Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Thai lưu liên tiếp có thể bị gây ra từ rất nhiều nguyên nhân. Nếu gặp phải tình trạng này, thì cha mẹ cũng đừng nên quá lo lắng. Việc xác định và hiểu rõ được chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai lưu liên tiếp sẽ giúp các cặp vợ chồng nhanh chóng thụ thai trở lại.
1. Khái niệm thai lưu liên tiếp
Thai lưu là hiện tượng thai nhi đã chết và bị lưu lại trong tử cung của người mẹ trên 48 giờ. Tình trạng này lặp đi lặp lại từ hai lần trở lên sẽ được gọi là thai lưu liên tiếp. Đây là một biến chứng vô cùng nguy hiểm và có thể xảy ra ở bất kì giai đoạn nào trong thai kỳ.
Để tránh gặp phải tình trạng thai lưu liên tiếp trong thai kỳ sau, các cặp vợ chồng nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ để tiến hành thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm phụ khoa, xét nghiệm HSG, xét nghiệm Antiphospholipid và Anticardiolipin ở người vợ và Halosperm tinh trùng ở người chồng để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.
2. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai lưu liên tiếp?
Có khoảng 20-50% trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân và còn lại đều xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân xuất phát từ phía người mẹ, chẳng hạn như đối với trường hợp thai phụ mắc phải các bệnh mãn tính như viêm thận, thiếu máu, suy gan, lao phổi, cao huyết áp, bệnh tim, vv... sẽ có khả năng thai lưu liên tiếp rất cao.
Bên cạnh đó, những thai phụ đang mắc phải các bệnh về nội tiết như Basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận cũng đều có nguy cơ gây ra hiện tượng thai lưu liên tiếp nhiều lần.
Đối với các thai phụ bị nhiễm độc thai nghén thì dù là nặng hay nhẹ đều sẽ có khả năng khiến thai nhi chết lưu khi còn trong bụng mẹ. Hiện tượng này cũng không loại trừ khả năng do thai phụ bị nhiễm các bệnh về ký sinh trùng như sốt rét ác tính, nhiễm vi khuẩn, vi rút, rối loạn miễn dịch hay rối loạn đông máu, vv...
Ngoài ra, hiện tượng thai lưu liên tiếp còn có nguyên nhân bắt nguồn từ chính bản thân thai nhi. Đó là những trường hợp mà thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, thai nhi quá nhỏ hoặc không phát triển ở tỉ lệ thích hợp, dẫn đến hiện tượng chết ngạt do thiếu hụt oxy.
Bên cạnh các nguyên nhân trên thì tình trạng nhiễm khuẩn từ giữa tuần 24 – 27 của thai kỳ cũng có thể dẫn đến hiện tượng thai lưu. Tuy nhiên, các bà bầu thường không thể phát hiện được tình trạng này trong lúc chẩn đoán cho đến khi chúng đã gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Những cặp vợ chồng có tiền sử thai lưu cũng đừng nên quá lo lắng vì tuy vẫn có trường hợp thai lưu liên tiếp nhưng các trường hợp này thường chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp so với tỉ lệ mang thai thành công.
3. Những biện pháp giảm nguy cơ thai lưu mà bà bầu nên biết
Không phải trường hợp thai lưu nào cũng có thể phòng ngừa, tuy nhiên các mẹ có thể làm giảm nguy cơ thai lưu bằng cách tránh hút hoặc ngửi khói thuốc lá, không uống rượu và những loại thức uống chứa cồn. Mẹ bầu nên xây dựng kế hoạch tăng cân hợp lý để tránh bị tiểu đường, thường xuyên tập thể dục và thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và các loại thức ăn nhanh.
Và đặc biệt hơn cả, bà bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của các bác sĩ. Bên cạnh đó, việc bổ sung acid folic đều đặn trong 3 tháng trước khi có thai sẽ giúp giảm được nguy cơ thai lưu hiệu quả hơn.
Người mẹ trước khi mang thai nên tham khảo Chương trình tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cũng như khám sức khỏe, xét nghiệm cũng như tầm soát những yếu tố nguy cơ bệnh có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, đặc biệt là đối với những sản phụ đã từng bị thai chết lưu trong lần mang thai trước để đảm bảo cơ thể đã sẵn sàng bước vào hành trình thai kỳ 9 tháng 10 ngày.
Trong quá trình mang thai, người mẹ luôn cần theo dõi sức khỏe của mình và thai nhi qua việc khám thai đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ. Trong việc sử dụng các chế phẩm thuốc cũng cơ thể mẹ đang mắc bệnh thì cần có sự tư vấn, thăm khám chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa Sản tránh để những tác động xấu từ bệnh tật cũng như các sản phẩm thuốc ảnh hưởng đến thai kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu biến chứng nào xảy ra, sản phụ cần được đưa đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị sớm để giảm thiểu hậu quả không đáng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.