Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em là cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Nhiều bậc cha mẹ khi biết con mắc bệnh thoát vị bẹn nghẹt thường rất lo lắng, không biết bệnh có nguy hiểm không và phải điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những thắc mắc trên.
1. Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em là gì?
Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em là cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi, vì không được cung cấp đủ máu.
Khi xảy ra thoát vị bẹn, có hai biến chứng nghiêm trọng đó là thoát vị bẹn nghẹt và kẹt.
- Thoát vị kẹt là một phần của ruột, mô mỡ hoặc buồng trứng bị kẹt lại trong túi thoát vị. Thoát vị kẹt có thể tạo nên khối chắc, căng đau, gây nôn, táo bón và dễ kích thích.
- Thoát vị bẹn nghẹt là tình trạng trong ổ bụng chui xuống trong túi thoát vị và bị nghẹt. Do cổ túi thoát vị bị tắc nghẽn nên làm cho tình trạng các tạng trong túi thoát vị bị xoắn, gấp khúc, đè ép nhau, không di chuyển về vị trí lúc đầu. Tình trạng này chính là biến chứng mức độ nặng và hay xảy ra khi bị các bệnh về thoát vị, bao gồm các loại như: Thoát vị rốn (chủ yếu là gan), thoát vị đường trắng, thoát vị bịt và đa số là ở thoát vị bẹn, thoát vị đùi.
Thoát vị bẹn nghẹt là một biến chứng nặng đáng kể của thoát vị bẹn. Trẻ càng nhỏ nguy cơ bị thoát vị bẹn nghẹt cao và càng nguy hiểm.
Thoát vị bẹn nghẹt cần chẩn đoán thật sớm và xử trí ngay, vì nếu chỉ sau 6 đến 12 giờ tạng thoát vị sẽ bị hoại tử dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử tạng (như ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng) và những biểu hiện rối loạn các cơ quan khắp cơ thể.
2. Thoát vị bẹn nghẹt triệu chứng là gì?
Để nhận biết thoát vị bẹn nghẹt cần quan sát và chú ý đến những triệu chứng sau:
Triệu chứng cơ năng:
- Đau nhiều, đau dữ dội và đột ngột ở vùng thoát vị. Không chỉ vậy mà còn xuất hiện triệu chứng đau lan dần xuống vùng bìu và đau bụng.
- Khối phồng của thoát vị bẹn nghẹt khác với thoát vị bẹn ở chỗ là có cảm giác đau, cố định một chỗ và không tự mất đi.
- Người bệnh có thể bị nôn và bí trung đại tiện.
Triệu chứng thực thể
- Xuất hiện khối phồng vùng bẹn, bìu, khối thoát vị xuất hiện liên tục không xẹp đi được, kèm theo trẻ kêu ở phía cổ túi khối phồng. Đặc biệt, đau tăng khi chạm vào khối phồng thoát vị, ở trẻ nhỏ chưa biết nói thì trẻ sẽ quấy khóc liên tục, bỏ ăn, nôn. Giai đoạn muộn sẽ thấy trẻ mệt, không muốn chơi.
- Khi nhấn vào khối phồng sẽ thấy chắc, ấn không xẹp, giữ nguyên vị trí và kích thước, không di chuyển. Vùng da tại khu vực thoát vị có thể bị sưng, tím.
3. Nguyên nhân gây bệnh thoát vị bẹn nghẹt
Dưới đây là những nguyên nhân gây bệnh thoát vị bẹn nghẹt:
- Do có nhiều sự gấp khúc ở quai ruột làm ứ đọng dịch và hơi ở bên trong túi thoát vị, lâu ngày dẫn đến thoát vị bẹn nghẹt.
- Ở túi thoát vị đã có quai ruột, tuy nhiên do áp lực ở thành bụng cao tạo điều kiện làm xuất hiện một quai ruột mới tiếp tục chui vào lỗ thoát vị đó.
- Tình trạng nghẹt xảy ra khi các tạng đã di chuyển xuống lỗ thoát vị nhưng khó di chuyển ngược vị trí ban đầu.
