Tăng huyết áp trong bệnh thận mạn: Khuyến cáo cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh An - Bác sĩ Can thiệp tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh suy thận mạn là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp nhất và ngược lại tăng huyết áp lại là yếu tố nguy cơ độc lập đối tiến triển của bệnh suy thận mạn và tử vong tim mạch ở bệnh nhân suy thận mạn. Cần phải kiểm soát được huyết áp để tránh bị suy thận mạn. Đồng thời cần điều trị tốt suy thận mạn mới hạn chế được tăng huyết áp.

1. Mối liên quan giữa tăng huyết áp và suy thận mạn

Tăng huyết áp có ở khoảng 80 - 85% bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính (chronic kidney disease-CKD). Tỷ lệ tăng huyết áp tăng ở những bệnh nhân bị tổn thương thận và có mức lọc cầu thận bình thường (GFR) và tăng hơn nữa khi có GFR giảm. Ví dụ, dữ liệu từ nghiên cứu “the Modification of Diet in Renal Disease Study” cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp tăng dần từ 65 lên 95% khi GFR giảm từ 85 xuống 15 mL/phút/1,73 m2. Đối với những bệnh nhân không bị bệnh thận, tỷ lệ tăng huyết áp cũng cao hơn ở những bệnh nhân có cân nặng cao hơn và ở những bệnh nhân da đen.

Một loạt các yếu tố có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tăng huyết áp ở bệnh nhân CKD:

  • Giữ natri thường có tầm quan trọng hàng đầu, mặc dù mức độ ứ trệ thể tích ngoại bào có thể không đủ để gây phù.
  • Tăng cường hoạt động của hệ thống renin-angiotensin thường ít nhất là một phần nguyên nhân gây ra tăng huyết áp, kéo dài sau khi phục hồi thể tích dịch bình thường, đặc biệt ở những bệnh nhân bị bệnh mạch máu, vì thiếu máu cục bộ ở thận là một kích thích tiết renin mạnh mẽ. Thiếu máu cục bộ khu vực do sẹo cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
  • Tăng huyết áp có thể là một nguyên nhân gây bệnh (ví dụ, bệnh tăng huyết áp xơ vữa mạch thận) hoặc yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh thận.
  • Tăng huyết áp có thể do tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Tín hiệu hướng tâm có thể phát sinh một phần bên trong thận bị suy vì nó không được thấy ở những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cắt thận hai bên.
  • Cường cận giáp thứ phát làm tăng nồng độ canxi nội bào, có thể dẫn đến co mạch và tăng huyết áp. Giảm tiết hormone tuyến cận giáp bằng cách sử dụng lâu dài một chất tương tự vitamin D hoạt tính có thể làm giảm cả canxi nội bào và huyết áp hệ thống.
  • Điều trị erythropoietin có thể làm tăng huyết áp, một tác động có liên quan một phần đến mức độ tăng hematocrit.
  • Suy giảm tổng hợp oxit nitricgiãn mạch qua trung gian nội mô đã được chứng minh ở những bệnh nhân bị tăng urê máu.

Nếu bị suy thận mạn, bệnh tăng huyết áp làm cho bệnh thận càng tăng nặng
Nếu bị suy thận mạn, bệnh tăng huyết áp làm cho bệnh thận càng tăng nặng

2. Cách ngăn chặn và điều trị suy thận

Khi bị tăng huyết áp mà không điều trị đúng để lâu ngày thì nguy cơ bị suy thận mạn là chắc chắn. Đến khám bệnh các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng thận bao gồm:

  • Định lượng creatinin máu để đánh giá khả năng lọc máu của thận từ đây có thể biết chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu xem có protein không, khi có protein trong nước tiểu là một dấu hiệu cho thấy thận đã bị tổn thương, lượng protein càng cao chứng tỏ thận bị tổn thương càng nặng và bạn có thể bị tổn thương cả tim.
  • Nếu đã bị suy thận thì bên cạnh xét nghiệm kiểm tra GFR và protein nước tiểu cần phải làm thêm các xét nghiệm: Siêu âm để kiểm tra thận xem có vấn đề bất thường về kích cỡ, cấu trúc hoặc có tắc nghẽn, điện tâm đồ kiểm tra chức năng tim, xét nghiệm glucose, lipid (mỡ, cholesterol) trong máu, kiểm tra cân nặng và chiều cao để tính chỉ số BMI.

Khi đã theo một phác đồ điều trị ổn định, có thể không cần đi khám bệnh thường xuyên. Bệnh nhân chỉ cần gặp bác sĩ trong các trường hợp: bắt đầu dùng một loại thuốc mới, phải thay đổi liều dùng của thuốc, bệnh thận tổn thương nặng hơn, không thể kiểm soát được huyết áp...

Giai đoạn này ngoài các xét nghiệm đánh giá mức độ suy thận, bệnh nhân còn được đo lượng kali trong máu, vì khi thận bị suy lượng kali có thể tăng cao trong máu, rất nguy hiểm cho tim.


Khi bị tăng huyết áp mà không điều trị đúng để lâu ngày thì nguy cơ bị suy thận mạn là chắc chắn
Khi bị tăng huyết áp mà không điều trị đúng để lâu ngày thì nguy cơ bị suy thận mạn là chắc chắn

3. Điều trị khi mắc đồng thời tăng huyết áp và suy thận mạn

Mục tiêu điều trị cần đạt được là: kiểm soát huyết áp dưới 130/80mmHg, ngăn chặn thận không bị tổn thương nặng thêm, giảm nguy cơ bị bệnh tim. Để đạt được những mục tiêu này cần tuân theo một phác đồ điều trị phù hợp với bệnh suy thận mạn.

Cần kết hợp ăn kiêng và thực hiện một lối sống phù hợp với từng giai đoạn suy thận:

  • Nếu ở giai đoạn 1-2 bạn ăn chế độ nhiều trái cây, rau, bơ sữa.
  • Ở giai đoạn 2-3 cần phải ăn nhạt dưới 2.400mg mỗi ngày, giảm chất béo và cholesterol vì chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Giai đoạn 3-4 để hạn chế những bệnh về xương, cần kiểm soát lượng protein, ăn rất ít thức ăn chứa nhiều photpho (vì nó sẽ làm tăng nguy cơ về bệnh xương) như sữa, phô mai, sữa chua, bia, coca, giảm lượng kali trong bữa ăn.
  • Ngoài ra, cần phải giảm cân nếu đang béo quá, nên tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, không uống rượu bia, không dùng thuốc lá.

Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp phối hợp từ hai loại trở lên, kèm theo thuốc lợi tiểu. Tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc. Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp và suy thận mạn cũng có thể làm tăng lượng kali. Bác sĩ sẽ chỉ định thực đơn ăn kiêng nếu lượng kali trong máu tăng cao.

Tránh để tình trạng tăng huyết áp gây suy thận làm cho việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Do vậy, cần kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, thăm khám kịp thời khi phát hiện các chỉ số huyết áp bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe