Tháo xoắn tinh hoàn: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.

Tinh hoàn là một bộ phận thuộc tuyến sinh dục nam, là nơi sản xuất và dự trữ tinh trùng. Bên cạnh đó, nó cũng tham gia vào chức năng của hệ nội tiết để sản xuất ra hormone testosterone, một loại hormone quan trọng của nam giới.

1. Xoắn tinh hoàn là gì?

Bình thường, tinh hoàn được giữ cố định bằng các dây thừng tinh. Những dây thừng tinh này ngoài việc cố định tinh hoàn thì còn bao gồm các mạch máu, dây thần kinh dẫn đến tinh hoàn và các ống dẫn nội tiết khác. Khi tinh hoàn bị xoắn lại ở đoạn cuối của dây thừng tinh sẽ dẫn đến tình trạng xoắn tinh hoàn.

Ở vị trí xoắn dạng xoắn ốc này, máu sẽ không có cách nào lưu thông và tinh hoàn sẽ không được cung cấp máu. Nếu tình trạng này kéo dài tinh hoàn sẽ bị tổn thương. Bệnh lý này khá phổ biến, tỉ lệ nam giới ở độ tuổi dưới 25 mắc phải bệnh này rơi vào khoảng 4.5/1000. Nhưng thường gặp nhất vẫn là ở trẻ nhỏ và tuổi dậy thì. Đặc biệt với những trẻ sinh đôi thì xác suất mắc phải bệnh ở trẻ thứ hai là từ 25 - 50%. Xoắn tinh hoàn ở trẻ cần được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

2. Bệnh xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không?


Bệnh xoắn tinh hoàn có thể gây vô sinh thứ phát
Bệnh xoắn tinh hoàn có thể gây vô sinh thứ phát

Xoắn tinh hoàn được xem là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa. Vì vậy đây là một bệnh lý nguy hiểm, nếu bệnh nhân không được xử lý kịp thời thì tinh hoàn có thể sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sinh lý của người bệnh.

Hiện nay có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ vô sinh thứ phát ở các bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn là rất cao. Vì số lượng tinh trùng giảm do cắt bỏ tinh hoàn hoặc xuất hiện kháng thể kháng tinh trùng làm giảm tính di động của tinh trùng với những trường hợp điều trị xoắn tinh hoàn muộn.

Trong trường hợp chẩn đoán được xoắn tinh hoàn sớm, tức là dưới 6h từ khi khởi phát đau, thì hầu như có thể tiến hành tháo xoắn tinh hoàn mà vẫn bảo tồn được tinh hoàn. Còn khi tình trạng thiếu máu tinh hoàn đã kéo dài và tinh hoàn có thể bị hoại tử cho dù một phần hay toàn bộ thì vẫn phải điều trị cắt tinh hoàn.

Tuy nhiên, ngay cả khi điều trị bảo tồn được tinh hoàn thì chức năng tinh hoàn cũng sẽ bị ảnh hưởng.Vì vậy phát hiện sớm ra bệnh xoắn tinh hoàn có vai trò rất lớn trong quá trình điều trị bệnh.

3. Những trường hợp cần tiến hành tháo xoắn tinh hoàn


Trẻ em có dấu hiệu giống với rối loạn tiêu hóa cần được kiểm tra chẩn đoán sớm
Trẻ em có dấu hiệu giống với rối loạn tiêu hóa cần được kiểm tra chẩn đoán sớm

Tháo xoắn tinh hoàn sẽ được chỉ định cho những trường hợp bị xoắn tinh hoàn, đặc biệt là các trường hợp người bệnh có những biểu hiện sau:

  • Phần lớn bệnh nhân bị đánh thức bởi một cơn đau chói ở bìu, vì vậy bệnh nhân thường nhớ rất rõ thời điểm xuất hiện cơn đau.
  • Bệnh nhân có thể nôn mửa và kèm theo đau.
  • Một số trường hợp xuất hiện các cơn đau ở hố chậu bên phải giống viêm ruột thừa.
  • Ở trẻ em có dấu hiệu giống với đau bụng thông thường do rối loạn tiêu hóa, vì vậy cần được chẩn đoán sớm tránh bỏ sót.
  • Bệnh nhân thường không có các triệu chứng nhiễm trùng.

