Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh lao không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều người, đây là một căn bệnh truyền nhiễm đã được phát hiện từ rất lâu trên thế giới. Căn bệnh này vẫn luôn là vấn đề khẩn cấp từ xưa tới nay vì nó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh lao không chỉ ảnh hưởng tới người lớn mà ngay cả trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc phải.
1. Bệnh lao ở trẻ em là gì?
Bệnh lao là do trực khuẩn lao (BK), có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Trực khuẩn gây bệnh lao có thể tồn tại nhiều năm ở các mô sâu bên trong cơ thể trước khi chúng hoạt động và phát triển thành bệnh lao.
Bệnh lao là một căn bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, trẻ em có thể mắc phải bệnh lao khi chúng hít phải trực khuẩn lao trong không khí bị bắn ra từ người lớn bị lao khi họ ho, hắt hơi, khạc đờm hoặc nói chuyện. Những vi khuẩn gây lao thường tồn tại lơ lửng trong không khí khi được phát tán ra ngoài, trẻ chỉ cần không may hít phải một lượng nhỏ những vi khuẩn này cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Trẻ em khi bị nhiễm khuẩn lao, nó thường lây nhiễm vào phổi, sau đó có thể tấn công sang các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống hoặc não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Các dạng lao ở trẻ em
Trẻ em có khả năng mắc hầu hết các loại bệnh lao, thường gặp nhất là các dạng: lao khởi đầu (lao sơ nhiễm), lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm, lao phổi, lao ngoài màng phổi, lao ngoài phổi.
● Lao khởi đầu (lao sơ nhiễm): đây là dạng lao thường gặp nhất ở trẻ em, thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và chưa được tiêm chủng BCG. Những trẻ khi bị mắc dạng lao này thường không biểu hiện triệu chứng, hoặc có triệu chứng giống như cảm cúm thông thường, ví dụ như sốt, cơ thể mệt mỏi. Những trẻ có sức đề kháng tốt có thể tự khỏi bệnh sau một thời gian ngắn.
● Lao cấp tính: hai biến chứng nặng nhất và sớm nhất của dạng lao sơ nhiễm là lao màng não và lao kê cấp tính. Hai loại lao này có thể để lại những di chứng trầm trọng hoặc thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Lao cấp tính thường xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi và nhiều nhất ở những trẻ không chủng ngừa BCG.
● Lao màng não: dạng lao này thường xuất hiện từ 2-12 tháng sau lao sơ nhiễm, kèm theo các triệu chứng như thay đổi tính nết, sốt nhẹ. Sau khoảng 1 tuần, trẻ sẽ có các biểu hiện rõ rệt như sốt 38 độ C, ói mửa, nhức đầu, khi khám thấy có cứng cổ và có dấu hiệu tổn thương thần kinh, hôn mê, co giật, động kinh, lé mắt hoặc sụp mí mắt. Nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những di chứng nặng nề cho trẻ, bao gồm: thiểu năng trí tuệ, động kinh, rối loạn tính tình, liệt nửa người, co rút chân tay, mù mắt hoặc điếc.
● Lao kê: Là dạng lao cấp ở phổi, thường xuất hiện ở những tuần đầu sau thời gian sơ nhiễm lao, kèm theo các triệu chứng đặc trưng như sốt cao, mạch nhanh, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, khó thở, tím tái. Nhiều trường hợp bị lao kê có thể dẫn tới lao màng não.
● Lao đường hô hấp: Lao phổi và lao màng phổi đều thuộc dạng lao đường hô hấp, thường xuất hiện ở trẻ lớn và gần tuổi dậy thì hơn là ở trẻ nhỏ. Trẻ khi bị mắc dạng lao này sẽ có các biểu hiện như sốt nhẹ, ho kéo dài, sụt cân, chán ăn.
● Lao ngoài phổi: là biến chứng muộn hơn sau lao sơ nhiễm. Lao ngoài phổi có nhiều dạng khác nhau, bao gồm: lao cột sống, lao xương khớp, lao hệ niệu, lao hạch, lao ruột.
3. Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh lao
Hiện nay, trẻ em vẫn nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị mắc bệnh lao. Những đối tượng này bao gồm:
- Trẻ sống chung với gia đình có người lớn đang bị mắc bệnh lao thể hoạt động
- Trẻ sinh sống trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao
- Trẻ có hệ miễn dịch kém do mắc phải một số bệnh hoặc bị nhiễm HIV
- Trẻ đang được điều trị bằng thuốc có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như corticosteroid hoặc hóa trị liệu
- Trẻ đến các khu vực đang có dịch lao hoặc đã từng tiếp xúc với người bị nhiễm lao tại đó
- Nơi trẻ sống chưa có hệ thống chăm sóc y tế hợp lý
4. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao ở trẻ em
Các triệu chứng của bệnh lao có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi trẻ và thường phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lao hoạt động ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Sốt
- Giảm cân
- Cơ thể kém phát triển
- Ho
- Viêm tuyến
- Ớn lạnh
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lao hoạt động ở thanh thiếu niên bao gồm:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần
- Đau ở ngực
- Ho có đờm hoặc máu
- Cơ thể yếu đuối, mệt mỏi
- Viêm tuyến
- Giảm cân
- Giảm sự thèm ăn
- Sốt
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
- Ớn lạnh
Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, bệnh lao sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, gây ra các triệu chứng nguy hiểm như sốt, kích thích, mệt mỏi, ho dai dẳng, khó thở, thở nhanh, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết, thể chất chậm phát triển.
Một vài trường hợp ở trẻ em dưới 4 tuổi bị nhiễm lao, trực khuẩn gây lao có thể lan vào máu tuần hoàn và gây nhiễm lao sang một số cơ quan khác của cơ thể. Nguy hiểm hơn cả là lao màng não, nó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ và hệ thần kinh trung ương của trẻ.
5. Chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em
Những trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm lao có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm test tuberculin trên da nhằm xác định xem liệu trẻ có bị nhiễm khuẩn lao hay không. Bác sĩ sẽ thực hiện tiêm một lượng nhỏ vi khuẩn lao đã được tinh chế và sau đó làm bất hoạt vùng da ở mặt trên của cánh tay. Nếu trẻ đã bị nhiễm khuẩn lao, vùng da này sẽ sưng và tấy đỏ tại vị trí tiêm.
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng da từ 48-72h sau khi tiêm và đo đường kính của vết sưng đỏ. Xét nghiệm này có thể xác định được trẻ đã bị nhiễm lao trước kia hay không, ngay cả khi trẻ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì của bệnh.
Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như chụp X-quang ngực, xét nghiệm đàm và xét nghiệm máu (xét nghiệm giải phóng interferon-gamma (IGRA).
Xét nghiệm lao qua da thường được khuyến cáo cho trẻ em:
- Đã tiếp xúc với bệnh lao trong 5 năm qua
- Hình ảnh X-quang nghi lao
- Có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh lao
- Đến từ khu vực có dịch lao
6. Điều trị bệnh lao ở trẻ em
Sau khi thực hiện xét nghiệm lao qua da, nếu kết quả là dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ chụp X-quang để xác định chính xác liệu trẻ có bị nhiễm lao thể hoạt động hay không. Ngoài ra, xét nghiệm đàm cũng có thể được thực hiện để tìm khuẩn lao và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, nhưng trẻ không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ kê thuốc isoniazid (INH) cho trẻ uống hàng ngày và sử dụng trong ít nhất 9 tháng để phòng ngừa bệnh lao tiến triển.
Đối với trẻ bị mắc thể lao dạng hoạt động sẽ được kê uống kết hợp 3-4 loại thuốc và sử dụng trong vòng 6-12 tháng. Tuy nhiên, thuốc lao cũng có thể đem đến nhiều tác dụng phụ, vì vậy phụ huynh cần cho trẻ đi theo dõi và tái khám đầy đủ theo đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá kết quả điều trị cũng như giải quyết các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc lao.
7. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em
Để phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ thường khuyến cáo tiêm vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin) cho trẻ- thuốc chủng ngừa duy nhất hiện nay. Vắc-xin BCG thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên nó chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và nó không an toàn khi sử dụng cho những trẻ sống chung với HIV.
Vì vậy, những trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trẻ có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV, suy dinh dưỡng cần được tầm soát và điều trị dự phòng bệnh lao khi trẻ tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh. Việc tiêm phòng bệnh lao có thể giảm tới 80% khả năng mắc bệnh lao ở trẻ.
Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý những điều sau để giúp phòng ngừa bệnh lao cho trẻ:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lao
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ
- Luôn cung cấp đầy đủ chất cho trẻ để chống suy dinh dưỡng
- Giữ vệ sinh nơi ở, nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát
- Nếu gia đình có người bị mắc bệnh lao thì cần cách ly trẻ, không để trẻ tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
- Khi trẻ có các triệu chứng của bệnh thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin BCG được sản xuất bởi công ty Vắc-xin và sinh phẩm Y tế, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.
- Trước khi tiêm phòng, tất cả trẻ được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc xin để giúp trẻ đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình các loại vắc xin phòng bệnh tốt phù hợp với từng lứa tuổi theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới cũng như cách theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
- 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
Từ ngày 15/11/2019, Vinmec triển khai mở bán gói tiêm chủng dành cho trẻ em từ 0-1 tuổi và từ 0-2 tuổi, Quý khách hàng quan tâm và có nhu cầu tiêm vắc-xin có thể đăng ký giữ chỗ để bắt đầu lộ trình tiêm từ tháng 02/2020.
Hướng dẫn đặt lịch tiêm phòng tại Vinmec
Cách 1: Đặt hẹn qua Tổng đài
Quý khách liên hệ trực tiếp đến tổng đài của Bệnh viện hoặc Phòng khám của Vinmec trên toàn quốc.
● Bệnh viện Vinmec Times City (Hà Nội): Hotline: 02439743556
● Bệnh viện Vinmec Central Park (TP HCM): Hotline: 028 3622 1166
● Bệnh viện Vinmec Nha Trang (Khánh Hòa): Hotline: 0258 3900 168
● Bệnh viện Vinmec Hạ Long (Quảng Ninh): Hotline: 0203 3828 188
● Bệnh viện Vinmec Hải Phòng (Hải Phòng): Hotline: 0225 7309 888
● Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng (Đà Nẵng): Hotline: 0236 3711 111
● Bệnh viện Vinmec Phú Quốc (Kiên Giang): Hotline: 029 7398 5588
Cách 2: Đặt hẹn trực tuyến
● Quý khách truy cập website www.vinmec.com và đặt hẹn theo hướng dẫn TẠI ĐÂY.
Cách 3: Đặt hẹn trực tiếp
Để đặt lịch khám và tiêm chủng cho bé tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Hiện Bác sĩ đang làm việc tại phòng khám đơn nguyên vaccine thuộc trung tâm Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI