Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp không đủ khả năng duy trì sự trao đổi khí theo nhu cầu cơ thể, việc đảm bảo cung cấp oxy cho cơ thể là yếu tố quan trọng quyết định sự sống của người bệnh. Phương pháp thở áp lực dương liên tục trong điều trị suy hô hấp giúp giảm triệu chứng suy hô hấp và phục hồi chức năng hô hấp. Nhờ thực hiện phương pháp này làm hạn chế việc sử dụng phương pháp xâm lấn, từ đó hạn chế nguy cơ biến chứng gây ra.
1. Thở áp lực dương liên tục là gì?
Thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một trong những phương pháp hỗ trợ thở cho những bệnh nhân bị suy hô hấp nhưng vẫn còn khả năng thở bằng cách duy trì một áp lực dương liên tục trong suốt chu kỳ thở.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp thở áp lực dương liên tục:
- Bình thường khi tự thở: Áp suất đường thở sẽ âm hơn so với áp suất khí quyển trong thì hít vào, dương hơn trong thì thở ra và trở về bằng 0 ở cuối thì thở ra.
- Khi thở CPAP: Hệ thống CPAP sẽ tạo ra một áp lực dương liên tục trên đường thở, kể cả thời gian hít vào và thở ra. Ví dụ khi thở CPAP ở áp lực 5mmH2O, khi đó áp lực cuối thì thở ra là dương 5cmH2O. Đường biểu diễn áp suất đường thở được nâng lên hơn so với trục hoành là 5 cmH2O. Từ đó giúp các phế nang không xẹp cuối kỳ thở ra tăng trao đổi khí, giảm công hô hấp.
Hệ thống CPAP bao gồm một hệ thống tạo ra một dòng khí (được làm ấm và ẩm) cung cấp liên tục cho bệnh nhân trong suốt chu kỳ thở và một dụng cụ tạo PEEP được đặt ở cuối đường thở để tạo ra áp lực dương trên đường thở. Hệ thống trên được nối với bệnh nhân bằng nội khí quản, sonde mũi, cannula mũi hoặc mask tuỳ từng loại hình CPAP.
Thở NCPAP (Nasal Continuous Positive Airway Pressure): Thở áp lực dương tính liên tục qua đường mũi. Là phương pháp thở áp lực dương không xâm lấn, hệ thống CPAP được nối với bệnh nhân qua cannula mũi, có nhiều cỡ cannula cho các độ tuổi khác nhau.
2. Tác dụng của thở NCPAP
- Phương pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân suy hô hấp còn tự thở và thất bại với sử dụng oxy, hiệu quả cao dễ áp dụng và an toàn ở trẻ em
- Giảm tỷ lệ tử vong
- Giảm tỷ lệ đặt nội khí quản và thở máy qua đó giảm nguy cơ tai biến do thở máy, đặc biệt là nhiễm khuẩn bệnh viện
- Giúp phế nang không xẹp cuối kỳ thở ra, tăng dung tích cặn chức năng, tăng trao đổi khí, tăng lượng oxy máu
- Mở các phế quản nhỏ từ đó giúp điều trị và phòng ngừa xẹp phổi
- Nhờ áp lực dương nên giảm lượng dịch từ mao mạch vào phế nang ( gây hiện tượng phù phổi).
3. Chỉ định và chống chỉ định của thở NCPAP
3.1 Chỉ định
- Trẻ suy hô hấp.
- Bệnh nhân bị ngạt nước.
- Bệnh nhân bị phù phổi, tràn dịch màng phổi, viêm tiểu phế quản.
- Bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp.
- Bệnh nhân mắc bệnh màng trong.
- Bệnh nhân lên cơn ngừng thở sơ sinh non tháng.
- Bệnh nhân bị viêm phổi hít phân su.
- Bệnh nhân bị xẹp phổi do tắc đờm.
- Bệnh nhân bị dập phổi do chấn thương ngực.
- Bệnh nhân sau hậu phẫu ngực và cần cai máy thở.