- Do người bệnh khiêng, vác các vật nặng hoặc bị ho nhiều,... sẽ khiến cho áp lực ổ bụng tăng lên, từ đó tạo điều kiện để các tạng chui qua chỗ thoát vị dẫn đến nghẹt.
4. Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em vì sao nguy hiểm? Hậu quả của thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em có nguy hiểm không? Là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Dưới đây là những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu như trẻ bị thoát vị bẹn nghẹt mà không được điều trị kịp thời:
- Hoại tử ruột.
- Hoại tử buồng trứng ở trẻ nữ.
- Gây thiếu máu nuôi tinh hoàn có thể dẫn đến teo tinh hoàn.
- Gây thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc nặng, có thể dẫn đến tử vong.
5. Điều trị thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt là loại cấp cứu ngoại khoa, cần được phát hiện và phẫu thuật sớm. Có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:
5.1. Điều trị bảo tồn
Trường hợp trẻ được phát hiện thoát vị bẹn nghẹt sớm, chưa có tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc thì có thể dễ dàng để dùng áp lực từ bên ngoài đẩy khối thoát vị đó lên thành bụng ở vị trí lỗ thoát vị và tiếp tục theo dõi. Tiến trình thực hiện bao gồm:
- Dùng thuốc an thần và thuốc giảm đau theo liều thích hợp có chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ vào ngâm nửa người phía dưới bụng vào chậu nước ấm, chờ 15 đến 20 phút, khối thoát vị có thể tự lên được.
- Dùng tay xoa nhẹ ở khối thoát vị một cách nhẹ nhàng tránh tác động quá mạnh tạo áp lực lên tạng thoát vị có nguy cơ vỡ tạng ở bên trong.
- Sau khi tạng đã được đẩy lên thì người bệnh nên được theo dõi chặt chẽ nhằm đề phòng khả năng ruột bị hoại tử thứ phát gây biến chứng viêm phúc mạc. Để phòng ngừa viêm phúc mạc, người bệnh nên đeo băng ép, như vậy có thể giúp người bệnh nhanh hồi phục.
5.2. Phẫu thuật
Trong trường hợp người bệnh điều trị bằng phương pháp bảo tồn không có kết quả hoặc đưa đến cấp cứu trong tình trạng quá đau và xuất hiện các biến chứng nặng thì phương pháp phẫu thuật được lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như : Mổ mở đường bẹn hoặc phẫu thuật nội soi (có thể là nội soi 1 lỗ, 2 lỗ hoặc 3 lỗ tùy thuộc vào trình độ từng cơ sở y tế). Tùy tình trạng bệnh cũng như diễn biến phức tạp mà bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Mục đích của phẫu thuật nhằm:
- Giúp giải phóng nhanh tạng thoát vị bị nghẹt, thiếu máu.
- Khâu đóng lại lỗ thoát vị.
Phẫu thuật nội soi một lỗ là phương pháp tốt nhất và an toàn nhất hiện nay để điều trị thoát bị bẹn nghẹt ở trẻ em. Ưu điểm của phương pháp này là đường mổ nhỏ, ít đau sau mổ, có thể dễ dàng phát hiện thoát vị bên đối diện nếu có và xử lý luôn trong một lần mổ, điều này đặc biệt quan trọng đối với thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh, vì lứa tuổi này có khả năng cao bị cả hai bên vùng bẹn.
6. Một số lưu ý khi chữa trị thoát vị nghẹt
- Khi phát hiện ra bệnh, người bệnh cần tránh hoạt động mạnh tạo áp lực làm các tạng tuột vào ổ bụng.
- Khi có các triệu chứng bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đánh giá tỷ lệ phục hồi của đoạn ruột sau khi đã được phẫu thuật.
Tóm lại, thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nghiêm trọng của thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời, dẫn đến nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của thoát vị bẹn, khối thoát vị đã hình thành thì sẽ lớn dần, nhanh hay chậm tùy thuộc cơ địa mỗi người. Do đó, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám sớm và điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng có thể xảy ra cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.