Bài viết của Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nguyễn Thị Yến – Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Con hoặc học sinh của bạn là trẻ hay quên hoặc dễ mắc lỗi; có nhiều khác biệt về tư duy và khả năng học hỏi; trẻ chưa nói hoặc có rất ít lời nói; có những sở thích, cách giao tiếp đặc biệt... Làm thế nào tạo động lực học cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt như vậy?
Điều gì sẽ xảy ra khi trẻ chưa nói được nhưng thường xuyên bị ép nói? Khi trẻ chưa thể viết nhưng bạn lại yêu cầu trẻ ngồi viết hết một trang giấy? Khi trẻ thường xuyên bị nhắc nhở vì lỗi sai của mình? Bạn đã từng thấy hoặc biết đến một em bé không làm bài tập vì sợ làm sai; hay không nói vì sợ bị ép nói hay chưa? Việc phải làm những điều không mong muốn đó sẽ khiến trẻ cảm thấy thật khó chịu, khiến trẻ cảm thấy “thất bại” và “không đủ tốt”, trẻ “không muốn cố gắng” làm bất cứ điều gì. Vậy điều gì khiến trẻ có thể duy trì được hứng thú với một hoạt động nào đó? Trẻ có sẵn sàng làm lại một công việc nhiều lần hay không? Khả năng duy trì hứng thú, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn phụ thuộc rất lớn vào động lực của bản thân trẻ.
Điều này cũng tương tự như việc bạn rơi vào một tình huống như: “Rất thích làm một việc nào đó, bạn đã cố gắng thực hiện nhưng thất bại. Bạn cố gắng thử làm một lần nữa và lại thất bại. Những người xung quanh nói:Bạn làm sai rồi, phải làm khác đi...” Lúc đó, bạn có còn tự tin rằng mình sẽ làm được, bạn làm thế nào để duy trì trạng thái hăng hái như lúc bạn mới bắt đầu công việc? Trẻ có nhu cầu đặc biệt thường ở trong trạng thái này. Vậy để tạo động lực học cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt như nói ở phía trên, chúng ta có thể bắt đầu như thế nào?
1. Động lực là gì?
Động lực là mong muốn mạnh mẽ để làm một việc gì đó. Động lực giúp trẻ duy trì và tiếp tục một hoạt động ngay cả khi trẻ gặp khó khăn hoặc thất bại. Thông thường, sẽ có một phần thưởng liên quan đến hoạt động mà trẻ đang thực hiện. Đó có thể là phần thường bên ngoài, ví dụ: đồ ăn, đồ chơi...; cũng có thể là phần thưởng bên trong, ví dụ: sự khen ngợi, ghi nhận của mọi người... Phần thưởng khiến trẻ cảm thấy những việc khó khăn con đang trải qua là xứng đáng và được tiếp thêm động lực. Một đứa trẻ có động lực sẽ có xu hướng tiếp tục thực hiện các công việc khác ngay cả khi gặp khó khăn. Trẻ sẽ chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập của mình mà không cần người khác nhắc nhở hoặc yêu cầu.
2. Làm thế nào tạo động lực học tập cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt?
Trẻ em có nhu cầu đặc biệt luôn cần động lực để có thể thử và làm lại các hoạt động mà trẻ chưa đạt trước đó. Nếu trẻ chưa từng có cảm giác được “chiến thắng”, bạn sẽ cần hỗ trợ trẻ nhiều hơn. Một số cách để tăng cường động lực học tập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, bạn có thể tham khảo như:
2.1. Giúp trẻ có được cảm giác thành công
“Cảm giác thành công” không chỉ là việc hoàn thành hay kết thúc một nhiệm vụ mà là từng khoảnh khắc tích cực trẻ có được trên con đường hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ví dụ: Khi trẻ đang học kỹ năng đi giày, không cần đợi đến khi trẻ biết cách tự đi giày hoàn chỉnh mà ngay khi trẻ bắt đầu biết chủ động kéo dây dán giày, mẹ đã có thể khen ngợi và động viên con. Lúc này, trẻ sẽ có được “cảm giác thành công” và cảm xúc tự tin, tích cực để tiếp tục bước tiếp theo của nhiệm vụ.
Một số cách để hỗ trợ trẻ có được“cảm giác thành công”
- Giảm độ khó của nhiệm vụ mà trẻ đang làm. Ví dụ: Thay vì để trẻ tự đi xong đôi giày, bạn chỉ cần trẻ biết cách dán dây cho đôi giày là đủ.
- Giảm thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ: Thay vì yêu cầu trẻ ngồi học liên tục 30 phút, bạn có thể cho phép trẻ sau 10 phút có thời gian giải lao ngắn.
- Khen ngợi hành động cụ thể của trẻ. Ví dụ: Thay vì khen chung chung “con giỏi quá” thì bạn có thể nói “ôi, con đã tự dán dây giày rồi”. Việc kết hợp cử chỉ điệu bộ, cảm xúc trong khi khen trẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, không nên khen trẻ một cách thái quá như khen quá nhiều, quá mức.
2.2. Ghi nhận mọi nỗ lực của trẻ
Bạn hãy quan tâm đến “quá trình” làm thế nào trẻ thực hiện được nhiệm vụ chứ đừng chỉ quan tâm tới “kết quả”. Trẻ có thể chưa nói đúng từ đích mà bạn muốn dạy nhưng đã cố gắng bắt chước và phát âm theo bạn, điều này thật đáng khen ngợi và tự hào. Ngoài ra, bạn hãy dành thời gian quan sát cách trẻ đang học và tìm cách để “dạy” theo cách mà trẻ “học tốt”.
Khi trẻ làm được, khen ngợi cũng là cách tốt để bạn cho trẻ biết bạn thực sự quan tâm tới trẻ và hiểu trẻ đã cố gắng như thế nào.
2.3. Tập trung vào giải pháp, thay vì tìm lỗi
Với trẻ có nhu cầu đặc biệt, có thể bạn sẽ luôn nhìn thấy những điều cần phải “dạy”, cần “hỗ trợ”. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào việc “sửa lỗi”, trẻ sẽ có cảm giác trẻ chẳng bao giờ làm đúng. Nếu bạn tập trung vào việc “tìm giải pháp cho lần tiếp theo”, trẻ sẽ luôn có những ý tưởng và cách thức mới để thực hiện nhiệm vụ của mình.
2.4. Dạy học dựa trên điểm mạnh
Dạy học dựa trên điểm mạnh chính là lấy những thứ trẻ thích, trẻ quan tâm, trẻ làm được để dạy những kỹ năng trẻ chưa biết, chưa làm được. Bởi mỗi đứa trẻ có những ưu điểm và cách học riêng. Có trẻ không viết tốt nhưng đọc tốt; hoặc trẻ học qua hình ảnh tốt nhưng đọc chữ không tốt. Lúc này, không phải cần khắc phục lỗi mà là tìm cách để trẻ thực hiện nhiệm vụ theo cách mà trẻ có thể làm tốt. Ví dụ: Trẻ có thể làm bài tập ở trường bằng cách sử dụng hình ảnh thay vì viết chúng ra.
Hãy thử áp dụng các phương pháp nói trên, bạn sẽ có thể đồng hành một cách tích cực trên con đường tạo động lực học cho trẻ có nhu cầu đặc biệt và giúp trẻ có nhiều tiến bộ trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.