Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Thống kinh là cơn đau bụng rất thường gặp ở nhiều phụ nữ khi đến ngày hành kinh. Tuy nhiên, một cơn đau quá dữ dội hay có thêm các dấu hiệu lo ngại lại là vấn đề cần quan tâm. Những hiểu biết về thống kinh giúp bạn vượt qua cơn đau này một cách nhẹ nhàng cũng như phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn.
1. Thống kinh là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới. Theo đó, khi trứng rụng và không được thụ tinh, niêm mạc tử cung bị bong tróc và tống xuất ra ngoài, xuất hiện máu kinh. Dưới sự điều khiển của các loại hormone sinh dục nữ, quá trình này ảnh hưởng lên nhiều cơ quan như tử cung, buồng trứng, âm đạo, vú và hệ thống thần kinh nội tạng.
Do đó, khi đến ngày hành kinh, người phụ nữ cảm nhận một cơn đau xuất hiện từ vùng bụng dưới, có thể lan lên ngực, cương vú, làm khó thở hay lan xuống đùi, vùng kín. Có khi cơn đau lan tỏa khắp bụng, đôi lúc kèm theo rối loạn tiêu hóa, đau lưng, đau đầu, sốt nhẹ, bủn rủn tay chân, thay đổi cảm xúc,... Tập hợp những cảm giác khó chịu này gọi là thống kinh.
Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt
Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.2. Phân loại của thống kinh
Thống kinh được chia làm hai loại là thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát.
2.1. Thống kinh nguyên phát
Thống kinh nguyên phát hay còn gọi là thống kinh vô căn.
Đây là tình trạng đau bụng khi hành kinh của một chu kỳ kinh nguyệt có rụng trứng nhưng thăm khám không tìm thấy một nguyên nhân thực thể nào.
Cơn đau bụng trong thống kinh vô căn được mô tả là cảm giác đau trằn bụng dưới hoặc đau dữ dội từng cơn, kiểu đau co rút, đau lan ra sau lưng hay mặt trong đùi. Đau thường xuất hiện trước khi có kinh vài giờ hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh, kéo dài một vài ngày và có thể kèm theo buồn nôn, ngất xỉu, tiêu chảy, đau đầu và sốt.
Nguyên nhân của thống kinh nguyên phát được cho là do các lớp cơ thành tử cung co thắt để tống máu ra khỏi buồng tử cung. Khi sự co thắt quá mức, các cơ bị thiếu oxy và dưỡng chất, sản phẩm của chuyển hóa yếm khí gây ra cơn đau. Tuy nhiên, nhiều giả thiết lại đồng thuận là do những độc tố thần kinh bài tiết ra khi cơ thể căng thẳng tột độ vì thấy máu kinh nguyệt mà chưa được trang bị kiến thức cần thiết. Một số đối tượng khác bị cho là chịu ảnh hưởng khi quan sát thấy hiện tượng đau bụng khi hành kinh từ những người nữ xung quanh.
Phần lớn phụ nữ đều bị thống kinh vô căn ít nhất một lần trong suốt thời gian có hoạt động sinh sản. Thống kinh dạng này thường xuất hiện sớm khi cơ thể đánh dấu cột mốc dậy thì. Thời điểm lần đầu xảy ra ngay sau những vòng kinh đầu tiên trong đời. Theo đó, khoảng tuổi gặp phải chứng này cao nhất là từ lúc dậy thì cho đến khi 30 tuổi. Mặc dù vậy, vẫn có không ít phụ nữ thường xuyên bị thống kinh lặp đi lặp lại mỗi chu kỳ cho đến tận lúc mãn kinh.
2.2. Thống kinh thứ phát
Thống kinh thứ phát là thống kinh khi tìm thấy có nguyên nhân hay bệnh lý gây ra tình trạng này.
Triệu chứng đau bụng trong thống kinh thứ phát có thể tương tự như thống kinh nguyên phát nhưng đau thường xuất hiện trước khi có kinh khoảng một tuần. Đôi khi, cơn đau còn kéo dài hơn cho đến khi sạch kinh hoặc cơn đau còn đột ngột xuất hiện vào các thời điểm khác trong tháng.
Thời điểm xuất hiện thống kinh thứ phát thường muộn hơn thống kinh nguyên phát. Lúc này, phần lớn các phụ nữ đã trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt, sau nhiều năm không hoặc ít bị thống kinh. Do đó, độ tuổi thường bị thống kinh thứ phát là từ 30 đến 40 tuổi.
Các bệnh lý thực thể gây ra thống kinh thứ phát thường gặp là lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai, chít hẹp lỗ tử cung, dính nội mạc tử cung, tử cung dị dạng, u nang buồng trứng hay cả lạc vòng tránh thai. Theo đó, cơ chế đau trong thống kinh thứ phát tùy theo từng bệnh lý khác nhau.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra thống kinh thứ phát, bệnh nhân cần phải khám chuyên khoa phụ khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và đôi khi sẽ cần chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh học để xác định chẩn đoán, định hướng điều trị.
3. Thống kinh có nguy hiểm không?
Thống kinh nguyên phát (vô căn) là hiện tượng khó chịu lặp đi lặp lại mỗi chu kỳ. Ở phần lớn các phụ nữ, khi sạch kinh, các triệu chứng của nó cũng sẽ tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị gì. Sau nhiều chu kỳ, họ sẽ biết cách “thích nghi” với những khó chịu đó. Tuy nhiên, ở một số ít, nhất là các đối tượng có cơ địa quá nhạy cảm, thống kinh ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Dù vậy, họ lại âm thầm chịu đựng nỗi đau này mà ít đi khám bệnh hoặc không dùng thuốc giảm đau. Về lâu dài, thống kinh gây tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe người bệnh, khiến những ngày có kinh trở thành “cực hình”.
Đối với thống kinh thứ phát, đây có thể được xem là triệu chứng báo động cho các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn. Nếu cơn đau kéo dài hơn những ngày ra kinh hay xuất hiện sau khi đã có chu kỳ nhiều năm, không đáp ứng với thuốc giảm đau, kèm theo những bất thường về tính chất kinh nguyệt như đa kinh, vô kinh, rong kinh, cường kinh..., người bệnh không nên chủ quan. Cần đi khám sớm và xử trí trước khi bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản, làm vô sinh, sảy thai, sinh non liên tiếp,...
4. Thống kinh có điều trị được không?
Thống kinh vô căn hoàn toàn dễ dàng được chấp thuận nếu như đã được chuẩn bị kiến thức, tâm lý kỹ lưỡng. Đối với các cô gái mới có kinh lần đầu, cần được người lớn đã có kinh nghiệm chăm sóc, giải thích cặn kẽ về sinh lý và vệ sinh kinh nguyệt. Từ đó, cần biết rằng kinh nguyệt không phải là bệnh mà chỉ là một hiện tượng bình thường của người phụ nữ.
Các biện pháp không dùng thuốc để hạn chế thống kinh là chườm ấm vùng bụng dưới, xoa bóp, thư giãn, uống đủ nước, tăng cường các loại thực phẩm giàu magie, kẽm, acid béo omega-3, vitamin nhóm B, vitamin E. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, lối sống năng động, tích cực cũng đã được chứng minh hiệu quả phòng ngừa cơn thống kinh khi những ngày chu kỳ sắp đến. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hay tiếp xúc khói thuốc, chất gây nghiện, chất kích thích,... vì sẽ làm cơn đau kéo dài hơn.
Riêng những trường hợp thống kinh thứ phát, để giải quyết triệu chứng đau, cần phải điều trị triệt để bệnh lý thực thể. Khi đó, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa sớm để lập phương án điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.