3.2 Chống chỉ định
- Tràn khí màng phổi chưa dẫn lưu, sốc giảm thể tích hay tăng áp lực nội sọ.
- Những trường hợp bị rối loạn ý thức, không phối hợp để chạy máy.
- Bệnh nhân ngừng thở, liệt cơ hô hấp cũng không nên sử dụng phương pháp này.
4. Thở áp lực dương liên tục trong điều trị suy hô hấp
Suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp không đủ khả năng duy trì sự trao đổi khí theo nhu cầu cơ thể gây giảm oxy, có thể làm tăng CO2 máu, hậu quả dẫn đến là thiếu oxy cho nhu cầu biến dưỡng của các cơ quan đặc biệt là não, tim, toan hô hấp...
Suy hô hấp là một hệ quả do nhiều nguyên nhân gây ra, ở những bệnh nhân suy hô hấp vẫn có khả năng tự thở nhưng không đảm bảo cung cấp oxy cho cơ thể, bệnh nhân vẫn còn những dấu hiệu khó thở khi thở oxy.
Việc sử dụng phương pháp thở áp lực dương liên tục qua đường mũi (NCPAP) giúp duy trì một áp lực dương liên tục trong suốt chu kỳ thở, từ đó giúp giảm công hô hấp, phế nang không bị xẹp ở cuối chu kỳ thở tăng trao đổi khí, tăng lượng oxy trong máu.
Thở NCPAP giúp giảm tỷ lệ đặt nội khí quản, thở máy ở bệnh nhân suy hô hấp, từ đó giảm biến chứng như nhiễm trùng, sử dụng thuốc, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị.
Nhất là đối với trẻ em nguy cơ suy hô hấp sau phẫu thuật rất thường gặp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Việc sử dụng thở NCPAP giúp phòng ngừa biến chứng suy hô hấp sau mổ ở trẻ.
5. Những lưu ý khi sử dụng kỹ thuật thở áp lực dương để điều trị suy hô hấp
5.1 Theo dõi sau khi thở NCPAP
Theo dõi đáp ứng của bệnh nhân với phương pháp thở NCPAP bằng các dấu hiệu như:
- Bệnh nhân da hồng hào hơn, nhịp thở bình thường.
- Hết rút lõm lồng ngực
- Theo dõi thông số: SpO2> 92%, khí máu động mạch (PaO2 60-80 mmhg, PaCO2 40-45mmhg, pH 7,3-7,4)
Theo dõi dấu hiệu thất bại khi sử dụng NCPAP
- Ngừng thở, có cơn ngừng thở không cải thiện sau 30 phút.
- Chỉ số SaO2 < 91% / PaO2 < 60 mmHg với áp lực 10 cmH2O và FiO2 80 -100%.
- Chỉ số PaCO2 > 55 mmHg.
- Trường hợp bệnh nhân thất bại với NCPAP cần đặt nội khí quản giúp bệnh nhân thở.
5.2 Những lưu ý khi thực hiện kỹ thuật
- Phải điều chỉnh áp lực theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
- Tránh tăng áp lực đột ngột khi thay đổi.
- Thay hệ thống NCPAP cho bệnh nhân mỗi 72 giờ/lần.
- Thường xuyên quan sát kiểm tra hệ thống và bệnh nhân.
Thở áp lực dương liên tục trong điều trị suy hô hấp là một phương pháp an toàn, mang lại hiệu quả cao, an toàn đối với trẻ nhỏ. Hiện tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng kỹ thuật thở NCPAP cho những bệnh nhi bị suy hô hấp với những ưu điểm như:
- Trang thiết bị hệ thống máy thở NCPAP hiện đại, điều chỉnh áp lực tương ứng với bệnh nhân. Không gian vô trùng giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Với tỷ lệ thành công cao tới 95%, giảm tỷ lệ tử vong, an toàn cho sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
XEM THÊM:
- Kỹ thuật thở áp lực dương liên tục qua mũi tại Vinmec Phú Quốc
- Suy hô hấp cấp nguy hiểm như thế nào?
- Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.