Thời mãn kinh - Bước ngoặt mới trong đời sống của phụ nữ

Mãn kinh là kết quả của sự mất chức năng buồng trứng, khi các nang noãn của buồng trứng dần cạn kiệt và sự sản xuất estrogen bị đình trệ. Tuổi mãn kinh trung bình hiện nay trên thế giới là 51 tuổi. Chu kỳ kinh nguyệt ở đa phần phụ nữ khỏe mạnh trở nên bất thường vào độ tuổi 40 và hơn một nửa số phụ nữ cho biết ngưng hành kinh vào độ tuổi 52; tất cả đều mãn kinh vào tuổi 57. Mãn kinh xảy ra sớm hơn ở người hút thuốc lá, cắt tử cung và phụ nữ chưa sanh đẻ. Hiện nay tuổi thọ của phụ nữ trên toàn thế giới tăng đáng kể, trung bình là 80 tuổi. Như vậy, phụ nữ phải sống thêm ít nhất 30 năm nữa, khoảng một phần ba cuộc sống còn lại trong tình trạng thiếu hụt estrogen.

Mãn kinh xảy ra sớm hơn ở người hút thuốc lá, cắt tử cung và phụ nữ chưa sanh đẻ.

Hơn thế nữa, ngay từ giai đoạn chuyển tiếp, thời kỳ trước mãn kinh, chức năng buồng trứng đã bắt đầu bị ảnh hưởng, có những chu kỳ không rụng trứng hoặc rụng trứng khó khăn; và người phụ nữ đã bắt đầu phải đương đầu với những biểu hiện bất ứng của hiện tượng rối loạn nội tiết tố.

Các biểu hiện triệu chứng của phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh – mãn kinh được phân theo các nhóm triệu chứng như rối loạn vận mạch, rối loạn tâm lý, rối loạn niệu – dục, rối loạn hệ thần kinh trung ương, rối loạn cơ xương khớp và rối loạn hệ tim mạch.

Rối loạn vận mạch biểu hiện qua các triệu chứng như bốc hỏa, đổ nhiều mồ hôi, hồi hộp, chóng mặt, khó ngủ

Rối loạn tâm l ý với trầm cảm, buồn giận, dễ cáu gắt, căng thẳng, tâm tính thất thường, mệt mỏi.

Rối loạn niệu - dục ảnh hưởng trên âm đạo và đường tiết niệu, đặc biệt bàng quang, là các cơ quan rất nhạy cảm với estrogen. Các triệu chứng ở âm đạo bao gồm khô âm đạo, giao hợp đau, giảm ham muốn tình dục và nhiễm trùng sinh dục tái phát. May mắn là các triệu chứng này phục hồi sau điều trị estrogen. Các triệu chứng tiết niệu bao gồm tiểu khó, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng tiểu tái phát

Hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng như khó tập trung, hay quên, đau đầu.

Hệ cơ xương khớ p bao gồm tình trạng đau khớp, đau vùng thắt lưng, nhức mỏi cơ, đặc biệt là hiện tượng loãng xương.

Hệ tim mạch bao gồm bệnh mạch vành và mạch máu não. Các hệ lụy trên hệ tim mạch gây tổn thất lớn không những đối với từng cá thể mà cả xã hội phải gánh chịu. Trước tuổi mãn kinh, rất ít phụ nữ tử vong do nhồi máu cơ tim. Sau mãn kinh, tỷ lệ bệnh lý tim mạch cao gấp 2-3 lần so với nhóm phụ nữ cùng độ tuổi nhưng chưa mãn kinh. Một nghiên cứu lớn đa trung tâm đã cho thấy việc sử dụng estrogen sau mãn kinh làm giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Điều kiện thể chất và tinh thần trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống những năm về sau.

Điều kiện thể chất và tinh thần trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống những năm về sau. Sự biểu hiện các triệu chứng mãn kinh bị chi phối nhiều không những bởi yếu tố bản thể mà bởi các yếu tố truyền thống, văn hóa và các điều kiện kinh tế xã hội thay đổi theo từng quốc gia.

Thật vậy, sự biểu hiện các triệu chứng mãn kinh được xem là kết quả của của sự kém điều chỉnh. Các phụ nữ này thường ít thỏa mãn trong cuộc sống sẽ có các rối loạn trong giai đoạn chuyển tiếp thời mãn kinh xảy ra nhiều hơn. Chẳng hạn, áp lực trong cuộc sống là một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến các biểu hiện triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh. Các sự kiện ở tuổi trung niên như số con, số con xa nhà, bệnh tật hoặc chết của một thành viên trong gia đình làm các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn. Ngoài ra, các triệu chứng ở tuổi mãn kinh cũng phụ thuộc vào nền văn hoá xã hội khác nhau.

Ở các xã hội không sử dụng phổ biến thuốc ngừa thai, mãn kinh đồng nghĩa với chấm dứt tuổi sinh sản và giải thoát phụ nữ khỏi lo lắng của việc có thai.

Đối với nhóm phụ nữ có quan niệm tiêu cực với mãn kinh vì mãn kinh đồng nghĩa với mất khả năng sinh sản, giảm sức khỏe và mất quyền lực với con cái (các con lớn không còn nghe lời họ) (5) thì hầu như họ thường phải trải qua các triệu chứng tiền mãn kinh - mãn kinh rầm rộ hơn. Trong khi đó, ở các xã hội không sử dụng phổ biến thuốc ngừa thai, mãn kinh đồng nghĩa với chấm dứt tuổi sinh sản và giải thoát phụ nữ khỏi lo lắng của việc có thai, do đó các triệu chứng tâm lí của mãn kinh ít xảy ra (4).

Ở Mexico người ta quan niệm kinh nguyệt là một giai đoạn nguy hiểm và dơ bẩn, phụ nữ phải giới hạn các hoạt động xã hội trong chu kì kinh nguyệt. Do đó, phụ nữ Mexico có khuynh hướng chào đón sự mãn kinh như một giai đoạn tự do hoạt động. Chỉ một số ít phụ nữ Mexico có triệu chứng mãn kinh.

Khởi phát của mãn kinh không phải báo hiệu sự kết thúc giai đoạn hưng vượng của người phụ nữ mà là sự bắt đầu của một giai đoạn sống mới, thời kỳ mà người phụ nữ phải được tự do tận hưởng chất lượng cuộc sống. Chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe trong giai đoạn nhạy cảm này một cách sâu sắc ngõ hầu có thể phát hiện sớm những hệ lụy quan trọng để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra một cách hiệu quả nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với phòng khám và tư vấn sức khỏe tiền mãn kinh – mãn kinh sẽ trang bị cho các bạn những kiến thức cơ bản trong việc theo dõi và phát hiện sớm những bất thường cơ thể, để hiểu rõ thêm những chuyển biến cơ thể của chính bản thân mình để từ đó có thể phối hợp với các bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính bạn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thời mãn kinh.

Bạn không là người duy nhất có những triệu chứng này, bạn chỉ đang thay đổi trạng thái cơ thể sang một bước ngoặt mới trong cuộc sống - Chính vì vậy đừng ngại ngùng chia sẻ với chúng tôi để có được tư vấn thích hợp nhất.

ThS. BS. Võ Thị Thùy Diệu

Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Tài liệu tham khảo

1. Robinson G. Cross-cultural perspectives on menopause. J Nerv Ment Dis 1996 Aug;184(8):453-8.

2. Barton D, Loprinzi C, Wahner-Roedler D. Hot flashes: aetiology and management. Drugs Aging 2001;18(8):597-606.

3. Beyene Y. Cultural significance and physiological manifestations of menopause. A biocultural analysis. Cult Med Psychiatry 1986 Mar;10(1):47-71.

4. Kirchengast S. [Effect of socioeconomic factors on timing of menopause and the course of climacteric]. Z Gerontol 1992 Mar-Apr;25(2):128-33.

5. Anderson DJ, Yoshizawa T. Cross-cultural comparisons of health-related quality of life in Australian and Japanese midlife women: the Australian and Japanese Midlife Women's Health Study. Menopause 2007 Jul-Aug;14(4):697-707.

6. Im EO, Meleis AI. Women's work and symptoms during midlife: Korean immigrant women. Women Health 2001;33(1-2):83-103.

7. WHO. Research on the menopause in the 1990s. Report of a WHO Scientific Group. World Health Organ Tech Rep Ser 1996;866:1-107.

8. Bank W. World development report, 1993: investing in health. New York: Oxford University Press 1993.

9. yearbook UND. New York: United Nations, Department of International and Social Affairs. 1993.

10. Japan MoHaWPco. Tokyo: Statistics Bureau Management and Coordination Agency, Ministry of Health and Welfare. 1996.

11. Welfare MoHa. Vital statistics. Tokyo: Statistics and Information Department, Ministry of Health and Welfare 1996.

12. M. L. Encounters with aging: mythologies of menopause in Japan and North America. Berkeley, CA: University of California Press; 1993.

13. Boulet MJ OB, Lehert P. Climacteric and menopause in seven South-East Asian countries. Maturitas 1994(19):157-76.

14. L P. International health report: menopause in various cultures. A portrait of the menopause. Carnforth: Parthenon 1991.

15. Endocrinology TSGoRa. The management of health care for the middle aged woman. . Acta Obstet Gynecol Jpn 1997(49):1019–43.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe