Testosterone là một hormone sinh dục có cả ở nam giới và nữ giới. Chức năng chính của hormon Testosterone là kiểm soát đời sống tình dục, điều tiết sự sản xuất tinh trùng và thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp cũng như tăng cường năng lượng cho cơ thể luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.
1. Mức testosterone bao nhiêu là bình thường?
Tùy thuộc vào tình trạng protein, chức năng tuyến giáp và các yếu tố khác mà mức bình thường của testosterone trong máu sẽ rất khác nhau. Cụ thể là:
Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA) cho biết, đối với nam giới, nồng độ testosterone bình thường là ít nhất 300 nanogram mỗi deciliter (ng/dL). Nếu dưới 300 ng/dL thì người đàn ông đó sẽ có mức testosterone thấp.
Theo Phòng thí nghiệm Mayo Clinic, đối với nữ giới từ 19 tuổi trở lên, mức testosterone bình thường sẽ dao động từ 8- 60 ng/dL. Nồng độ testosterone sẽ đạt đến đỉnh điểm vào khoảng 18-19 tuổi trước khi nó giảm dần trong suốt phần còn lại của tuổi trưởng thành.
Trong thời gian thai kỳ, testosterone là cần thiết cho sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của thai nhi trong bụng mẹ. Testosterone có khả năng kiểm soát sự phát triển của hệ thống sinh sản nam. Ngoài ra, nồng độ testosterone trong thai kỳ cũng ảnh hưởng tới chức năng não trái và phải của bé. Để não của thai nhi khỏe mạnh, nồng độ testosterone phải nằm trong giới hạn rất hẹp, nếu vượt quá mức độ cho phép, thai nhi có thể mắc chứng tự kỷ sau này.
Trong giai đoạn dậy thì, testosterone giúp hoàn thiện các chức năng thể chất cũng như hình dáng của một cậu bé, nó có thể giúp thay đổi giọng nói, vai mở rộng và cấu trúc khuôn mặt trở nên nam tính, mạnh mẽ hơn.
Ở phụ nữ tiền mãn kinh, testosterone được tạo ra chủ yếu ở buồng trứng, mức độ sẽ giảm dần sau khi mãn kinh (bắt đầu từ độ tuổi 45-55).
2. Vai trò của testosterone đối với sức khỏe của nữ giới
Trong suốt cuộc đời của người phụ nữ, nồng độ testosterone thay đổi liên tục một cách tự nhiên. Nó thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt và có thể không ổn định vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Những người phụ nữ có nồng độ testosterone thấp thường bị hạn chế việc sản xuất ra các tế bào máu mới, duy trì ham muốn tình dục và tăng mức độ của các hormone sinh dục khác trong cơ thể.
Testosterone là một loại hormon thuộc nhóm androgen, nồng độ của hormon này ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hồng cầu, khả năng sinh sản, ham muốn tình dục, quyết định khối lượng cơ bắp và sự phân bổ chất béo ở nữ giới.
Hầu như mọi người đều cho rằng testosterone là một hormone chỉ có ở nam giới và nó tượng trưng cho đặc tính nam. Tuy nhiên, sự thật là cả nam giới và nữ giới đều cần có một lượng testosterone nhất định. Nam giới sẽ có nồng độ testosterone cao hơn so với nữ giới. Ở nữ giới, nơi sản sinh ra một lượng nhỏ hormon này thường ở tuyến thượng thận và buồng trứng.
Theo kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Y khoa của Đại học Rochester, nồng độ testosterone ở nữ giới thường dao động trong khoảng từ 15 - 70 ng/dL. Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào quy định mức độ testosterone bao nhiêu là thấp ở nữ giới.
3. Testosterone thấp ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của nữ giới?
Những phụ nữ có mức độ testosterone thấp trong máu thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi, lờ đờ và thiếu sức sống. Sự thiếu hụt testosterone ở nữ giới có thể gây ra các triệu chứng dưới đây:
- Chậm chạp
- Yếu cơ
- Mệt mỏi thường xuyên
- Rối loạn giấc ngủ
- Giảm ham muốn tình dục
- Tăng cân
- Có vấn đề về sinh sản
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Mât mật độ xương
- Khô âm đạo
Những dấu hiệu và triệu chứng của testosterone thấp thường rất dễ nhận thấy, vì vậy bác sĩ có thể chẩn đoán được phụ nữ bị thiếu hormone testosterone thông qua những bệnh lý như phiền muộn, lo lắng, căng thẳng mãn tính, các bệnh lý về tuyến giáp, thời kỳ tiền mãn kinh chuyển sang mãn kinh.
4. Nguyên nhân gây ra suy giảm testosterone ở nữ giới
Nồng độ testosterone tự nhiên sẽ suy giảm dần theo độ tuổi và thời kỳ mãn kinh của phụ nữ. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này bao gồm:
- Thời kỳ mãn kinh và lão hóa dẫn tới giảm mức hormone testosterone trong máu.
- Các vấn đề về buồng trứng, tuyến yên hoặc tuyến thượng thận.
Tương tự như những hormon khác, chẳng hạn như estrogen (hormone nữ), testosterone cũng giảm tự nhiên theo độ tuổi. Tuổi càng cao thì nồng độ testosterone càng giảm, nhất là khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh. Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có nồng độ testosterone thấp hơn bởi vì buồng trứng tạo ra ít kích thích tố hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc chống lại tác dụng phụ của thời kỳ mãn kinh cũng có thể khiến mức testosterone bị giảm xuống. Ngoài ra, những rối loạn về buồng trứng, tuyến thượng thận cũng là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm testosterone ở nữ giới.
5. Vai trò của testosterone đối với sức khỏe của nam giới
Testosterone là hormone đóng vai trò hết sức quan trọng đối với mọi chức năng của nam giới, từ hệ thống sinh sản, hoạt động tình dục tới sự phát triển khối cơ và mật độ xương. Nó được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận. Các chức năng chính của hormon testosterone đối với sức khỏe nam giới, bao gồm:
Hệ thống nội tiết: hệ thống nội tiết của cơ thể bao gồm các tuyến sản xuất ra hormon. Khi cơ thể chưa được sinh ra, hormone testosterone đã bắt đầu hoạt động. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ phận sinh dục nam. Sang giai đoạn dậy thì, testosterone chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của các thuộc tính nam, chẳng hạn như giọng nói trầm, kích thích mọc râu và lông trên cơ thể. Bên cạnh đó, testosterone cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ bắp và hình thành ham muốn tình dục của nam giới.
Hệ thống sinh sản: dưới sự tác động của testosterone, bộ phận sinh dục nam sẽ được hình thành vào khoảng tuần thứ bảy của thai kỳ. Ở tuổi dậy thì, testosterone hoạt động mạnh mẽ giúp tinh hoàn và dương vật phát triển. Tinh hoàn sẽ tạo ra một lượng testosterone ổn định và cung cấp tinh trùng mới mỗi ngày.
Khả năng tình dục: nồng độ testosterone tăng cao trong giai đoạn dậy thì làm cho nam giới có nhiều cảm xúc ham muốn tình dục hơn trước.
Hệ thần kinh trung ương: testosterone cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc quyết định tới một số hành vi nhất định, ví dụ sự hung hăng và khả năng lãnh đạo. Ngoài ra, hormone này còn là thước đo khả năng cạnh tranh và giúp tăng cường lòng tự trọng.
Da và tóc: testosterone thúc đẩy sự hình thành và phát triển của tóc trên đầu, lông ở nách, xung quanh bộ phận sinh dục cánh tay, chân và ngực.
Cơ bắp, chất béo và xương: testosterone quyết định tới sự phát triển của cơ bắp, tương tác với các thụ thể trong gen, dẫn tới sự tổng hợp protein. Ngoài ra, testosterone còn giúp tăng mật độ xương, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu từ tủy xương.
6. Testosterone thấp ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của nam giới?
Testosterone được coi là “nhựa sống” của nam giới. Nếu thiếu hụt hormone này trong cơ thể, nam giới sẽ gặp không ít những rắc rối cả về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ:
Suy giảm về sinh lực:
- Thay đổi ngoại hình: testosterone bị suy giảm kéo theo tình trạng tóc và lông mỏng dần đi, cơ bắp bị chảy sệ, dễ bị béo bụng và tăng cân. Bên cạnh đó, khí sắc và phong độ của phái mạnh cũng giảm sút đi rất nhiều.
- Trầm cảm, khó ngủ: những người có testosterone thấp thường có dấu hiệu bị trầm cảm lâm sàng, tâm lý dễ cáu giận, nổi nóng, có xu hướng thích cô độc và thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ.
- Thể lực bị suy giảm: sự suy giảm testosterone khiến cho khối cơ bắp và sự dẻo dai bị yếu dần đi, sức bền giảm, trương lực cơ giảm khiến nam giới khó làm các công việc nặng.
- Gặp vấn đề về các hệ cơ quan: testosterone thấp gây mất tập trung, tâm trạng thất thường, hay mệt mỏi. Đặc biệt, có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như bệnh mạch vành, huyết áp cao, tiểu đường, loãng xương.
Suy giảm sinh lý:
- Giảm ham muốn: testosterone thấp khiến nam giới bị giảm ham muốn tình dục, không có cảm giác hứng thú với chuyện chăn gối, khi “yêu” khó đạt được cực khoái.
- Xuất tinh sớm: sự cương cứng của dương vật bị giảm và sự giữ tinh kém dẫn tới tình trạng xuất tinh sớm.
- Rối loạn cương dương
- Suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng
- Mãn dục sớm
7. Nguyên nhân gây suy giảm testosterone ở nam giới
Những nguyên nhân chính gây suy giảm testosterone ở nam giới bao gồm:
- Stress
- Quan hệ tình dục không điều độ
- Thường xuyên hút thuốc lá
- Thuốc điều trị bệnh như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc điều trị viêm loét dạ dày, khớp,...
- Các tác nhân từ bên ngoài môi trường như ô nhiễm không khí, hít phải khói bụi, các chất độc hại
- Thói quen có hại như thường xuyên thức khuya, sử dụng quá nhiều các thực phẩm có nhiều chất béo xấu như dầu mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ chứa chất bảo quản, uống nhiều bia rượu,...
8. Biện pháp khắc phục tình trạng suy giảm testosterone
Để có thể tăng cường testosterone cho cơ thể luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, cả nam giới và nữ giới cần lưu ý những điều sau:
- Cân bằng trọng lượng cơ thể bằng cách luyện tập thể dục thường xuyên
- Ngủ đủ giấc
- Bổ sung kẽm cho cơ thể
- Bổ sung đầy đủ vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày
- Sử dụng các chất béo lành mạnh như Omega -3, các loại dầu ô liu, dầu cỏ, dầu hạt cải, chất béo không bão hòa, lòng đỏ trứng,...
- Tránh lạm dụng các chất kích thích như rượu bia
- Bỏ hút thuốc lá
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com