Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hiện nay nhiều người trẻ mắc bệnh giang mai thường có tâm lý ngại ngần đến bệnh viện chuyên khoa điều trị mà lại tìm đến một số phòng khám tư hoặc tự mua thuốc uống. Điều này khá nguy hiểm bởi những chẩn đoán không đúng, không sớm phát hiện hoặc điều trị không triệt để sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường với những ai mắc bệnh giang mai.
1. Bệnh giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một trong những căn bệnh xã hội thường gặp, do một loại xoắn khuẩn giang mai tên là Treponema Pallidum gây nên. Loại xoắn khuẩn này có tốc độ lây truyền nhanh chóng qua đường quan hệ tình dục không an toàn (Lây lan mạnh nhất là trong thời kỳ 1, tức là sau 10-90 ngày kể từ khi bị nhiễm vi khuẩn).
Bệnh giang mai chia thành nhiều giai đoạn phát triển bệnh, trong đó thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3 - 4 tuần. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bệnh xuất hiện ở ngay ngày thứ 10 và cũng có thể sau 90 ngày mới dần có những biểu hiện rõ ràng.
Giang mai là căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để đảm bảo sức khỏe và cũng để ổn định tâm lý cho người bệnh bởi đây là một trong những căn bệnh khá nhạy cảm. Một trong những cách để khẳng định bạn có mắc bệnh giang mai không đó là thực hiện xét nghiệm ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ.
2. Các giai đoạn phát triển của giang mai
Khi mắc bệnh giang mai, bệnh nhân sẽ trải qua những giai đoạn với những biểu hiện như sau:
2.1 Giang mai giai đoạn 1
Đầu tiên, các triệu chứng điển hình của bệnh giang mai sẽ xuất hiện trong khoảng từ 6 - 8 tuần rồi tự biến mất .
Các biểu hiện dễ thấy sẽ là viêm loét ở bộ phận sinh dục. Vết loét không ngứa, không đau, loét nông và chân cứng kèm theo có hạch rắn ở vùng lân cận. Trong dịch tiết của vết loét và dịch trong hạch có nhiều xoắn khuẩn giang mai. Đây là thời kỳ lây lan mạnh. Ở nam giới thì các bộ phận bị ảnh hưởng là quy đầu dương vật. Đối với nữ giới là môi bé, âm đạo và tử cung. Những vết loét, trợt thường có hình tròn hoặc bầu dục, màu đỏ, không xuất hiện mủ. Dù điều trị hay không thì vết loét cũng hết.
2.2 Giang mai giai đoạn 2
Người bệnh sẽ chuyển sang giang mai giai đoạn 2 kể từ lúc phát hiện săng giang mai từ 6 đến 9 tháng. Lúc này, các dấu hiệu điển hình mà bất cứ ai cũng có thể nhìn ra đó là xuất hiện vết sần, nốt ban màu hồng (nốt hồng ban) trông như vết phỏng nước, tái đi tái lại nhiều lần, các vết lở loét trên vùng da và niêm mạc lại xuất hiện trở lại và nhiều hơn. Bộ phận sinh dục người bệnh phì đại và sưng hạch ở vùng bẹn, cổ... Trong một số trường hợp người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, rụng tóc, đau nhức xương khớp...
2.3 Giang mai giai đoạn 3
Khi bệnh giang mai đã tiến tới giai đoạn 3 tức là người bệnh đã chạm đến ngưỡng nguy hiểm của bệnh. Ở giai đoạn này xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập và phát triển ở những cơ quan trong cơ thể con người như: tim mạch, gan, cơ bắp, thần kinh,... nên nếu không nhanh chóng chữa trị sẽ gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
3. Khi nào nên xét nghiệm giang mai?
Bệnh giang mai không những để lại rất nhiều hậu quả cho bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh, nhất là bạn tình của người bệnh. Với những biểu hiện cụ thể qua từng giai đoạn như trên, nếu như có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh giang mai như thì cách tốt đó là bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Thời gian ủ bệnh giang mai khá lâu nên việc phát hiện sớm và điều trị đúng thời điểm sẽ giảm thiểu các nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.
3.1 Các xét nghiệm giang mai
3.1.1 Xét nghiệm bằng kính hiển vi nền đen
Đây là phương pháp thường được áp dụng cho những bệnh nhân ở giai đoạn đầu, khi xoắn khuẩn giang mai chưa xâm nhập vào máu cơ thể. Đầu tiên bác sĩ sẽ lấy mẫu xét nghiệm từ chính vết lở loét, dịch âm đạo hoặc dịch niệu đạo của người bệnh. Sau đó dùng kính hiển vi nền đen quan sát hoặc bệnh phẩm sẽ được nhuộm bằng phương pháp đặc biệt (Fontana-Tribondeau), tìm kiếm sự xuất hiện của xoắn khuẩn gây bệnh.
Nếu thấy xoắn khuẩn dạng lò xo di động (trường hợp soi tươi dưới kinh hiển vi nền đen) tồn tại thì coi như người bệnh đã mắc bệnh giang mai.
3.1.2 Xét nghiệm bằng phản ứng sàng lọc RPR
Phản ứng sàng lọc bệnh giang mai RPR thường được thực hiện với những bệnh nhân đang ở giai đoạn 2 (đặc biệt là giai đoạn giang mai kín). Cơ chế xét nghiệm là tìm kiếm kháng thể giang mai do cơ thể chúng ta sản xuất ra để chống lại tác nhân gây bệnh. Đây là phản ứng không đặc hiệu nên có thể có những trường hợp (+) giả đối với một số bệnh khác như sốt rét, thận hư nhiễm mỡ, hoặc phụ nữ có thai trên 7 tháng. Do vậy phải làm phản ứng không đặc hiệu này 2 lần nhằm kiểm tra ( sự lặp lại) kết quả.
3.1.3. Xét nghiệm kháng thể đặc hiệu giang mai
Với cơ chế tương tự như RPR, xét nghiệm này hướng đến mục đích kiểm tra kháng thể giang mai trong cơ thể. Bác sĩ có thể thu thập mẫu máu hoặc dịch não tủy để tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể chống lại khuẩn gây bệnh giang mai. Hiện nay có 2 xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất là xét nghiệm TPHA (hoặc TPPA) giúp định tính/định lượng và xét nghiệm Syphilis (tự động/ test nhanh) đều là các xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu với xoắn khuẩn giang mai.
3.2 Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm
Để chẩn đoán bệnh giang mai chính xác và có những phác đồ điều trị hợp lý, bệnh nhân khi đi khám cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Khai báo chính xác, trung thực về tình trạng, tiền sử bệnh.
- Trả lời đúng và đủ các câu hỏi của bác sĩ để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như có các biện pháp phòng tránh cần thiết.
- Thực hiện các xét nghiệm giang mai theo đúng sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài việc lựa chọn những trung tâm y tế, cơ sở chuyên khoa uy tín thì bạn cũng cần tìm hiểu thêm về những cách xét nghiệm bệnh giang mai phổ biến hiện nay
Mọi thắc mắc cần được tư vấn quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký thăm khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: