Khả năng thụ thai trong thụ tinh ống nghiệm thấp có thể là do tính chất màng trong suốt bị ảnh hưởng bởi quá trình nuôi cấy ở điều kiện nhân tạo. Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng đã được áp dụng, giúp làm tăng tỷ lệ phôi làm tổ và tỷ lệ có thai khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
1. Thụ tinh ống nghiệm IVF là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) là kỹ thuật Y khoa phức tạp được sử dụng để điều trị các trường hợp vô sinh, hiếm muộn hoặc các vấn đề di truyền liên quan về giới tính.
Hiện nay, đây đang là phương pháp y khoa mang lại hiệu quả cao nhất của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được áp dụng để điều trị nhằm tăng khả năng sinh sản cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Đây được xem là biện pháp cứu cánh cuối cùng dành cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn sau khi các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như dùng thuốc hay thụ tinh nhân tạo thất bại.
2. Hỗ trợ phôi thoát màng là gì?
Sau khi trứng và tinh trùng thụ tinh bằng kỹ thuật IVF hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Bao bên ngoài phôi là một màng trong suốt (màng zona).
Trong một số trường hợp, lớp màng này bị cứng chắc bất thường hoặc không mỏng đi trong quá trình phôi phát triển. Điều này làm cho phôi không thể thoát ra ngoài và bám dính vào nội mạc tử cung để làm tổ. Dựa trên giả thuyết đó, kỹ thuật làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt bên ngoài phôi đã ra đời, giúp phôi dễ dàng thoát ra ngoài và làm tổ vào tử cung hơn. Kỹ thuật Hỗ trợ phôi thoát màng giúp cải thiện tỷ lệ thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (10-15%).
Hỗ trợ phôi thoát màng đã được thực hiện từ những năm đầu của thập niên 90. Đây là kỹ thuật làm mỏng hoặc tạo một lỗ thoát trên màng của phôi nhằm cải thiện tỷ lệ có thai và tỷ lệ làm tổ của phôi. Theo Ủy ban Thực hành của Hiệp hội các Kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản và Hội Y học Sinh sản của Hoa Kỳ (2005), hỗ trợ phôi thoát màng có thể mang lại lợi ích lâm sàng đối với những người có tiên lượng kém như: thực hiện IVF thất bại 2 lần, chất lượng phôi kém, lớn tuổi. Ngoài ra nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích làm tăng tỷ lệ làm tổ cũng như tỷ lệ thai lâm sàng ở các đối tượng như: chuyển phôi trữ, màng zona dày, FSH cơ bản cao.
Về phương pháp thực hiện, trước đây một kỹ thuật được thực hiện phổ biến để hỗ trợ phôi thoát màng đó là làm thủng màng zona bằng dung dịch acid Tyrod. Dù kỹ thuật này đã được báo cáo là có hiệu quả to lớn đối với tỷ lệ thai, nhưng nó có nhiều điều không thuận tiện, bao gồm nguy cơ tổn thương đến tế bào bên dưới màng zona, thoát màng sớm, và đòi hỏi thời gian thực hiện nghiêm ngặt và tay nghề của người thực hiện. Kỹ thuật mới nhất và đang được ứng dụng nhiều nơi trên thế giới đó là Hệ thống quang học laser hồng ngoại, hiện tại là một kỹ thuật thay thế mà nó có thể khắc phục được những cản trở của các kỹ thuật trước.
3. Trường hợp nào cần hỗ trợ phôi thoát màng
Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào khẳng định kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng đều có lợi cho mọi nhóm bệnh nhân trải qua các chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, mặc dù kỹ thuật này hiện đang được sử dụng khá rộng rãi. Hiện nay có 1 số trường hợp đã được khẳng định trên lâm sàng là tỷ lệ có thai được cải thiện nhiều nhờ kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng:
- Phôi trữ lạnh: Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, quá trình trữ lạnh và rã đông phôi gây ảnh hưởng cấu trúc màng trong suốt, làm cho màng trong suốt trở nên cứng chắc, từ đó làm chậm và giảm khả năng của phôi thoát màng. Theo đánh giá trên lâm sàng cho thấy, kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng có hiệu quả nhất đối với các phôi rã đông sau quá trình trữ lạnh.
- Các bất thường về cấu trúc, hình thái trứng và phôi: màng trong suốt dày, sẫm màu, trứng bất thường hình oval,....
- Bệnh nhân nữ lớn tuổi: Trên 34 tuổi.
- Thất bại nhiều chu kỳ thụ tinh ống nghiệm: Nhóm bệnh nhân thất bại trên 3 chu kỳ.
Một số chỉ định khác: Một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới còn đưa thêm 1 số chỉ định bệnh nhân tiến hành hỗ trợ phôi thoát màng:
- Chất lượng phôi kém, phôi chậm.
- Phôi thu được từ quá trình nuôi cấy trứng non (IVM).
- Nồng độ FSH cơ bản cao (> 15 mUI/ ml) vào ngày thứ 3 của chu kỳ. Điều này được lý giải do nồng độ FSH cao sẽ ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng, từ đó ảnh hưởng tới sự hình thành của màng trong suốt của noãn trong các nang noãn.
4. Một số nguy cơ có thể gặp phải khi thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng
- Kỹ thuật này có nguy cơ làm tổn thương tới phôi trong suốt quá trình thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng. Mặc dù các tổn thương lớn là hiếm khi xảy ra, một vài phôi bào đơn lẻ trong phôi có thể bị ảnh hưởng chiếm tỷ lệ 1% tổng số ca thực hiện. Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy điều này không ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình phát triển của phôi.
- Tỷ lệ làm tổ trên 1 phôi tăng, từ đó dẫn đến tăng tỷ lệ đa thai khi tiến hành chuyển nhiều phôi.
- Có thể có những ảnh hưởng chưa được biết tới đối với thai và/ hoặc người mẹ.
- Tăng nguy cơ song thai cùng trứng do các thao tác trên màng trong suốt. Song thai cùng trứng có các nguy cơ giống như đa thai, đồng thời cũng mang những yếu tố nguy cơ riêng: hội chứng truyền máu, sự chậm phát triển của 1 hoặc cả 2 thai.
Các nghiên cứu khoa học học đã chỉ ra rằng, thực hiện thụ tinh ống nghiệm có kèm kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng không làm tăng nguy cơ bất thường ở thai nhi so với quy trình thụ tinh ống nghiệm thông thường.