Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nhịp thở nhanh hay chậm đều cảnh báo một số bệnh lý nhất định mà bạn cần chú ý. Nếu thấy các bất thường về nhịp thở hay cảm thấy khó thở không rõ nguyên nhân, bạn nên đến trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất để kiểm tra.
1. Tần số thở là gì?
Tần số thở (nhịp thở) là giá trị đo về số lần thở trong một phút của người khỏe mạnh. Tần số thở được điều hòa và kiểm soát bởi trung tâm hô hấp.
Những nguyên tắc để theo dõi nhịp thở:
- Trước khi đo tần số thở, đối tượng đo cần được nghỉ ngơi trước 15 phút.
- Đối tượng trước khi đo nhịp thở không sử dụng các chất kích thích hô hấp hay tiêm các loại thuốc ảnh hưởng đến hô hấp.
- Thực hiện đúng theo yêu cầu của bác sĩ, quy trình kỹ thuật.
- Ghi lại rõ ràng, chính xác các kết quả kiểm tra được.
2. Tần số thở bình thường là bao nhiêu?
Bác sĩ thường dựa vào các biểu hiện như nhịp thở êm dịu, đều đặn, không khí qua mũi từ từ và sâu, không có tình trạng thở nhanh hay thở chậm quá đế đánh giá nhịp thở của một người là bình thường.
Nhịp thở bình thường của một người lớn đạt từ 16-20 lần trong một phút, nhịp thở đều đặn, biên độ thở trung bình, thì hô hấp vào mạnh và thời gian thời gian thở ra ngắn.
Nhịp thở sẽ được chia theo từng tháng tuổi/tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh: 40 - 60 lần/ phút
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 35 - 40 lần/ phút
- Trẻ từ 7-12 tháng tuổi: 30 - 35 lần/ phút
- Trẻ từ 2-3 tuổi: 25 - 30 lần/ phút
- Trẻ từ 4-6 tuổi: 20 - 25 lần/ phút
- Trẻ từ 7-15 tuổi: 18 - 20 lần/ phút.
Ở người cao tuổi: từ 65 trở lên tần số thở trung bình là từ 12-28 lần/ phút, trên 80 tuổi, tần số thở là 10- 30 lần/ phút.
3. Những thay đổi của tần số nhịp thở
3.1 Trung tâm hô hấp
Trung tâm hô hấp nằm ở cầu não và hành não, bao gồm nhiều nhân xám điều khiển hầu hết các hoạt động của hô hấp bao gồm tần số thở.
Trung tâm hô hấp điều hòa tần số thở thông qua các dây thần kinh ly tâm tới cơ hô hấp – nhóm cơ thực hiện hoạt động thở ra và hít vào (cơ hoành, cơ liên sườn...).
Trong điều kiện bình thường, trung tâm này phát nhịp để duy trì nhịp thở đều đặn, nhịp nhàng. Một số rối loạn ở cầu não và hành não ảnh hưởng tới trung tâm hô hấp dẫn tới rối loạn tần số thở. Ví dụ: nhồi máu cầu não gây rối loạn nhịp thở.
Trung tâm này còn có liên hệ lên trên là đồi thị và vỏ não nên các thay đổi về cảm xúc, hành vi cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tần số thở.
3.2 Nồng độ CO2 và pH máu
Nồng độ CO2 máu ảnh hưởng quan trọng đến tần số thở . Bình thường CO2 được duy trì với nồng độ ổn định trong máu nhờ sự điều hòa của nhiều cơ chế trong đó có điều hòa bằng tần số thở.
Nồng độ CO2 máu tăng lên do nhiều nguyên nhân như ứ khí của bệnh COPD, hen phế quản,..., khi đó sẽ được nhận cảm ở xoang cảnh và quai động mạch chủ và đưa tín hiệu lên trung tâm hô hấp làm tang nhịp thở để đào thải bớt CO2 trong máu đưa nồng độ CO2 về mức ổn định.
pH máu và CO2 có mối quan hệ trực tiếp với nhau. Khi CO2 tăng làm pH máu tăng từ đó gây nên nhiều rối loạn cho cơ thể và cũng kích thích làm tăng nhịp thở. Ngược lại, khi pH máu giảm, thì cơ thể điều chỉnh bằng cách giảm tần số thở để giữ CO2 từ đó làm tăng pH máu đưa về chỉ số bình thường.
3.3 Nồng độ O2 máu
O2 ít có tác động lên tần số thở hơn CO2. Tuy nhiên vẫn có tác động nhất định: khi nồng độ O2 thấp ban đầu sẽ gây thở sâu sau đó làm tăng tần số thở. Nồng độ O2 cũng tác động đến xoang cảnh và quai động mạch chủ gây tăng tính mẫm cảm với CO2
3.4 Yếu tố khác
Dây X: có vai trò trung gian trong việc duy trì hoạt động của thì hít vào và thở ra của hoạt động hô hấp
Trung tâm nuốt: Khi trung tâm nuốt kích thích sẽ ức chế hoạt động hô hấp, vì vậy khi chúng ta nuốt vào sẽ tạm ngừng thở.
Vùng dưới đồi: Vùng dưới đồi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường bên ngoài từ đó tác động đến hoạt động hô hấp giúp điều hòa thân nhiệt của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, tăng thải nhiệt qua hô hấp từ đó làm tăng nhịp thở và ngược lại.
Cảm xúc: như đã nói ở trên, cảm xúc hồi hộp, vui vẻ làm tăng tần số thở, cảm xúc u ám, buồn bực làm giảm tần số thở.
4. Nhịp thở bất thường
- Nhịp thở bất thường thay đổi về tần số thở và thời gian của nhịp thở.
- Nhịp thở chậm đều: khi tần số thở thấp hơn giới hạn bình thường
- Nhịp thở nhanh đều: khi tần số thở cao hơn giới hạn bình thường
- Nhịp thở Cheyne–Stokes: khó thở và tạm ngừng thở luân chuyển nối tiếp nhau, mỗi chu kỳ khoảng một phút, chia làm hai thì:
+ Thì 1: ngừng thở khoảng 15-20 giây do ức chế trung khu hô hấp.
+ Thì 2: bắt đầu thở nông, nhẹ, dần dần trở nên sâu, nhanh và mạnh. Sau đó chuyển thành nông, nhẹ, rồi ngừng lại để bắt đầu một chu kỳ khác, do ngừng thở, nồng độ khí carbonic tích lũy cao trong máu đã kích thích trung khu hô hấp.
- Hay gặp nhịp thở Cheyne - Stokes trong xuất huyết não, u não, nhiễm độc, tăng ure huyết...
- Nhịp thở Kussmaul: hít vào sâu - ngừng thở ngắn - thở ra nhanh, sau đó ngừng thở kéo dài hơn rồi lại tiếp chu kỳ khác.
- Hay gặp nhịp thở Kussmaul trong hôn mê do đái tháo đường.
5. Bệnh lý ảnh hưởng tới nhịp thở bất thường
Các bệnh lý ảnh hưởng tới nhịp thở bất thường:
Bệnh lý thần kinh: Tai biến mạch máu não: xuất huyết hoặc nhồi máu vùng thân não sẽ ảnh hưởng đến trung tâm điều hòa hô hấp gây rối loạn nhịp thở.
Bệnh nội tiết: Đái tháo đường: trong một số trường hợp làm rối loạn pH máu gây kiểu thở Kussmaul Basedow: tăng nhịp thở do tăng tiết hormone tuyến giáp.
Nhiễm độc: một số chất độc ảnh hưởng đến thần kinh gây nên nhịp thở bất thường. hoặc những chất gây rối loạn cân bằng pH máu làm ảnh hưởng tới nhịp thở bình thường.
Các bệnh lý hô hấp: COPD, hen phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,...
Bệnh lý tim mạch: suy tim, hẹp van 2 lá,
Các tình trạng sốc: mất máu, chấn thương, phản vệ gây nhịp thở nhanh nông.
Dùng thuốc: một số thuốc ức chế trung tâm hô hấp như morphin, codein,... một số khác làm kích thích rối loạn như adrenalin, xanthin,...
6. Chăm sóc bệnh nhân có nhịp thở bất thường
Tùy nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà ta có các cách chăm sóc cho bệnh nhân có nhịp thở bất thường. Chủ yếu phải quan tâm đến chăm sóc những bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, rồi từ đó tìm và điều trị nguyên nhân.
Các bước chăm sóc bệnh nhân khó thở :
- Động viên, an ủi giúp tinh thần bệnh nhân thoải mái.
- Để bệnh nhân ở tư thế thích hợp giúp đường thở thẳng và thông thoáng. Có 2 tư thế:
+ Tư thế nửa nằm nửa ngồi
+ Tư thế ngửa thẳng đầu thấp
- Thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng các hút sạch đờm dãi, lấy sạch dị vật trong đường thở,...
- Nới rộng quần áo, khan quàng cổ giúp bệnh nhân thoải mái, không hạn chế hoạt động của các cơ hô hấp.
- Đảm bảo đủ thông khí môi trường xung quanh bệnh nhân bằng cách: mở cửa phòng thông thoáng, hạn chế nhiều người trong phòng bệnh,...
- Cho bệnh nhân thở O2 khi có chỉ định. Tùy vào mức độ khó thở của từng bệnh nhân mà có chỉ định thở O2 khác nhau: thở O2 mask, thở O2 gọng kính hoặc đặt nội khí quản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.