Tăng kali máu và những kiến thức cơ bản cần biết

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Triệu chứng chính của tăng kali máu là yếu cơ. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị tăng kali máu thì sẽ chỉ định làm xét nghiệm để kiểm chứng. Việc điều trị, xử trí tăng kali máu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh.

1. Tăng kali máu là gì?

Tăng kali máu là 1 thuật ngữ y khoa cho trường hợp có quá nhiều kali trong máu của người bệnh. Ở những người bị tăng kali máu, cơ thể sẽ giữ rất nhiều kali. 1 người có thể bị tăng kali máu nếu thận của họ không hoạt động tốt hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Hầu hết các loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp hoặc các bệnh lý về tim đều có thể gây tăng kali máu:

  • Thuốc ức chế men chuyển: Ví dụ như Enalapril, Captopril và Lisinopril;
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin: Ví dụ như Irbesartan (tên thương mại: Avapro), Valsartan (tên thương mại: Diovan) và Aliskiren (tên thương mại: Tekturna)
  • Thuốc đối kháng Aldosterone: Ví dụ như spironolactone (biệt dược: Aldactone);
  • Một số thuốc chẹn beta, chẳng hạn như propranolol (tên thương mại: Inderal) hoặc Labetalol (tên thương mại: Normodyne);
  • NSAID (thuốc kháng viêm không steroids): Bạn có thể mua một số loại NSAID tại các hiệu thuốc mà không cần đơn. NSAID là một nhóm lớn thuốc bao gồm như Ibuprofen (biệt dược: Advil, Motrin), Naproxen (biệt dược: Aleve) và Celecoxib (biệt dược: Celebrex),...
  • Digoxin (tên thương mại: Lanoxin).

2. Các triệu chứng của tăng kali máu

Triệu chứng chính của tăng kali máu là yếu cơ. Tình trạng yếu cơ thường bắt đầu ở chân, sau đó lan ra giữa cơ thể và cánh tay. Tăng kali máu cũng có thể làm cho tim đập quá chậm hoặc quá nhanh, thậm chí gây ra ngưng tim.


Tăng kali máu là 1 thuật ngữ y khoa cho trường hợp có quá nhiều kali trong máu của người bệnh
Tăng kali máu là 1 thuật ngữ y khoa cho trường hợp có quá nhiều kali trong máu của người bệnh

3. Có xét nghiệm kiểm tra tình trạng tăng kali máu không?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị tăng kali máu thì sẽ chỉ định làm xét nghiệm để kiểm chứng. Ngoài xét nghiệm máu thì bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn đo điện tim (ECG) để nhận diện ảnh hưởng của tăng kali máu trên tim, từ đó đưa ra biện pháp điều trị tăng kali máu phù hợp.

4. Điều trị tăng kali máu như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp tăng kali máu, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn thay đổi chế độ ăn uống hoặc sử dụng thuốc men.

Để điều trị tăng kali máu, bạn sẽ cần ăn một chế độ ăn có rất ít kali. Nghĩa là bạn cần ăn nhiều những thức ăn có ít kali (bảng 1) và ăn ít những thức ăn có nhiều kali (bảng 2). Bác sĩ điều trị có thể sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng, người có thể giúp bạn lập kế hoạch cho các bữa ăn ít kali 1 cách phù hợp nhất.

Nếu tình trạng tăng kali máu do 1 trong các loại thuốc bạn đang sử dụng thì bác sĩ sẽ cân nhắc việc giảm liều lượng hoặc cho bạn chuyển sang sản phẩm khác ít có khả năng gây tăng kali máu hơn.

Bảng 1: Thức ăn có chứa ít Kali

Tăng kali máu và những kiến thức cơ bản cần biết

Bảng 2: Thức ăn có chứa nhiều Kali

Tăng kali máu và những kiến thức cơ bản cần biết

4. Tăng kali máu có thể ngăn ngừa được không?

Nếu bạn bị bệnh thận thì có thể giảm nguy cơ tăng kali máu bằng cách ăn chế độ ít kali và tuân thủ việc uống thuốc theo toa của bác sĩ.

Ngoài ra, cần tuân thủ 1 lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và theo dõi sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật hiệu quả và an toàn. Trong trường hợp được chẩn đoán thì cũng không nên quá lo lắng, hãy bình tĩnh trao đổi với bác sĩ để tìm ra cách xử trí tăng kali máu phù hợp và hiệu quả nhất.

Tài liệu tham khảo: Uptodate - Patient education: Hyperkalemia (The Basics)

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe