Tập luyện thể dục và sức khỏe tim mạch

Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn đem lại rất nhiều lợi ích khác. Vì thế các bác sĩ thường khuyến khích mọi nên dành thời gian vận động, luyện tập thể thao mỗi ngày. Tuy nhiên, với những người có tiền sử về bệnh tim mạch cần cân nhắc lựa chọn các bài tập phù hợp để không xảy ra các tác dụng ngược lại, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

1. Sự khác nhau giữa vận động thể lực và tập thể dục là gì?

Vận động thể lực là sự co của cơ xương tạo thành sự vận động của cơ thể và đòi hỏi cần năng lượng. Tập thể dục là vận động thể lực có kế hoạch và được thực hiện nhằm đạt mục đích hay để duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể. Sự khỏe mạnh của cơ thể là mục tiêu phấn đấu của mỗi cá nhân khi vận động thể lực.

2. Hiệu quả của tập luyện thể dục là gì?

Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn cải thiện khả năng gắng sức, ngược lại tập thể dục tăng dần mức gắng sức đều đặn làm tăng dần sức bền. Những thay đổi này cho phép một người gắng sức ở cường độ tăng dần trong thời gian dài hơn với tần số tim thấp dần cho một gắng sức dưới mức tối đa. Đó là hiệu quả của sự luyện tập.


Duy trì tập thể giúp trái tim khỏe mạnh và tinh thần được thư giãn
Duy trì tập thể giúp trái tim khỏe mạnh và tinh thần được thư giãn

3. Những thay đổi tim mạch nào xảy ra khi tập thể dục?

Tập thể dục gây tăng nhịp tim và thể tích nhát bóp, làm tăng từ 4-6 lần cung lượng tim của người khỏe mạnh. Sự tăng nhịp tim liên quan đến giảm trương lực phó giao cảm và tăng trương lực giao cảm. Tần số tim tăng dần trong lúc gắng sức đến mức tối đa, có thể dự đoán bằng công thức sau: Tần số tim dự đoán tối đa = 220 – tuổi.

Thể tích nhát bóp tăng chừng 20% đến 50 % là kết quả của tăng lượng máu tĩnh mạch trở về do co cơ và sự làm trống thất trái nhiều hơn do tăng co bóp của cơ tim và giảm kháng lực mạch ngoại biên do giãn mạch khi gắng sức. Những giường mạch máu khác ngoài tim, não, cơ gắng sức có hiện tượng co mạch trong lúc gắng sức. Điều này, kết hợp với tăng cung lượng tim, làm tăng huyết áp tâm thu. Huyết áp tâm trương không đổi hay giảm nhẹ. Tập thể dục đẳng trường gây tăng cung lượng tim trung bình, phần lớn là do tăng nhịp tim. Cơ co thắt gây tăng kháng lực mạch ngoại biên và có thể làm tăng cả huyết áp tâm thu và tâm trương.

4. Những thay đổi tim mạch lâu dài nào xảy ra khi tập thể dục?

Khi chúng ta tập thể dục làm tăng cung lượng tim, lâu ngày dẫn đến dày nhẹ thất trái. Co mạch và tăng hậu tải khi thể dục tạo ra một tải áp lực dẫn đến phì đại thất mà không kèm theo giãn buồng thất


Khi tập thể dục sẽ kèm theo những thay đổi tim mạch
Khi tập thể dục sẽ kèm theo những thay đổi tim mạch

5. Cường độ gắng sức được định nghĩa như thế nào?

Cường độ gắng sức được định nghĩa là năng lượng đòi hỏi để thực hiện hoạt động thể lực trong đơn vị thời gian. Giá trị này có thể được đo trực tiếp bằng phân tích khí hô hấp để định lượng oxy lấy vào trong lúc gắng sức hoặc có thể được ước lượng bằng phương trình hồi quy chuẩn để ước tính năng lượng tiêu thụ ở mỗi mức gắng sức. Cường độ gắng sức cũng có thể được trình bày dưới dạng nhu cầu oxy lúc nghỉ (tương đương với chuyển hóa METs), một MET bằng lượng oxy tiêu thụ của một người thức, lúc nghỉ và tương đương với 3.5 ml O2/kg cân nặng/phút. Gắng sức nhẹ bao gồm những hoạt động đòi hỏi ít hơn 3 METs. Gắng sức trung bình gồm những hoạt động từ 3 đến 6 METs và gắng sức mạnh gồm những hoạt động đòi hỏi trên 6 METs

6. Tập thể dục bao nhiêu là đủ để đủ để duy trì tim mạch khỏe mạnh?

Những hướng dẫn hiện nay của Hội tim mạch Hoa kỳ (AHA) và trường Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ (ACSM) khuyến cáo tất cả những người lớn khỏe mạnh nên tập thể dục ngoài trời cường độ trung bình (ví dụ: đi bộ nhanh) ít nhất 30 phút, tối thiểu 5 ngày trong tuần hoặc tập thể dục ngoài trời cường độ mạnh (ví dụ: chạy bộ) ít nhất 20 phút, tối thiểu 3 ngày trong tuần. Ngoài ra, nên tập thể dục kháng lực ít nhất 2 ngày trong tuần. Những người muốn giảm cân hoặc cải thiện sự cân đối vừa vặn cần tập thể dục nhiều hơn. Quan trọng là tập thể dục không cần tập hết trong một lúc, có thể cộng dồn mỗi khoảng tập 10 hay 15 phút trong suốt cả ngày và tính là kết quả tập thể dục hàng ngày.


Đi bộ nhanh tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp duy trì tim mạch khỏe mạnh
Đi bộ nhanh tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp duy trì tim mạch khỏe mạnh

7. Tác động của tập thể dục trên các yếu tố nguy cơ tim mạch như thế nào?

Tập thể dục có những tác động có lợi trên huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máubéo phì. Ngoài ra, thể dục còn có lợi cho chức năng nội mạc, huyết khối, viêm và trương lực thần kinh tự chủ (Bảng 1)

Bảng 1. Tác động có lợi của tập thể dục kéo dài trên những yếu tố nguy cơ xơ vữa mạch

Chú thích: CRP: C-reactive protein; HDL: High-density lipoprotein, IL: interleukin; LDL: low-densitylipoprotein; NO: nitric oxide; TG: Triglyceride; TNF: tumor necrosis factor; HA: huyết áp.

Sau khi phân tích 33 nghiên cứu, người ta thấy rằng những người tham gia luyện tập thể lực mức độ trung bình 150 phút tuần đã giảm 14% nguy cơ bệnh tim mạch, còn những người luyện tập 300 phút tuần giảm 20%, khi so sánh với những người không luyện tập gì cả. Với những người luyện tập hơn 300 phút/tuần thì thậm chí chỉ giảm nguy cơ tim mạch dưới 20%, trong khi những người có luyện tập thể lực (nhưng ít hơn 150 phút/tuần) thì vẫn có thể giảm được nguy cơ tim mạch đáng kể hơn những người không luyện tập gì cả.

8. Có khi nào là quá muộn mà không được hưởng lợi từ việc tập thể dục?

Không có giới hạn về tuổi tác mà sau đó bệnh nhân không được hưởng lợi từ tập thể dục và dữ liệu hiện có cho thấy tập thể dục liên quan đến giảm tử vong ngay cả trên những người cao tuổi. Ngoài ra, những người không vận động nhưng sau đó chuyển sang có vận động thể lực cũng giảm được nguy cơ các biến cố tim mạch và giảm tử vong so với những người vẫn không tiếp tục vận động. Tập thể dục làm chậm đi, nhưng không ngăn được khả năng gắng sức giảm dần theo tuổi, tuy nhiên nó làm tăng khả năng gắng sức tối đa của một người ở bất kỳ tuổi nào. Quan trọng hơn nữa, tập thể dục lúc trẻ nhưng không duy trì suốt thời kỳ trưởng thành cũng không cải thiện được sự sống còn lâu dài. Do vậy việc tập thể dục thường xuyên và duy trì trong thời gian dài là rất quan trọng.


Tập thể dục giúp kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi
Tập thể dục giúp kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi

9. Tập thể dục có an toàn cho bệnh nhân có bệnh mạch vành không?

Câu trả lời là Có. Tập thể dục không những an toàn cho bệnh nhân có bệnh mạch vành mà còn đem lại nhiều lợi ích. Nhiều phân tích gộp từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân mạch vành tham gia vào chương trình phục hồi tim mạch giảm 20% nguy cơ tử vong và 25 % nguy cơ tử vong do tim mạch so với những người không tham gia chương trình tập luyện. Hơn nữa, bệnh nhân luyện tập thể dục còn cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như ít đau ngực hơn, ít thiếu máu cục bộ cơ tim hơn, tăng khả năng gắng sức và có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.

10. Bao nhiêu lâu sau nhồi máu cơ tim bệnh nhân có thể tham gia chương trình tập thể dục?

Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim ổn định về mặt lâm sàng có thể bắt đầu tham gia tập thể dục, đây là một phần của phục hồi tim mạch cho bệnh nhân nội trú trong vòng 1 đến 2 ngày sau nhồi máu cơ tim. Khởi đầu có thể bị hạn chế với những bài tập trong phạm vi hoạt động nhưng sau đó sẽ tăng nhanh đến đi bộ có trợ giúp. Những hoạt động được tăng dần để hầu hết bệnh nhân có thể tự làm được những công việc trong sinh hoạt hàng ngày khi xuất viện. Theo hướng dẫn hiện nay của AHA/ACC đề nghị giới thiệu tất cả những bệnh nhân ổn định sau nhồi máu cơ tim tham gia chương trình phục hồi tim mạch ngoại trú chính quy. Điều này đặc biệt đúng cho những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch và những bệnh nhân nguy cơ cao hoặc trung bình. Một chương trình tập luyện có giám sát là phù hợp cho những bệnh nhân này. Bệnh nhân ổn định thường có thể tham gia vào những chương trình này 2-3 tuần sau nhồi máu cơ tim, cần xin ý kiến bác sỹ mỗi khi tham gia các hoạt động thể thao.


Người bệnh có thể quay trở lại chương trình tập thể dục từ 1 đến 2 ngày sau khi nhồi máu cơ tim
Người bệnh có thể quay trở lại chương trình tập thể dục từ 1 đến 2 ngày sau khi nhồi máu cơ tim

11. Tập thể dục có an toàn cho bệnh nhân suy tim không?

Câu trả lời là có an toàn với bệnh nhân suy tim còn bù và không sung huyết. Ảnh hưởng huyết động của thể dục đẳng trương (tăng thể tích nhát bóp, giảm kháng lực mạch tâm thu) có lợi trên những bệnh nhân có chức năng tâm thu thất trái giảm và những giữ liệu gần đây cho thấy luyện tập thể dục là an toàn. Mặc dù trước đây tránh thể dục đẳng trường ở bệnh nhân suy tim nhưng dữ liệu gần đây cho thấy luyện tập kháng lực mức độ nhẹ đến trung bình cũng dung nạp tốt ở bệnh nhân suy tim và cũng mang lại những lợi ích tương tự như người khỏe mạnh.

12. Có những yếu tố nguy cơ nào cho tim mạch khi tập thể dục?

Nhìn chung, nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch liên quan đến tập thể dục ở người khỏe mạnh là rất thấp, thay đổi phụ thuộc vào tuổi, giới, sự khỏe mạnh của cơ thể và tình trạng bệnh tật. Hầu hết những biến cố có liên quan đến bệnh tim cấu trúc hay bệnh tim bẩm sinh ở những vận động viên trẻ (ví dụ: bệnh cơ tim phì đại, bất thường mạch vành, bệnh loạn sản thất phải) hoặc bệnh mạch vành ở những người lớn tuổi. Tập thể dục với cường độ rất mạnh liên quan đến tăng nhất thời nhồi máu cơ tim và đột tử do tim, đặc biệt những người ít vận động có bệnh mạch vành tiềm ẩn.


Tập luyện quá sức có thể dẫn đến đột tử do tim
Tập luyện quá sức có thể dẫn đến đột tử do tim

13. Có nên sàng lọc bệnh nhân trước khi tham gia vào chương trình tập luyện thể dục không?

Theo hội tim mạch Mỹ khuyến cáo sàng lọc những vận động viên ở trường trung học và đại học bằng cách hỏi tiền sử cá nhân và gia đình, khám thực thể tim mạch trước khi thi đấu thể thao và sau đó mỗi 2-4 năm. Những test chuyên sâu hơn không cần làm nếu không có những bất thường gợi ý. Nhìn chung những người khỏe mạnh, không có triệu chứng của bệnh tim mạch có thể tham gia chương trình thể dục có cường độ từ thấp đến vừa và không cần sàng lọc trước. Tuy nhiên nên cân nhắc làm trắc nghiệm gắng sức trước khi tập thể dục cho nam trên 45 và nữ trên 55 tuổi không có triệu chứng (đặc biệt những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay đái tháo đường) mà những người này dự định tham gia tập thể dục với cường độ mạnh, ở những người có bệnh mạch vành và những người có triệu chứng liên quan đến gắng sức gợi ý khả năng có bệnh mạch vành.

14. Những ai không được tham gia chương trình luyện tập thể dục?

Một số đối tượng đặc biệt tuyệt đối không được tham gia luyện tập thể dục gồm bệnh động mạch vành không ổn định, suy tim mất bù, hẹp van tim có triệu chứng, tăng huyết áp nặng (huyết áp trên 180/110mmHg) và rối loạn nhịp không kiểm soát được.

Việc luyện tập thể dục sẽ có tác dụng rất tốt với tất cả mọi người, đặc biệt những người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên để việc luyện tập thể dục có hiệu quả thì người bệnh cần cân nhắc lựa chọn các bài tập phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  1. American Association of Cardiovascular and Pulmonary Rehabilitation; http://www.aacvpr.org
  2. American College of Sports Medicine: http://www.acsm.org
  3. Balady GL, Ades PA: Exercise and sports cardiology. In Libby P, Bonow R, Mann D, et al, editors: Braunwald’s heart disease: a textbook of cardiology, ed8, Philadelphia, 2008,Saunders.
  4. Glenn N. Levine, MD, FACC, FAHA: Tim mạch học những điều cần biết 2011.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe