Thai lưu có nguy hiểm không?

Có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu từ phía thai phụ hoặc từ bản thân thai nhi. Vậy thai lưu có nguy hiểm không và làm thế nào để nhận biết được thai chết lưu là câu hỏi được đặt ra.

1. Thai lưu là gì?

Các trường hợp thai nhi chết trong bụng mẹ trước khi sinh ra được gọi là thai lưu. Thai chết lưu thường tồn đọng trong tử cung người mẹ trong vòng 48 giờ rồi xổ ra ngoài. Mặc dù sảy thai và thai lưu đều được hiểu là thai nhi đã mất, tuy nhiên chúng được phân biệt dựa trên thời điểm mất mát xảy ra. Trường hợp thai nhi mất khi chưa được 20 tuần tuổi được tính là sảy thai, còn nếu thai nhi được trên 20 tuần thì sẽ gọi là thai chết lưu.


Thai lưu là tình trạng thai nhi đã mất
Thai lưu là tình trạng thai nhi đã mất

2. Thai lưu có nguy hiểm không?

Thai lưu không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể người mẹ mà còn gây ra những ảnh hưởng nhất định về tâm lý sau này. Đầu tiên, thai chết lưu nếu có thể lấy ra ngoài bằng cách chuyển dạ sinh ra thì thường không gây nguy hiểm cho người mẹ nếu được theo dõi y tế cẩn thận. Các trường hợp thai chết lưu không lấy ra được bằng cách chuyển dạ cần phải can thiệp lấy ra sớm nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Thai chết lưu trong cơ thể người mẹ lâu ngày có thể gây ra nhiễm trùng, rối loạn đông máu hoặc tử vong.

Thứ hai, thai chết lưu còn để lại những tổn thương nhất định về tinh thần cho người mẹ. Đây có thể là cú sốc và có thể gây ra những trở ngại về tâm lý như lo sợ cho những lần mang thai kế tiếp, những lo lắng ảnh hưởng đến lần sinh tiếp theo của người mẹ.

3. Nguyên nhân gây thai chết lưu

Thai lưu có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể xuất phát từ cả phía thai nhi cũng như phía người mẹ, đôi khi có những trường hợp thai chết lưu không xác định rõ được nguyên nhân gây ra. Sau đây là những nhóm nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thai chết lưu:


Thai có thể bị lưu do nhiều nguy nhân
Thai có thể bị lưu do nhiều nguy nhân

3.1. Nguyên nhân từ phía bố mẹ

  • Người mẹ trong quá trình mang thai không bổ sung đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi
  • Trong quá trình mang thai người mẹ hay lo âu, stress hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại
  • Tử cung người mẹ bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật hay bản thân người mẹ có các bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường.
  • Người mẹ mắc virus Rubella trong quá trình mang thai hoặc mắc hội chứng antiphospholipid, bố hoặc mẹ mắc bệnh giang mai.
  • Gia đình có tiền sử mắc các bệnh như huyết khối, thuyên tắc phổi, viêm tĩnh mạch huyết khối
  • Có sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi

3.2. Nguyên nhân từ phía thai nhi

  • Đa thai phát triển không đồng đều dẫn đến tình trạng chết lưu một hoặc tất cả thai.
  • Thai nhi chậm phát triển quá mức dẫn đến chết lưu.
  • Rối loạn nhiễm sắc thể do gen hoặc trong quá trình thụ thai
  • Dị tật thai nhi cũng là nguyên nhân khiến thai chết lưu

Đa thai có thể dẫn đến thai lưu
Đa thai có thể dẫn đến thai lưu

3.3. Một số nguyên nhân khác

  • Lượng nước ối bất thường hoặc quá ít khiến thai chết lưu
  • Các vấn đề của nhau thai như xơ hóa, rau bong non cũng có thể khiến thai chết lưu.

Ngoài ra, dây rốn quấn quanh cổ thai nhi cũng có thể là nguyên nhân gây ra thai lưu

4. Dấu hiệu nhận biết thai lưu

Thông thường thai chết lưu trong tử cung trong vòng 48 giờ, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau thai chết lưu ở trong tử cung của mẹ lâu hơn và có thể gây ra những nguy hiểm nhất định cho người mẹ như nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu... Vì vậy, các thai phụ nên chú ý những dấu hiệu nhận biết thai lưu sau đây để sớm đến cơ sở y tế và thăm khám kịp thời:

Thai chết lưu ở những giai đoạn đầu của thai kỳ rất khó nhận biết được. Nếu thai phụ thấy hiện tượng ra máu màu đỏ sẫm hơn bình thường, các dấu hiệu ốm nghén thuyên giảm và dần dần biến mất, đặc biệt bụng không có xu hướng to lên thì nên đi đến trung tâm y tế uy tín hoặc bệnh viện để kiểm tra ngay vì những dấu hiệu này có thể là dấu hiệu thai đã bị chết lưu.

Theo đó, thai chết lưu ở những giai đoạn sau dễ nhận biết hơn vì thời kỳ này thai nhi đã có những chuyển động nhất định. Nếu thai phụ không cảm nhận được sự di chuyển của thai nhi trong bụng, bụng không có chiều hướng to lên mà càng ngày càng nhỏ đi, ngực tiết sữa non, âm đạo ra máu đen thì có thể là thai đã chết lưu. Mẹ bầu cần đến bệnh viện kiểm tra và điều trị sớm, tránh để lâu ngày ảnh hưởng đến cơ thể.


Các triệu chứng của ốm nghén giảm dần là dấu hiệu của thai lưu
Các triệu chứng của ốm nghén giảm dần là dấu hiệu của thai lưu

5. Cách phòng ngừa thai lưu

Để phòng ngừa thai lưu xảy ra, thai phụ nên chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa trước và trong quá trình mang thai.

  • Trước khi mang thai: Khi có ý định mang thai, bạn nên đi khám sức khỏe sinh sản tổng quát để sớm phát hiện các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé trong quá trình mang thai.
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là axit folic nên uống bổ sung từ 1-3 tháng trước khi mang thai. Nếu bạn đang mắc một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp thì nên kiểm soát bệnh tốt tránh gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Ngoài ra nếu bạn đang bị béo phì thì nên giảm cân trước khi mang thai vì một số nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng béo phì cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
  • Sau khi mang thai: Trong quá trình mang thai, thai phụ nên ăn uống đầy đủ chất, giúp thai nhi phát triển toàn diện, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Bên cạnh đó, thai phụ nên đi khám thai định kỳ để sớm phát hiện những bất thường ở thai nhi nếu có.

Ngoài ra thai phụ cần bảo vệ bản thân trước các tác động xấu từ môi trường cũng như nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra nếu thấy cơ thể có những thay đổi bất thường khác.


Mẹ bầu nên tăng cường uống hoặc ăn các thực phẩm giàu axit folic
Mẹ bầu nên tăng cường uống hoặc ăn các thực phẩm giàu axit folic

Hầu hết phụ nữ Việt Nam hiện nay đều chỉ quan tâm tới sức khỏe của mình và em bé sau khi đã mang thai, trong khi việc chuẩn bị mang thai quan trọng hơn rất nhiều. Việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho việc chuẩn bị mang thai cho những cặp vợ chồng đang lên kế hoạch mang thai, cho những bố mẹ đã từng mang thai hoặc sinh con mắc các dị tật bẩm sinh hoặc những vấn đề liên quan đến các bệnh lý mạn tính, các bệnh lý sản phụ khoa, sảy thai, thai chết lưu... là hết sức quan trọng và cần thiết để giảm thiểu đến mức tối đa các nguy cơ có thể xảy ra trong lần mang thai tiếp theo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe