Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Mặc dù thường không có nguyên nhân rõ ràng nhưng một số hoạt động hoặc tình huống nhất định được biết là nguyên nhân kích hoạt các triệu chứng phù mạch di truyền. Những tác nhân này bao gồm chấn thương thuốc, căng thẳng và một số hoạt động thể chất.
1. Các yếu tố kích hoạt phù mạch di truyền
1.1. Các hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất là một trong những yếu tố gây ra các triệu chứng ở những người bị phù mạch di truyền. Những yếu tố này bao gồm phù chân do đứng lâu, sưng tay do nắm chặt dụng cụ. Các hoạt động lặp đi lặp lại khác dẫn đến bùng phát các triệu chứng phù mạch đó là:
- Đánh máy
- Cắt cỏ, cuốc đập búa
Một số bệnh nhân khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, lạnh hoặc nước cũng kích hoạt phù mạch di truyền. Các yếu tố môi trường khác đó là vết cắn hoặc đốt của côn trùng, phấn hoa, lông động vật và tiếp xúc với cao su.
1.2. Căng thẳng và chấn thương
Một số chấn thương về thể chất và cảm xúc có thể kích hoạt phù mạch ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Đặc biệt, vấn đề chăm sóc răng miệng cần được quan tâm, bởi một cơn bùng phát xung quanh mặt hoặc cổ họng có thể dẫn đến sưng đường thở.
Các yếu tố kích hoạt liên quan đến chấn thương có thể bao gồm:
- Căng thẳng
- Mệt mỏi
- Nhiễm trùng
- Phẫu thuật
- Công việc nha khoa
- Xỏ khuyên lưỡi hoặc mặt
- Bệnh tật
1.3. Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi của hormone có thể dẫn đến các yếu tố kích hoạt phù mạch. Một số phụ nữ cho biết các triệu chứng gia tăng trong kỳ kinh nguyệt, khi mang thai.
Bên cạnh đó, liệu pháp thay thế hormone hoặc kiểm soát sinh sản dựa trên estrogen cũng có thể kích hoạt các yếu tố gây phù mạch thường và nghiêm trọng hơn.
1.4. Thuốc kích hoạt phù mạch di truyền
Thuốc huyết áp có chứa chất ức chế ACE có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng phù mạch. Nếu bị phù mạch di truyền và cần dùng thuốc huyết áp, bác sĩ sẽ tư vấn với bạn để kê đơn thuốc thay thế không chứa chất ức chế ACE. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào, bạn nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa.
Một số loại thuốc khác cũng có thể kích hoạt phù mạch đó là:
- Aspirin
- NSAID
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc tránh thai
- Thuốc có nguồn gốc từ huyết thanh
1.5. Chế độ ăn
Một số người bị phù mạch di truyền có thể nhạy cảm với một số loại thực phẩm, chẳng hạn như:
- Hải sản
- Động vật có vỏ
- Quả hạch
- Trứng
- Sữa
2. Ngăn chặn các yếu tố kích hoạt
Khi bạn hiểu rõ các nguyên nhân hoặc yếu tố kích hoạt phù mạch di truyền thì hãy cố gắng để tránh những yếu tố đó đó. Nếu bạn căng thẳng hoặc mệt mỏi, hãy nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi lối sống mà bạn có thể thực hiện.
Nếu biết mình sẽ cần phẫu thuật hoặc làm răng sâu, bạn có thể nên điều trị ngắn hạn bằng thuốc phòng ngừa. Có một số lựa chọn để điều trị dự phòng đó là:
- Dùng liệu pháp androgen liều cao trước và sau khi phẫu thuật.
- Dùng chất ức chế C1 đậm đặc trong những giờ ngay trước khi phẫu thuật.
Ngay cả khi bạn được điều trị dự phòng, các cuộc tấn công mới vẫn có thể xảy ra. Điều quan trọng là luôn có sẵn thuốc và cách sử dụng thuốc hiệu quả.
3. Theo dõi các yếu tố kích hoạt phù mạch di truyền
Hiệp hội HAE Mỹ khuyến cáo nên ghi lại các đợt bùng phát bệnh, cho dù đó là nhẹ hoặc nặng. Nhật ký sẽ giúp bạn và bác sĩ theo dõi kế hoạch điều trị hiệu quả và tìm ra được những nguyên nhân gây bùng phát bệnh.
Nhật ký phải có mô tả về đợt bùng phát, những gì bạn đã làm để điều trị và cách bạn phản ứng. Bằng cách dự đoán và chuẩn bị để điều trị các đợt bùng phát phù mạch di truyền, bạn có thể kiểm soát bệnh và có một cuộc sống chất lượng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Delves, P. J. (2014, March). Hereditary and Acquired Angioedema merckmanuals.com/professional/immunology-allergic-disorders/allergic,-autoimmune,-and-other-hypersensitivity-disorders/hereditary-and-acquired-angioedema
- HAE attack triggers. (2016) haea.org/what-is-hae/attack-triggers/
- How can HAE be treated? (2016) haei.org/hae/how-can-hae-be-treated/
- Work life and managing HAE. (2016) haea.org/work_life_and_managing_hae/