Thực đơn cho bé không uống sữa ngoài

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ không uống sữa ngoài do nhiều nguyên nhân nhưng đều ảnh hưởng đến việc phát triển thể chất và trí tuệ. Do đó, bạn cần lên thực đơn cho bé không uống sữa ngoài theo đúng chuẩn chuyên gia để đảm bảo bé vẫn phát triển bình thường.

1. Tại sao bé không uống sữa ngoài

Đối với những trẻ bú mẹ, khi bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm cũng là lúc các bà mẹ chuẩn bị đến thời điểm phải quay lại với công việc của họ, đồng nghĩa với việc họ sẽ không thể thường xuyên cho con bú. Nhiều bà mẹ đã lựa chọn biện pháp cho con ăn sữa công thức. Sữa công thức được xây dựng trên nền tảng khá giống với sữa mẹ, cung cấp gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng tương tự sữa mẹ, thậm chí một số hãng sữa còn bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu, mùi vị sữa thường ngọt và thơm hơn sữa mẹ. Nhưng không phải tất cả các bé đều chấp nhận và uống được sữa công thức.

Nguyên nhân có thể là do :

  • Mùi vị của loại sữa mẹ con chọn cho con không phù hợp với sở thích của trẻ
  • Trẻ không quen với việc sử dụng bình sữa do không được rèn luyện từ bé. Nhiều trẻ bị sặc hay không thích mùi của bình sữa.
  • Tỷ lệ pha sữa công thức không đúng, quá nhạt hay quá đặc
  • Trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong sữa công thức, tiêu biểu là dị ứng đạm sữa bò (CMPA).

Chính vì trẻ không hợp tác nên khiến nhiều bà mẹ bị stress và không hiểu lý do tại sao hay mình sai ở điểm nào. Chúng tôi xin mách bạn một vài mẹo để bạn có thể áp dụng với con của bạn và có được lựa chọn đúng đắn

* Lựa chọn sữa phù hợp

Điều đầu tiên đó là lựa chọn loại sữa phù hợp với tháng tuổi của con. Nếu trẻ có biểu hiện khó chịu khi ngửi thấy mùi sữa, xua tay, cáu gắt khi được mẹ hay người thân cho uống sữa... các biểu hiện này kéo dài thường xuyên và trong nhiều ngày thì mẹ nên đổi sữa mới cho con. Khuyến cáo mẹ nên lựa chọn các hãng sữa có uy tín, được các chuyên gia khuyên dùng

* Khắc phục tình trạng dị ứng đạm sữa.

Sữa bò tự nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm cả protein. Các protein được tìm thấy trong sữa bò được gọi là casein và whey. Khi một số trẻ uống sữa bò, cơ thể chúng phản ứng với các protein này và kích hoạt phản ứng miễn dịch giải phóng kháng thể. Những phản ứng dị ứng này có thể xảy ra ngay sau khi ăn bất kỳ sản phẩm sữa bò nào - được gọi là phản ứng qua trung gian IgE, hoặc có thể bị chậm lại - được gọi là phản ứng không qua trung gian IgE.

Các triệu chứng của dị ứng protein sữa bò thường sẽ xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa được khoảng 30 phút hoặc sau vài giờ và tối đa là vài ngày sau đó. Chúng bao gồm các dấu hiệu :

  • Da nổi mẩn đỏ.
  • Sưng môi, lưỡi, miệng hoặc cơ thể
  • Khó thở
  • Ngứa mũi, chảy nước mũi
  • Các vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Tăng trưởng kém
  • Bệnh hen suyễn
  • Sốc phản vệ (trong trường hợp nghiêm trọng)

Để hạn chế những triệu chứng nặng nề của dị ứng protein sữa bò, các mẹ nên cho con dùng từng chút sữa công thức để cho trẻ tập làm quen dần với mùi vị. Tăng dần lượng sữa nếu không có các biểu hiện dị ứng để cho trẻ quen dần với sữa công thức.

Một vài lưu ý dành cho bạn từ các bác sĩ chuyên khoa nhi:

  • Khen ngợi trẻ khi thấy trẻ ăn uống tốt
  • Không quát mắng, nạt nộ trẻ khi trẻ không chịu ăn
  • Trong giờ ăn nên để trẻ ngồi yên một chỗ, không đi lại nhiều ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
  • Thời gian ăn mỗi bữa tối đa chỉ đến 30 phút, quá thời gian mẹ nên thu dọn luôn.
  • Cho trẻ ăn khi trẻ đói và ở giai đoạn đầu làm quen nên chia nhỏ các bữa.
  • Cho trẻ uống sữa công thức xen kẽ bú mẹ.
  • Pha sữa đúng hướng dẫn in trên hộp sữa.
  • Có thể trộn sữa cùng với bột, hoặc các món bánh để trẻ dần làm quen.

Bé không uống sữa ngoài có thể là do không thích mùi vị của sữa
Bé không uống sữa ngoài có thể là do không thích mùi vị của sữa

2. Nhóm chất dinh dưỡng những trẻ không uống sữa ngoài

2.1. Thực phẩm chứa canxi:

  • Cá có xương mềm ăn được, ví dụ như cá mòi đóng hộp, cá hồi đóng hộp và cá cơm, xương có chứa canxi nên hãy trộn / nghiền chúng kỹ hơn là vớt chúng ra
  • Qủa Cam
  • Các loại bơ hạt như bơ đậu phộng và bơ hạnh nhân
  • Ngũ cốc ăn sáng không chứa sữa
  • Sữa đậu nành và sữa chua có bổ sung canxi
  • Rau xanh như cải xoăn và bông cải xanh

2.2. Thực phẩm chứa protein:

  • Thịt - đặc biệt là thịt đỏ như thịt bò hoặc thịt cừu vì hàm lượng sắt của nó
  • Thịt gia cầm - thịt sẫm màu thì bổ dưỡng hơn
  • Trứng
  • Đậu lăng
  • Đậu phụ và đậu nành (nếu dung nạp được)

2.3. Thực phẩm có chứa I-ốt:

  • Cá trắng và cá ngừ
  • Thịt
  • Gà và gà tây
  • Bánh mì
  • Bơ hạt
  • Trứng

Nếu trẻ không uống sữa ngoài bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa canxi, iot và protein
Nếu trẻ không uống sữa ngoài bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa canxi, iot và protein

3. Thực đơn cho trẻ không uống sữa ngoài

Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp một số món ăn dành cho những trẻ từ 6 tháng tuổi có dị ứng protein sữa bò.

3.1. Súp xanh

Món súp này cung cấp cho trẻ nguồn canxi và vitamin A cần thiết đối với chế độ ăn không chứa sữa

Nguyên liệu:

  • Khoai lang: 1 củ nhỏ khoảng 100 gam
  • Bông cải xanh (súp lơ): 60 gam
  • Đậu Hà lan tươi:40 gam
  • Dầu ăn, gia vị nêm nếm

Thực hiện:

  • Ba loại nguyên liệu trên đem rửa sạch rồi đem đi hấp chín
  • Sau đó xay nhuyễn 3 loại rau này với 75ml nước. Chờ sôi trở lại múc ra bát cho thêm chút dầu ăn, chờ nguội là ăn được.

3.2. Thịt gà rau củ

Nguyên liệu:

  • Ức gà thái miếng nhỏ: khoảng 100 gam
  • Cà rốt: 1 củ cỡ vừa, gọt vỏ, rửa sạch, cắt lạt
  • Khoai lang: 1 củ 300 gam, rửa sạch, gọt vỏ, cắt nhỏ
  • Táo: 1 quả nhỏ, gọt vỏ cắt nhỏ
  • Nước cốt gà: 200ml
  • Đậu Hà lan: 40 gam
  • Dầu hướng dương 1 muỗng canh
  • Hành tây băm nhỏ: 30 gam
  • Gia vị, dầu ăn

Tiến hành:

  • Đun nóng dầu, cho hành vào chảo phi thơm, nêm nếm
  • Cho gà vào nồi xào khoảng 3 - 4 phút rồi cho khoai lang, táo, nước cốt vào đun sôi
  • Đun nhỏ lửa, đậy nắp trong 10 - 12 phút, hoặc đun cho đến khi thịt gà và các loại rau củ khác thì chính mềm.
  • Thêm đậu Hà lan và đun nhỏ lửa thêm 3 phút. Tắt bếp để nguội bớt là có thể cho vào máy xay sinh tố cho đến khi được kết cấu như mong muốn. Nếu hỗn hợp quá đặc thì mẹ có thể thêm chút nước cốt gà.

3.3. Bánh cá hồi

Chất béo là một trong những chất thúc đẩy quá trình phát triển của trẻ. Cá hồi được biết đến như một nguyên liệu giàu omega 3 và axit béo, giúp trẻ bổ sung đầy đủ chất và giải quyết được tình trạng biếng ăn của trẻ

Nguyên liệu:

  • Khoai tây nghiền nấu chín để nguội: 150 gam
  • Phi lê cá hồi, cắt hạt lựu: 170 gam
  • Hành lá cắt nhỏ
  • Tương cà
  • Vụn bánh mì: 50 gam

Thực hiện:

  • Cho tất cả các nguyên liệu trên vào máy xay nhuyễn
  • Nặn thành 10 bánh cá hồi, và phủ bánh bằng phần bánh mì vụn còn thừa.
  • Đun nóng dầu ăn để chiên bánh, thời gian chiên bánh từ 1 - 4 phút mỗi mắt cho đến khi bánh chín vàng đều
  • Để nguội là có thể cho trẻ ăn được

Bạn có thể cân nhắc bổ sung súp xanh vào thực đơn cho bé không uống sữa ngoài
Bạn có thể cân nhắc bổ sung súp xanh vào thực đơn cho bé không uống sữa ngoài

3.4. Cháo cá chẽm

Nguyên liệu:

  • 600 gam cá chẽm
  • 1 chén gạo dẻo
  • 3 tép hành lá
  • 3 củ hành tím
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • 2 muỗng cà phê bột nêm
  • 2 muỗng cà phê muối
  • 1 muỗng dầu ăn
  • 1/2 muỗng cà phê đường
  • 1/2 muỗng cà phê tiêu

Thực hiện:

  • Vo sạch gạo rồi đổ 2,5 lít nước vào nấu thành cháo chín nhừ.
  • Làm sạch cá, đánh vảy, bỏ mang, rửa sạch với giấm hoặc muối để khử mùi tanh. Tiếp đến, bạn thái cá thành miếng nhỏ, để ráo.
  • Hành tím: bóc vỏ, rửa sạch, giã nhuyễn. Hành ngò rửa sạch, thái nhỏ. Trộn hành tím, hành lá với nước mắm, bột nêm, đường, tiêu thành hỗn hợp gia vị. Dùng hỗn hợp này ướp cá chẽm trong khoảng 20 phút cho cá ngấm gia vị.
  • Cho dầu vào chảo, chờ dầu nóng rồi cho cá vào chiên sơ.
  • Khi cháo chín nhừ thì cho cá vào nồi cháo, khuấy đều. Để nồi cháo sôi nhè nhẹ khoảng 3 phút thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng cho hành lá và hạt tiêu vào là tắt bếp.
  • Múc cháo ra bếp, để nguội bớt rồi cho trẻ ăn.

3.5. Cháo cà rốt

Cà rốt được coi là thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch lại còn tốt cho mắt. Món cháo cà rốt kèm thêm các loại rau củ quả khác thực sụ đem lại cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng trong những năm tháng đầu đời.

Nguyên liệu:

Thực hiện:

  • Cà rốt, rửa sạch, cạo vỏ, đem xắt nhuyễn rồi hấp chín
  • Vo gạo, cho vào nồi nấu thành cháo.
  • Xay nhuyễn cà rốt riêng, xay cháo riêng
  • Khi cho trẻ ăn trộn hai loại này lại

Trên đây chúng tôi cung cấp một vài thực đơn dành cho những em bé không uống sữa ngoài. Hy vọng các mẹ sẽ bỏ túi được vài công thức để chăm sóc tốt cho thiên thần nhỏ của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng trong năm đầu tiên, sữa luôn là nguồn thực phẩm chính của trẻ. Ngoài ra, để giúp trẻ phát triển thể chất và tầm vóc, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe