Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Thiếu máu khi mang thai là bệnh thường gặp với những triệu chứng điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, khó thở khi gắng sức, niêm mạc nhợt nhạt (biểu hiện ở môi hoặc mí mắt). Bệnh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu thiếu máu và thai nhi.
1. Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai
Bình thường lượng sắt hấp thu qua đường ăn uống chỉ khoảng từ 5 - 15% nên không cung cấp đủ nhu cầu chất sắt cho cơ thể. Nhất là khi mang thai bà mẹ bị nghén, mệt mỏi cũng dẫn đến tình trạng bà bầu bị thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu sắt thiếu máu khi mang thai là do nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi. Nhu cầu sắt tăng nhiều nhất ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ, tăng lên 5 - 7 lần. Do nhu cầu sắt ở thời kỳ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên lên đến 5 - 7 lần.
Chính vì vậy, nguyên nhân chủ yếu làm bà bầu thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Thiếu máu khi mang thai xảy ra nhiều với thai phụ ở vùng nông thôn, vùng miền núi do điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai nhiều địa phương chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu sắt, thiếu máu khi mang thai càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu khi mang thai nhiều hơn.
2. Những ảnh hưởng đến sức khỏe khi thiếu máu ở bà bầu
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện nay có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng hay bị thiếu máu nhất. Thiếu máu khi mang thai là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị thiếu máu thai kỳ.
Bà bầu bị thiếu máu là có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Với thiếu máu nhẹ, sẽ không có gì nguy hiểm cho cả mẹ và bé, chỉ khó chịu trong vấn đề mẹ hơi chóng mặt một chút, nhưng với bà bầu bị thiếu máu nặng, có nhiều nguy cơ đặc biệt nguy hiểm cho cả mẹ và bé như:
- Tăng nguy cơ sảy thai.
- Nhau tiền đạo.
- Bong nhau non.
- Huyết áp thai kỳ.
- Tiền sản giật.
- Vỡ ối sớm.
- Nguy cơ băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản.
Ngoài ra, vấn đề băng huyết sau sinh và nhiễm trùng hậu sản sẽ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng mẹ bầu thiếu máu. Bà mẹ bị thiếu máu khi mang thai dẫn đến thiếu acid folic có thể gây những dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, gai đôi cột sống. Thiếu i- ốt ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, tai biến sản khoa như sinh non, con suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần.
Với bé, lượng sắt dự trữ trong bụng mẹ ít, khi sinh ra cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, sinh non, suy thai hay nhiều nguy cơ hơn các bệnh sơ sinh khác hơn so với trẻ bình thường. Bé có nguy cơ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng tỷ suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu.
Những bà mẹ bị thiếu máu khi mang thai giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác. Trẻ sinh ra bởi những mẹ bầu bị thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới phát triển trí não và hậu quả của nó có thể tiếp tục làm suy giảm khả năng học tập của trẻ do khiếm khuyết trong hình thành myelin do thiếu sắt. Con của những bà bầu bị thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác khi đến tuổi trưởng thành.
Vậy nên bà bầu cần được phát hiện sớm tình trạng thiếu máu để có thể khắc phục kịp thời. Việc chẩn đoán thiếu sắt, thiếu máu khi mang thai được thực hiện qua các xét nghiệm định kỳ ở tuần thứ 12, hay tuần thứ 20. Nếu bà bầu có biểu hiện thiếu máu cũng không nên lo lắng. Bà bầu bị thiếu máu nên có một chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ngủ nghỉ đều đặn, tránh xa café và các chất kích thích.
3. Dự phòng thiếu máu khi mang thai
Để dự phòng thiếu vi chất, thiếu sắt và thiếu máu khi mang thai, nhân viên y tế tuyến cơ sở, người có uy tín tại cộng đồng cần tuyên truyền phổ biến để phụ nữ mang thai chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic.
Bà mẹ mang thai nên tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt sau đây khi bị thiếu máu khi mang thai:
- Bổ sung chất sắt dạng viên hoặc dạng nước. hoặc qua các loại thực phẩm hằng ngày như thịt có màu đỏ như thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, rau xanh, các loại đậu,... Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Mỗi tuần bà bầu có thể ăn từ 3 đến 4 quả trứng gà.
- Do nhu cầu sắt và acid folic ở của phụ nữ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên WHO khuyến nghị phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt và acid folic với liều 60 mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic mỗi ngày. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
Để hấp thụ sắt tốt bà bầu nên uống khi đói. Lưu ý trước và sau khi uống viên sắt thì không nên uống trà, cà phê hoặc sữa bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt.
Để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ sắt được diễn ra một cách tốt, bà bầu nên bổ sung vitamin C có trong các loại trái cây, rau xanh, ...
Các loại thuốc sắt dạng viên có nguy cơ làm cho bà bầu bị táo bón, khó chịu dạ dày. Vì vậy, khi uống viên sắt, bà bầu nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi để tăng cường chất xơ và uống thêm nước để tránh tác dụng phụ này.
Sau khi điều trị trong vòng vài tuần, nồng độ sắt của bà bầu sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng không diễn biến khá hơn thì cần đến bệnh viện để thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu và có biện pháp chữa trị chuẩn xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.