Táo bón - Nỗi lo không phải của riêng ai (Phần 1)

PHẦN 1: TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN
Táo bón là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở nước ta, hầu như ai cũng đã từng bị táo bón vào một thời điểm nào đó trong đời. Táo bón lại thường là dấu hiệu của nhiều loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải. Táo bón gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già và do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Táo bón kéo dài làm cho người bệnh nhức đầu, mất ngủ, đầy bụng, chướng hơi, trẻ em kém ăn, quấy khóc, người lớn ăn không ngon, không muốn ăn nên luôn cảm thấy mệt mỏi, chán, buồn bực và suy giảm sức khỏe. Nếu để lâu không chữa sẽ dẫn đến mắc một số bệnh rất khó chữa khỏi hoàn toàn, thậm chí có thể biến chứng thành ung thư, như trĩ, phình đại tràng (thông thường ở trẻ em), nứt kẽ hậu môn, viêm nhiễm hậu môn, trực tràng v.v.. .

TRIỆU CHỨNG

- Thông thường khi bị táo bón, người bệnh đi đại tiện dưới ba lần mỗi tuần, ở mức độ nặng hơn có khi dưới một lần/tuần. Người bệnh buồn mà không đi đại tiện được, có khi thấy từng cơn đau quặn bụng, phân khô cứng màu đen hay vón cục. Muốn đại tiện phải rặn mạnh, nhiều khi bật cả máu tươi, đau rát do đã bị trĩ và nứt kẽ hậu môn. Đa phần trường hợp thấy sau khi đại tiện xong vẫn có cảm giác muốn đi tiếp và cảm thấy vẫn còn phân trong ruột, không thấy thoái mái. Ở trẻ em có sự thay đổi về số lần đại tiện của các cháu theo từng lứa tuổi, phân rắn và khô, ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như trẻ rất khó khăn khi đại tiện, đau, khóc khi đại tiện, trẻ ngại đi đại tiện, ngồi nhón chân, tư thế khi đại tiện không thoải mái. Ngoài ra, những phụ nữ có thai, mới sinh con và người cao tuổi cũng là những đối tượng dễ bị táo bón và khó chữa hơn cả.

NGUYÊN NHÂN

Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, trong đó có những nguyên nhân trực tiếp như do tình trạng bệnh lý của hệ thống tiêu hóa; lại có những nguyên nhân gián tiếp và những yếu tố tác động làm thay đổi chức năng sinh lý của hệ thống tiêu hóa tạo thành. Nhìn chung có thể tổng hợp thành một số nhóm nguyên nhân gồm:

- Do bệnh lý thực thể nào đó tại đường tiêu hóa như bị phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ nhỏ, khối u đại tràng, u đường tiêu hóa...bệnh ngoài đường tiêu hóa như khối u, ung thư một số bộ phận khác của cơ thể gây chèn ép như ung thư gan, u thận, buồng trứng v.v... Các bệnh toàn thân như suy giáp trạng, tăng canxi máu, giảm chức năng tuyến giáp, nhiễm độc chì, một số bệnh lý thần kinh như Parkinson, tâm thần... gây lo nghĩ nhiều, tức giận, buồn phiền. Với phụ nữ có thai chủ yếu do thay đổi nội tiết, chèn thai vào đại tràng ảnh hưởng sự co thắt và lưu thông. Ở người cao tuổi do giảm sự co thắt của đường tiêu hóa, mặt khác họ thường bị mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp v.v..Đối với trẻ em khi bị một số bệnh như tắc ruột, lồng ruột, viêm màng não cũng thấy dấu hiệu bị táo bón..

- Do dinh dưỡng: những người bị táo bón chủ yếu do chế độ ăn không hợp lý, nhất là những người ăn ít xơ. Chất xơ là một tác nhân hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình tiêu hóa và tăng sự co bóp của dạ dầy, kích thích vận động đường tiêu hóa, làm mềm phân và là nơi mà các sinh vật có lợi làm tổ và sinh sống. Các vi sinh vật này trong quá trình cộng sinh tại ruột sẽ sản sinh ra các enzim giúp cho thức ăn được tiêu hóa, đồng thời cạnh tranh với các vi sinh vật có hại, giúp cơ thể chống và đào thải các vi sinh vật có hại làm cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh. Vì vậy những người có chế độ ăn kiêng nhiều cũng dễ bị táo bón như phụ nữ mang thai, sinh đẻ, người già ngại ăn chất xơ, các cháu nhỏ thiếu ăn, trẻ suy dinh dưỡng, sử dụng sữa ngoài bú mẹ hay ăn chế độ ăn dặm không hợp lý. Một khảo sát cho thấy, có tới 29%-48% trẻ bị táo bón là do ăn uống cầu kỳ và 47% có hiện tượng ăn uống kém ngon miệng và 25-%-35% bệnh nhân đến khám tiêu hóa-dinh dưỡng gặp các vấn đề về táo bón. (1) .

- Uống ít nước: Trong cơ thể con người, nước chiếm tỷ lệ cao tới 60%-70% trọng lượng cơ thể, tỷ lệ nước ở trẻ còn cao hơn, nhất là trẻ sơ sinh. Trong quá trình tiêu hóa, nước đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển các chất cặn bã đến cơ quan bài tiết để đào thải ra khỏi cơ thể, giúp cho ăn uống dễ tiêu hóa hơn. Lượng nước này một phần do bữa ăn cung cấp, một phần do chuyển hóa chất trong cơ thể mang lại và qua đường uống. Nhu cầu về nước rất khác nhau theo lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em và tình trạng cơ thể, bệnh lý, thời tiết.

- Do tâm lý và thói quen sinh hoạt: đây là một trong những yếu tố thuận lợi để dễ bị táo bón. Thói quen nhịn đi đại tiện, một số ngành nghề đòi hỏi phải ngồi lâu, bất động như thợ may, nhân viên văn phòng, lái xe. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc nặng nề, tâm lý căng thẳng quá mức, trong khi đó họ lại ít vận động, không thể thao, nhất là đối với phụ nữ mang thai và người già. Đối với các cháu nhỏ bị thay đổi điều kiện, môi trường sống, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều nơi chưa thật sự chủ ý đến các điều kiện sinh hoạt của các cháu, bên cạnh đó, do tâm lý sợ thày, cô giáo, xấu hổ khi nói đến vệ sinh nên nhiều khi nhịn đại tiểu tiện, một số trẻ sợ bẩn, sợ thối nên đại tiện không đều cũng là những yếu tố làm tăng trẻ bị táo bón.

- Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như do bị bệnh phải dùng một số loại thuốc có tác dụng gây táo bón, như dùng kháng sinh lâu ngày, các thuốc giảm đau, các thuốc kháng acid chứa nhôm và calcium, các thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh calcium), thuốc giảm co thắt, thuốc lợi tiểu v.v.. cũng là những nguyên nhân gây táo bón mà đã được rất nhiều y bác sỹ khuyến cáo và nhiều người sử dụng thuốc phản ánh.

PGS. TS. Thầy thuốc ưu tú Đỗ Ngọc Tấn

Trung tâm Ngoại tiêu hóa – hậu môn – trực tràng

(Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec)

PHẦN 2: CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ


(1) BS Nguyễn Thị Thu Hậu, trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện Nhi đồng II

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe