Theo dõi các u cục vùng đầu

Khi xuất hiện các khối bất thường vùng đầu khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng. Những khối u này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và với mỗi nguyên nhân thù cần có các biện pháp theo dõi, điều trị phù hợp.

Các khối u cục vùng đầu có thể do các nguyên nhân lành tính hay ác tính gây ra và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Dưới đây là một số dạng và cách theo dõi u cục vùng đầu:

1. Nổi hạch bạch huyết

Hạch bạch huyết là một trong các yếu tố góp phần chống lại các tác nhân gây bệnh. Hạch đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, khi nhiễm các tác nhân gây bệnh thì hạch cũng có biểu hiện sưng, nóng do sự hoạt động của hệ thống miễn dịch. Hạch nằm rải rác trên khắp cơ thể bao gồm vùng đầu, cổ, sau tai, chân, tay... Hầu hết nổi hạch là tình trạng lành tính nhưng đôi khi là cảnh báo cho các bệnh nguy hiểm. Những nguyên nhân gây nổi hạch vùng đầu bao gồm:

  • Do viêm nhiễm tại răng miệng, tai mũi họng... hạch do viêm thường sưng to trong thời gian ngắn, kèm theo đau, nóng, đỏ, di động và hầu hết sẽ giảm bớt sau khi tình trạng viêm nhiễm biến mất. Các vị trí nổi hạch viêm có thể thấy như vùng cổ, dưới hàm, sau tai...
  • Bệnh u lympho: Hạch vùng cổ nổi rất to, thường nằm riêng lẻ và có thể nổi tại các vị trí khác, to dần theo thời gian chứ không giảm như trong hạch viêm. Bệnh nhân thường kèm theo các triệu chứng khác như ngứa, sốt...
  • Hạch lao: Có thể mọc vùng đầu cổ, to nhỏ không đều. Đôi khi những hạch này vỡ ra gây rò mủ bã đậu kéo dài.
  • Ung thư: Trong một số trường hợp nổi hạch có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở vùng đầu, cổ. Hay gặp nhất là bệnh ung thư tuyến giáp. Theo ghi nhận, hầu hết bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thì các hạch sẽ tăng kích thước theo thời gian, nhất là hay gặp hạch sau tai. Giai đoạn đầu, hạch bạch huyết này có thể di động nhưng càng về giai đoạn sau lại càng bám chặt ở tai, ấn vào có cảm giác đau và rất cứng.

Hạch bạch huyết tham gia vào quá trình miễn dịch nên khi có viêm nhiễm vùng đầu cổ thì nổi hạch là chuyện hết sức bình thường. Nhưng khi hạch nổi trong thời gian dài thường là trên 1 tháng, kèm theo di động kém hay to nhanh thì là biểu hiện bất thường. Cần được thăm khám và tìm các nguyên nhân bệnh gây ra tình trạng nổi hạch kéo dài.


Hạch bạch huyết có liên quan đến vấn đề nổi cục u sau đầu
Hạch bạch huyết có liên quan đến vấn đề nổi cục u sau đầu

2. Nang bì

Nang bì hay còn gọi là u bã đậu là một dạng u lành tính, thường xuất hiện ở ngay dưới da vùng đầu như trán, cung mày, sau tai, gáy... Đây là nguyên nhân gây nổi cục u sau đầu, nhất là ở trẻ nhỏ khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tính chất của u nang bì thường nhỏ, ranh giới rõ, trên bề mặt có thể có lỗ rò giống mụn đầu đen có dịch hoặc chất bã tiết ra qua lỗ dò đó. Khi có tình trạng viêm nhiễm xảy ra thì khối to lên, nề đỏ, đau, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân như sốt. U nang bì khi được phát hiện cần phải được điều trị, vì nó sẽ không thể tự mất đi, mà thường việc điều trị cần phẫu thuật cắt bỏ nang bã đậu.

3. U mỡ

U mỡ xuất hiện là do sự tăng sinh quá mức của các bào mỡ dưới da. Đây là một dạng u lành tình trong các nguyên nhân gây nổi khối u sau đầu, nó thường xuất hiện đơn độc, nằm ngay dưới da, bề mặt nhẵn, đôi khi có thể sờ thấy nhiều thuỳ lồi lõm không đều, mật độ thường mềm, khả năng đàn hồi tốt, ranh giới khá rõ, thường tiến triển chậm.

U mỡ là dạng u vùng đầu lành tính, nhưng nếu nó phát triển to quá mức gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chèn ép vào mô xung quanh, thì cần tiến hành điều trị loại bỏ mô mỡ.

4. U mạch máu

U máu là do sự tăng sinh bất thường của mạch máu có thể nằm ngay trong da, dưới da hay trong cơ ở vùng đầu hoặc nó có thể nằm ở các vị trí khác trên cơ thể. U mạch máu thường có ranh giới thường không rõ, mật độ mềm, thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi hay gặp từ khi mới sinh ra, bệnh thường tiến triển theo giai đoạn có giai đoạn tăng sinh nhanh và cũng có giai đoạn tăng sinh chậm. U máu trong một số trường hợp có thể tự thoái triển hoặc có trường hợp lại tăng sinh gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh. Cho nên, việc điều trị còn tùy thuộc vào mức độ tiến triển và nguy cơ biến chứng của bệnh.


U mạch máu và tình trạng nổi cục u sau đầu có liên quan đến nhau
U mạch máu và tình trạng nổi cục u sau đầu có liên quan đến nhau

5. U xơ thần kinh

U xơ thần kinh là một rối loạn di truyền rất hiếm gặp gây ra nhiều khối hoặc các u cục nhỏ có nguồn gốc liên quan đến mô thần kinh ở trên cơ thể, trong đó nó có thể xuất hiện ở vùng đầu mặt. U xơ thần kinh thường ảnh hưởng tới thẩm mỹ hơn là sức khoẻ, hiện nay vẫn chưa có hiện pháp nào điều trị triệt để bệnh u xơ thần kinh mà thường điều trị bằng phẫu thuật khi nó gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, chức năng sống của người.

6. U xơ

U xơ dưới da cũng là một nguyên nhân dẫn tới nổi cục u sau gáy hay u cục vùng đầu. U xơ thường liên quan tới yếu tố di truyền, thường xuất hiện đơn độc, nằm dưới da, có hình bán cầu, chân rộng, mặt nhẵn, mật độ thường chắc và khá đàn hồi, ranh giới khá rõ, bệnh tiến triển chậm. Trong những trường hợp u xơ gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh hoặc mất thẩm mỹ có thể loại bỏ bằng phẫu thuật.

7. U tuyến nước bọt

Khối u nằm ở tuyến nước bọt bao gồm tuyến dưới lưỡi, dưới hàm hay tuyến nước bọt mang tai cũng là một tình trạng do tăng sinh quá mức hoặc bất thường các của tuyến nước bọt. U tuyến nước bọt thường mật độ chắc và đàn hồi nếu là dạng nang hoặc rắn chắc và cứng nếu ở dạng khối. Ranh giới thường không rõ lắm, di động kém. Khi xuất hiện các khối u tuyến nước bọt thường cần được xác định xem là u lành tính hay ác tính và từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị thường bằng phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u hoặc loại bỏ tuyến, có thể kết hợp thêm hoá trị, xạ trị nếu u ác tính.


U tuyến nước bọt là một trong các tình trạng nổi cục u sau đầu cần theo dõi
U tuyến nước bọt là một trong các tình trạng nổi cục u sau đầu cần theo dõi

8. Các khối u ác tính

Ngoài những khối u lành tính vùng đầu mặt thì cũng có nhiều nguyên nhân gây nổi cục sau đầu là do các nguyên nhân ác tính. Một số nguyên nhân ác tính gây u cục vùng đầu bao gồm:

  • Ung thư da đầu: Ung thư da đầu là một tình trạng không phổ biến, có thể liên quan tới các yếu tố như dùng thuốc nhuộm tóc, thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, di truyền... ung thư da đầu gây ra nổi sẩn trên da đầu, cảm giác ngứa ngáy khó chịu, rụng tóc ngày một nhiều... các khối u có thể tiến triển nhanh xâm lấn vào da đầu và nguy hiểm nhất là di căn não. Khi xuất hiện các khối u cục bất thường trên da đầu cần thăm khám và tìm nguyên nhân bệnh, để có biện pháp điều trị đúng.
  • Sarcoma: Sarcoma là một dạng ung thư xuất phát từ các tết bào trung mô. Cho nên có thể gặp ở bất kỳ bộ phận nào bao gồm cơ, xương...vùng đầu mặt có thể gặp tình trạng sarcoma cơ vân, sarcoma xương, sarcoma mô mềm. Tùy vào từng vị trí xuất hiện trên vùng đầu cổ mà gây ra các biểu hiện khác nhau như khối bất thường, đau, nếu gần vùng mắt thì gây ảnh hưởng tới thị lực...
  • Ung thư di căn: Tất cả các ung thư tại cơ quan xa đều có thể di căn tới vùng đầu cổ. Khi di căn tới vùng đầu cổ thường xuất hiện các hạch bạch huyết bất thường.

Ung thư là một bệnh lý nguy hiểm mà hiện chưa rõ ràng nguyên nhân phát sinh bệnh. Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị mang lại hiệu quả cao hơn. Nên khi có những biểu hiện bất thường kéo dài nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nói chung, nổi u cục vùng đầu hay nổi khối u sau đầu đa số nguyên nhân thường lành tính. Nhưng cũng không nên chủ quan, nhất là các trường hợp khối u kèm theo hạch xuất hiện trong thời gian dài thì cần theo dõi và thăm khám sớm để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe