Thiếu vitamin K có thể gây xuất huyết não ở trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ sơ sinh không nhận đủ vitamin K từ mẹ trong thai kỳ hoặc trong thời gian bú mẹ có nguy cơ mắc một chứng rối loạn hiếm gặp, gọi là chứng chảy máu do thiếu vitamin K (VKDB). VKDB có thể gây chảy máu vào trong não và có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí tử vong. VKDB có thể được ngăn chặn bằng cách cho trẻ sơ sinh thêm vitamin K.

1. Vai trò của vitamin K đối với trẻ nhỏ

Vitamin K giúp máu đông lại, đây là yếu tố cần thiết để ngăn chặn trường hợp chảy máu nghiêm trọng. Không có đủ vitamin K, những vết cắt nhỏ có thể chảy máu trong một thời gian rất dài và những vết bầm tím lớn có thể xảy ra do những vết thương nhỏ. Chảy máu cũng có thể xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não (gây ra một loại đột quỵ).

Có 3 loại vitamin K gồm:

  • Vitamin K1 còn gọi là phylloquinone được tìm thấy trong thức ăn tự nhiên;
  • Vitamin K2 còn gọi làm enaquinone được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích ở trong ruột;
  • Vitamin K3 còn gọi là menadione là dạng vitamin K nhân tạo.

Vitamin thuộc nhóm K có tên chung quốc tế là Phytomenadione sản xuất dưới dạng viên nén, viên bao đường, ống tiêm được chỉ định sử dụng trong các trường hợp xuất huyết và nguy cơ xuất huyết tăng do giảm prothrombin huyết. Bình thường vi khuẩn trong ruột có thể tổng hợp đủ vitamin K nhưng đối với trẻ sơ sinh các nhà khoa học khuyến cáo nên điều trị cho trẻ một liều tiêm vitamin K1 (Phytomenadione) 1mg ngay sau khi sinh để phòng ngừa xuất huyết sơ sinh. Đến khoảng sáu tháng tuổi, cơ thể trẻ đã tự xây dựng nguồn cung vitamin K của mình.

Trẻ lớn hơn và người lớn nhận được hầu hết vitamin K từ vi khuẩn trong ruột, và một số từ chế độ ăn uống của họ.


Tiêm vitamin K1ngay sau khi sinh giúp phòng ngừa xuất huyết sơ sinh
Tiêm vitamin K1ngay sau khi sinh giúp phòng ngừa xuất huyết sơ sinh

Trẻ sơ sinh có rất ít vitamin K trong cơ thể sau khi sinh. Vitamin K không qua nhau thai cho em bé đang phát triển và ruột không có bất kỳ vi khuẩn nào tạo ra vitamin K trước khi sinh. Sau khi sinh, có rất ít vitamin K trong sữa mẹ và trẻ bú sữa mẹ có thể bị thiếu vitamin K trong vài tuần cho đến khi vi khuẩn đường ruột bình thường bắt đầu tạo ra nó. Sữa bột cho trẻ sơ sinh đã bổ sung vitamin K, nhưng ngay cả trẻ bú sữa công thức cũng có lượng vitamin K rất thấp trong vài ngày.

Với lượng vitamin K thấp, một số bé có thể bị chảy máu rất nghiêm trọng - đôi khi vào não, gây tổn thương não đáng kể. Chảy máu này được gọi là bệnh xuất huyết của trẻ sơ sinh (HDN).

2. Nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ là do:

  • Vitamin K được cung cấp từ mẹ sang thai nhi qua rau thai, lượng này rất nhỏ, và phần chính vitamin K mà trẻ nhỏ nhận được qua sữa mẹ. Tuy nhiên vitamin K trong sữa mẹ cũng rất thấp.
  • Người mẹ không được ăn bồi dưỡng trong những tháng cuối của thời kỳ thai, ở những người mẹ ăn kiêng khem sau sinh như kiêng ăn mỡ, dầu, lượng vitamin K trong sữa mẹ càng ít.
  • Ở trẻ nhỏ sau khi sinh, lúc một tháng tuổi, vi khuẩn có khả năng tổng hợp vitamin K ở ruột chưa đủ, do đó trẻ nhỏ càng dễ bị thiếu vitamin K dẫn đến xuất huyết não, màng não hơn trẻ lớn.
  • Khi người mẹ dùng một số thuốc như thuốc chống co giật, warfarin hoặc thuốc chống lao có thể gây nên bệnh lý xuất huyết trẻ sơ sinh điển hình và sớm.
  • Những trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh sớm, bị rối loạn tiêu hóa cũng làm cho nguồn vitamin K tổng hợp ở ruột ít.

3. Xuất huyết não ở trẻ nhỏ do thiếu vitamin K

Theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não thường xảy ra vào lúc 30-40 ngày tuổi, mà nguyên nhân là do thiếu vitamin K.

Trẻ bị xuất huyết não, màng não có những triệu chứng lâm sàng:

  • Hội chứng thiếu máu cấp: da xanh, niêm mạc nhợt.
  • Hội chứng não – màng não: co giật, rên è è, thóp căng phồng, li bì, hôn mê, giảm vận động nửa người.

Các trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ tử vong là 25-40%, di chứng là 40-50%). Các di chứng hay gặp nhất gồm có: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.


Thiếu vitamin K gây xuất huyết não ở trẻ nhỏ
Thiếu vitamin K gây xuất huyết não ở trẻ nhỏ

4. Dự phòng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh

Việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh nhằm để phòng tránh xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể:

  • Đối với trẻ > 1.500 gram: tiêm bắp 1mg Vitamin K1
  • Đối với trẻ ≤ 1.500 gram: tiêm bắp 0,5 mg Vitamin K1

Việc tiêm Vitamin K1 thực hiện ngay sau khi trẻ được chăm sóc EENC (Chăm sóc sớm thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ/sau mổ lấy thai).

5. Tiêm vitamin K cho trẻ sau sinh ở đâu?

Bố mẹ có thể tiêm vitamin K cho bé sau sinh tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập trong cả nước. Tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec hiện có gói dịch vụ “THAI SẢN TRỌN GÓI”, bao gồm cả chăm sóc trước sinh, chăm sóc trong khi sinh và chăm sóc sau sinh. Em bé sau khi sinh sẽ được tiêm vitamin K đầy đủ. Vitamin K được bảo quản và lưu trữ trong điều kiện tốt cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm tin tưởng.

Với đội ngũ các bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng thời cùng hợp tác chuyên môn toàn diện với các bệnh viện uy tín nhất Việt Nam và các nước phát triển: Singapore, Mỹ, Nhật Bản... Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ hoàn hảo chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, giúp bạn có thể yên tâm bảo vệ con yêu.

Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn đã có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa. Trước khi là bác sĩ Nhi sơ sinh tại bênh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang, bác sĩ nguyên là Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe