxamide có thể bao gồm: đỏ bừng mặt, cảm giác ấm sốt, mệt mỏi bất thường, đổ mồ hôi, tiêu chảy.
- Tránh các chất gây dị ứng có thể là nguyên nhân gây tình trạng viêm mắt. Một số chất gây dị ứng phổ biến gây ra tình trạng dị ứng mắt bao gồm phấn hoa, cỏ dại, mạt bụi và lông thú cưng.
- Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt này với người khác.
- Nếu người bệnh bỏ lỡ một liều, hãy nhỏ thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm nhỏ thuốc tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều tiếp theo bình thường, không nhỏ thuốc gấp đôi liều.
- Bảo quản chai nhỏ giọt ở tư thế thẳng đứng ở nhiệt độ phòng 15 - 27 độ C, tránh ánh sáng và độ ẩm, để thuốc xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
Alomide là thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Lodoxamide, thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị các bệnh dị ứng mắt, viêm kết mạc. Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp sử dụng thuốc không thấy hiệu quả, người bệnh nên ngừng thuốc và đến các cơ y tế để thăm khám, điều trị và được kê đơn thuốc phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com