4. Một số nguyên nhân gây ra xoắn tinh hoàn

  • Ở những bệnh nhân có bất thường về giải phẫu tinh hoàn như mạc treo tinh hoàn rộng, màng tinh hoàn rộng, thừng tinh quá ngắn hoặc quá dài. Những trường này rất dễ bị bệnh do phản xạ co cơ bìu đột ngột xảy ra.
  • Những trường hợp môi trường lạnh hay độ ẩm cao cũng dễ gây kích thích phản xạ co cơ bìu đột ngột.
  • Bệnh nhân bị chấn thương tinh hoàn do hoạt động thể thao hay hoạt động tình dục quá mạnh.

5. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi tháo xoắn tinh hoàn?


Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi tháo xoắn tinh hoàn
Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi tháo xoắn tinh hoàn

Với những trường hợp đã được chẩn đoán là xoắn tinh hoàn và được chỉ định tiến hành tháo xoắn tinh hoàn thì cần chuẩn bị như sau:

  • Nhịn ăn trước khi tiến hành tháo xoắn tinh hoàn;
  • Cạo lông bộ phận sinh dục để quá trình tháo xoắn tinh hoàn diễn ra thuận lợi hơn;
  • Thử test kháng sinh để đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của kháng sinh.

6. Tháo xoắn tinh hoàn được tiến hành như thế nào?

Trường hợp xoắn tinh hoàn đã thông qua khám lâm sàng và siêu âm Doppler mà không thể loại bỏ thì cần tiến hành mổ thăm dò để khẳng định chẩn đoán và xử trí thương tổn.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán kịp thời, tức trong vòng 6h thì cần tiến hành mổ cấp cứu càng sớm càng tốt. Có thể tiến hành tháo xoắn bằng tay trong quá trình chờ đợi và kiểm tra lại bằng siêu âm Doppler để đánh giá sự phục hồi và lưu thông của mạch máu.

Nếu như bệnh nhân đến muộn, tinh hoàn đã có dấu hiệu hoại tử và không có khả năng bảo tồn thì cần phải cắt tinh hoàn và cố định tinh hoàn bên đối diện để tránh xoắn tinh hoàn. Sau đó bệnh nhân sẽ được tiến hành đặt tinh hoàn nhân tạo vào một tháng sau mổ.

7. Các biện pháp phòng ngừa xoắn tinh hoàn


Máy siêu âm tinh hoàn để phát ra các bất thường về giải phẫu tinh hoàn nếu có
Máy siêu âm tinh hoàn để phát ra các bất thường về giải phẫu tinh hoàn nếu có

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ xoắn tinh hoàn thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và phát hiện sớm, giúp quá trình điều trị thu được kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó người bệnh nên đi siêu âm để phát ra các bất thường về giải phẫu tinh hoàn nếu có, để có thể có các biện pháp hạn chế tình trạng xoắn tinh hoàn.

Nếu như bệnh nhân đã có một hoặc nhiều cơn đau như dấu hiệu của xoắn tinh hoàn nhưng tự hết thì vẫn nên đi khám bác sỹ để đánh giá tình trạng của tinh hoàn để có các biện pháp điều trị cũng như dự phòng phù hợp, hạn chế nguy cơ xoắn tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy khi có những dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để phòng tránh bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần kiểm tra bìu của bé thường xuyên. Khám sớm khi có triệu chứng đau hay nghi ngờ < 6h để tránh phải cắt bỏ tinh hoàn. Nếu thấy bìu thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên thì cha mẹ cần phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe