Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thông khí nhân tạo xâm nhập là phương pháp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ việc hô hấp của bệnh nhân. Đây là kỹ thuật truyền thống, thông khí qua việc đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản cho bệnh nhân.
1. Thông khí nhân tạo là gì?
Thông khí nhân tạo còn được gọi là phương pháp thông khí áp lực dương. Đây là phương pháp thở máy, dùng máy đẩy vào phổi làm tăng áp lực đường thở trung tâm. Áp lực trong đường thở trung tâm tăng giúp đẩy khí đi vào phế nang, làm phổi nở ra. Khi phổi nở ra, máy sẽ ngừng bơm khí vào đường thở. Lúc này áp lực trong đường thở trung tâm giảm xuống. Ở thì thở ra, áp lực trong đường thở trung tâm giảm xuống thấp hơn áp lực trong phế nang.
Phương pháp thông khí nhân tạo có thể thay thế một phần hoặc hoàn toàn nhịp tự thở của bệnh nhân. Thông khí nhân tạo được chỉ định khi bệnh nhân bị suy hô hấp cấp hoặc mạn tính, tức là bệnh nhân bị thiếu oxy, giảm thông khí phế nang hoặc gặp cả 2 tình trạng này. Chỉ định thông khí nhân tạo gồm:
- Tổn thương phổi cấp;
- Viêm phổi do nhiễm khuẩn, hít phải hoặc trào ngược;
- Phù phổi do tim;
- Hội chứng suy hô hấp cấp;
- Nhồi máu cơ tim cấp;
- Bệnh cơ tim;
- Liệt cơ hô hấp;
- Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
- Cơn hen phế quản ác tính;
- Bệnh thành ngực;
- Bệnh hệ thống;
- Quá liều thuốc.
Thông khí nhân tạo cần phải được chỉ định sớm và không được trì hoãn. Mục đích của thở máy là:
- Mục tiêu sinh lý:
- Hỗ trợ trao đổi khí qua phổi nhờ thay đổi thông khí phế nang và oxy hóa máu động mạch;
- Giảm tổn thương phổi gây ra do máy thở;
- Giảm gánh nặng chuyển hóa nhờ giải phóng cơ hô hấp;
- Mục tiêu lâm sàng:
- Giải quyết tình trạng toan hô hấp cấp;
- Giải quyết tình trạng giảm oxy hóa máu;
- Giải quyết tốt tình trạng suy hô hấp;
- Phòng ngừa và điều trị được xẹp phổi;
- Giải quyết vấn đề mệt cơ hô hấp;
- Cố định thành ngực;
- Giảm mức tiêu thụ oxy của các tổ chức hoặc cơ tim.
Thông khí nhân tạo được phân loại theo cơ chế kết thúc thì thở vào. Tất cả gồm 4 loại: Thông khí nhân tạo giới hạn về thể tích, giới hạn về dòng, giới hạn về áp lực hoặc giới hạn về thời gian. Có 2 hình thức thông khí nhân tạo là thông khí nhân tạo không xâm nhập và thông khí nhân tạo xâm nhập.
2. Thông khí nhân tạo xâm nhập là gì?
2.1 Thông khí nhân tạo xâm nhập và thông khí nhân tạo không xâm nhập
Thông khí nhân tạo có thể tiến hành dưới hình thức xâm nhập hoặc không xâm nhập. Thông khí nhân tạo xâm nhập còn được gọi là thông khí nhân tạo truyền thống, thực hiện qua một ống nội khí quản hoặc qua một canuyn mở khí quản. Trong khi đó, thông khí nhân tạo không xâm nhập áp lực dương là kỹ thuật thông khí được thực hiện qua mặt nạ.
Quyết định thông khí nhân tạo bằng hình thức xâm nhập hay không xâm nhập phụ thuộc vào lâm sàng của từng bệnh nhân: Chẩn đoán bệnh, mức độ nặng, tốc độ tiến triển, các tổn thương kèm theo,... Có thể cho bệnh nhân thở không xâm nhập trước khi thông khí nhân tạo xâm nhập, đặc biệt là ở những bệnh nhân suy hô hấp cấp có tăng CO2 máu (do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) hoặc phù phổi cấp huyết động nếu bệnh nhân không bị suy hô hấp quá nặng.
2.2 Tìm hiểu 2 phương pháp thông khí nhân tạo xâm nhập
- Đặt nội khí quản
Đặt nội khí quản là thủ thuật duy trì đường thở thông thoáng bằng cách đưa một ống nhựa vào đường thở của bệnh nhân. Mục đích đặt nội khí quản là:
- Duy trì hô hấp ở bệnh nhân bị suy hô hấp;
- Hỗ trợ hô hấp khi người bệnh bị tắc nghẽn đường thở;
- Bảo vệ đường thở nếu bệnh nhân bị hôn mê hoặc mất phản xạ đường thở;
- Kiểm soát đường thở khi thực hiện các phẫu thuật cần gây mê nội khí quản.
Chỉ định đặt nội khí quản:
- Khai thông hay bảo vệ đường thở: Khi cần hút đờm, chất tiết hoặc bị tắc đường hô hấp cấp tính (do co thắt thanh quản, dị vật đường thở,...), mất phản xạ bảo vệ đường hô hấp (do chấn thương vùng đầu, ngừng tuần hoàn);
- Thông khí nhân tạo xâm nhập: Gây mê đường hô hấp cho bệnh nhân, hỗ trợ người bị suy hô hấp giảm oxy máu do viêm phổi, phù phổi và tăng khí CO2 do hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Chống chỉ định:
- Đường miệng: Người bị cứng khớp, u vòm họng, sai khớp hàm, chấn thương, vỡ xương hàm hoặc phẫu thuật vùng hàm họng;
- Đường mũi: Người bị chấn thương, biến dạng mũi - hàm mặt, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, viêm xoang, phì đại cuống mũi,...
- Mở khí quản
Mở khí quản là thủ thuật lắp ống thông vào khí quản qua một vết mổ nhỏ trước cổ để hỗ trợ hô hấp. Đây là một hình thức kiểm soát đường thở dài hạn cho những bệnh nhân gặp tình trạng giảm lưu lượng không khí đến phổi do chấn thương, tắc nghẽn trong khí quản hoặc do các bệnh lý ảnh hưởng tới chức năng phổi hay oxy máu. Thủ thuật mở khí quản cần thiết cho những trường hợp sau:
- Viêm phổi nặng;
- Tổn thương khí quản do chấn thương, tắc nghẽn hoặc xạ trị;
- Đau tim cục bộ;
- Đột quỵ nghiêm trọng.
Phương pháp mở khí quản được thực hiện trong tình huống khẩn cấp khi bệnh nhân không thở được. Để thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ cắt một vết nhỏ ở khí quản phía trước cổ, sau đó chèn một ống thông vào lỗ và cố định bằng chỉ khâu hoặc băng phẫu thuật. Thủ thuật mở khí quản thường kéo dài khoảng 20 - 45 phút.
Thông khí nhân tạo xâm nhập là phương pháp hỗ trợ tốt cho bệnh nhân trong các trường hợp suy hô hấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân và người thân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị hỗ trợ hô hấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- 2 phương thức thông khí nhân tạo thường áp dụng
- Thông khí nhân tạo (thở máy): Những điều cần biết
- Bơm surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh: Những điều cần lưu ý
- Hướng dẫn thực hiện quy trình thông khí nhân tạo xâm nhập