Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm đứng thứ ba trên thế giới về tỷ lệ gây tử vong ở phụ nữ, chỉ sau ung thư vú và buồng trứng. Tuy nhiên, hiện nay với các phương pháp chẩn đoán hiện đại, bệnh ung thư cổ tử cung có thể được tầm soát từ rất sớm nhờ HPV test và PAP test, đem lại nhiều cơ hội điều trị bệnh cho chị em phụ nữ.
1. Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là ngõ vào của tử cung, là một phần của cơ quan sinh dục nữ. Theo đó, các tế bào ung thư có thể phát triển trên cổ tử cung, tương tự như các cơ quan khác trong cơ thể. Thông thường ung thư cổ tử cung phát triển chậm, có thể mất tư 10-15 năm hoặc lâu hơn nữa để một tế bào bất thường phát triển thành ung thư.
Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng gì cho đến khi nặng lên. Phụ nữ có ung thư cổ tử cung tiến triển có thể có triệu chứng ra huyết bất thường, khí hư hoặc đau.
2. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là gì?
Human papillomavirus một loại virus còn được gọi tắt là HPV, đây là một virus rất phổ biến, có thể lây nhiễm trên cơ quan sinh dục của cả nam và nữ. Chúng thường không gây ra triệu chứng gì và có thể tự thải hồi. Theo đó, loại virus này có thể làm chuyển đổi tế bào cổ tử cung bình thường thành bất thường. Sau nhiều năm, tế bào bất thường này có thể chuyển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị.
Người bệnh không thể cảm nhận được hoặc tự nhận biết được mình có bị nhiễm HPV hay không, hoặc tế bào ở cổ tử cung mình có bị biến đổi hay không, bởi dấu hiệu ung thư cổ tử cung không có triệu chứng điển hình như nhiều căn bệnh khác.
Theo đó, tế bào bất thường đôi khi được gọi là tế bào tiền ung thư bởi vì chúng không bình thường nhưng không hẳn là tế bào tiền ung thư. Mặt khác, ung thư cổ tử cung cũng không có tính di truyền như nhiều căn bệnh khác.
3. HPV còn ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Một vài type HPV có thể làm biến đổi tế bào cổ tử cung người phụ nữ và dẫn đến ung thư sau nhiều năm. Mặt khác, type HPV gây ra mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ (mào gà...). Nhưng type HPV gây ra mụn cóc sinh dục khác với type HPV gây ra ung thư cổ tử cung, chúng thuộc type nguy cơ thấp.
Hầu hết HPV tự đào thải trong vòng 2 năm và không gây ra vấn đề cho sức khỏe. Người ta cho rằng đó là do hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể đã chiến đấu chống lại sự xâm nhập của HPV. Tuy nhiên cũng có trường hợp HPV không được đào thải mà vẫn tồn tại. Nếu HPV tồn tại trên tế bào cổ tử cung trong nhiều năm có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
4. Hỏi đáp bác sĩ về tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm
4.1 Tại sao tôi bị nhiễm HPV?
HPV lây truyền qua đường sinh dục (ngã âm đạo hoặc hậu môn) hay tiếp xúc da kề da. Hầu hết mọi người không biết rằng mình bị nhiễm HPV. Việc tìm hiểu bị nhiễm bệnh khi nào và ai đã lây truyền là không cần thiết.
HPV rất phổ biến và hầu hết mọi người dễ nhiễm HPV khi bắt đầu quan hệ tình dục. Vì vậy, tất cả phụ nữ đã quan hệ tình dục đều có khả năng bị ung thư cổ tử cung.
4.2 Tôi có thể ngừa ung thư cổ tử cung bằng cách nào?
Bạn có thể ngừa ung thư cổ tử cung bằng làm xét nghiệm tầm soát định kỳ như Pap test và HPV-ADN test (HPV test)
PAP TEST là xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, tìm kiếm tế bào bất thường trên cổ tử cung mà những tế bào đó có thể chuyển thành ung thư. Vì vậy, các bất thường đó có thể được phát hiện sớm và điều trị trước khi chúng chuyển thành ung thư.
HPV TEST là test tìm sự hiện diện của HPV, loại virus có thể làm biến đổi tế bào cổ tử cung thành bất thường. Đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên làm HPV test đồng thời với Pap test. Bằng cách này giúp phát hiện sớm bất thường và lấy bỏ tổn thương trước khi chúng chuyển sang ung thư.
Thực tế, bệnh ung thư cổ tử cung thường không gây ra triệu chứng khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư tiến triển. Do đó việc tầm soát ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là việc làm cần thiết, ngay cả khi bạn bình thường, khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì.
Bạn có thể tầm soát kết hợp cả 2 phương pháp này để kéo dài thời gian tầm soát cho lần kế tiếp đến 5 năm nếu như có kết quả HPV âm tính và PAP bình thường. Tuy nhiên nếu không làm HPV test và có kết quả PAP bình thường có thể tầm soát định kỳ 3 năm /lần.
4.3. Tại sao không tầm soát HPV cho phụ nữ trẻ hơn hay trẻ vị thành niên?
HPV rất phổ biến ở phụ nữ dưới 30 tuổi. Tuy nhiên hầu hết HPV phát hiện ở nhóm phụ nữ này không gây nên vấn đề sức khỏe nào, do đó không cần thiết kiểm tra HPV ở phụ nữ trẻ tuổi. Hầu hết phụ nữ trẻ tuổi sẽ chiến đấu loại trừ HPV trong vòng vài năm.
HPV gần như là một báo hiệu vấn đề sức khỏe ở phụ nữ, họ có thể đã nhiễm virus trong nhiều năm và cơ thể họ không chiến đấu chống lại HPV. Bác sĩ sẽ sử dụng test HPV để kiểm tra xem các phụ nữ này có thuộc nhóm nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung hay không và họ có cần làm tầm soát thường xuyên hơn hay không.
Theo đó, tầm soát thường quy bằng PAP test vẫn được xem là một test tầm soát ung thư cổ tử cung tốt cho phụ nữ từ 21 tuổi trở lên.
4.4. Nếu tôi bị nhiễm HPV tôi sẽ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung?
Câu trả lời không. Bị nhiễm HPV không có nghĩa là ung thư cổ tử cung. HPV là virus gây ra ung thư cổ tử cung. Có rất nhiều phụ nữ nhiễm HPV, tuy nhiên nếu họ được bác sĩ theo dõi, làm thêm xét nghiệm hoặc điều trị thì chỉ một ít trong số họ chuyển sang ung thư cổ tử cung.
4.5 Nếu phải làm xét nghiệm tôi sẽ làm gì?
Tùy vào kết quả xét nghiệm của bạn mà bác sĩ sẽ tư vấn thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác:
- Thường là chờ đợi trước khi lập lại xét nghiệm Pap hoặc HPV.
- Soi cổ tử cung bằng dụng cụ đặc biệt, giúp nhìn rõ hơn các bất thường trên cổ tử cung.
- Sinh thiết cổ tử cung ( lấy một mẫu mô nhỏ trên cổ tử cung để xét nghiệm cẩn thận hơn).
- Điều trị, phá hủy hoặc lấy đi tế bào bất thường.
- Tư vấn khám chuyên khoa, thường là khi kết quả test nghi ngờ ung thư.
4.6. Tại sao phải chờ đợi thêm các xét nghiệm khi tôi có khả năng bị ung thư?
Có thể các tế bào bất thường thay đổi trở về bình thường mà bạn không cần phải điều trị gì cả. Việc điều trị có thể có nhiều nguy cơ và tác dụng phụ nên bạn nên chắc rằng mình cần được điều trị trước khi bắt đầu. Tế bào cổ tử cung thay đổi rất chậm. Hãy bình tĩnh và nên quay lại tái khám và làm các xét nghiệm cần thiết theo lời khuyên của bác sĩ.
4.7. Những việc gì khác tôi nên làm để ngừa ung thư cổ tử cung
- Tái khám theo đúng hẹn.
- Làm thêm các xét nghiệm hoặc điều trị theo lời khuyên bác sĩ.
- Làm kiểm tra định kỳ Pap test ít nhất mỗi 3 năm, mỗi 5 năm nếu làm đồng thời Psp test và HPV test.
- Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể bạn bao gồm cả tế bào cổ tử cung. Nếu bạn có hút thuốc đồng thời nhiễm HPV, bạn có khả năng chuyển sang ung thư cao hơn.
4.8. Có cách nào để điều trị HPV hay tế bào bất thường được hay không?
Không có cách nào điều trị HPV nhưng có cách điều trị tế bào bất thường, bằng cách phá hủy hay lấy đi tế bào bất thường đó. Điều trị các tế bào bất thường giúp ngăn chúng phát triển thành ung thư. Không có phương pháp điều trị nào là tuyệt đối hoàn hảo. Vì vậy nên tái khám định kỳ và kiểm tra xem các tế bào bất thường có phát triển trở lại hay không. Bạn cần làm tầm soát thường xuyên hơn, hầu hết mọi người loại trừ được virus.
4.9. Nếu nhiễm HPV hoặc có tế bào cổ tử cung bất thường thì có ảnh hưởng đến cơ hội mang thai hoặc sinh em bé hay không?
Nếu nhiễm HPV hoặc có tế bào cổ tử cung bất thường thì không ảnh hưởng đến việc mang thai và giữ thai. Type virus liên quan đến ung thư không ảnh hưởng đến sức khỏe em bé. Nhưng nếu bạn đã điều trị khi có tế bào cổ tử cung bất thường, việc điều trị này (khoét chóp, leep) có thể làm sinh non.
4.10. Tôi có thể làm lây nhiễm HPV sang bạn tình hiện tại không?
Nếu bạn đã sống với bạn tình một thời gian việc lây nhiễm có thể xảy ra.
4.11. Làm thế nào để tránh lây nhiễm HPV cho bạn tình?
Việc sử dụng bao cao su có thể làm giảm lây nhiễm nếu dùng đúng và dùng hoàn toàn khi giao hợp. Tuy nhiên HPV có thể nhiễm tại những vùng không được bao cao su che đậy, vì vậy dùng bao cao su không phải là bảo vệ hoàn toàn khỏi HPV. Cách an toàn tuyệt đối để ngăn ngừa lây truyền là không giao hợp.
4.12. Tôi có nghe nói về vắc - xin phòng HPV, vậy nó giúp ích gì cho tôi?
Vắc - xin HPV giúp chống lại các type HPV thường gây ung thư cổ tử cung và được tiêm 3 mũi. Vắc - xin được khuyến cáo dùng cho bé gái 11-12 tuổi. Tuy nhiên cũng có thể tiêm cho bé 9 hoặc 10 tuổi. Vắc - xin HPV cũng được khuyến cáo dùng cho bé trai và nam giới trẻ tuổi.
4.13. Nếu tôi đã cắt tử cung, tôi có cần tầm soát định kỳ không?
Tùy theo nguyên nhân phải cắt tử cung và việc bạn cắt tử cung toàn phần hay bán phần, có còn chừa lại cổ tử cung hay không. Nếu bạn đã cắt tử cung toàn phần do nguyên nhân khác mà không phải là ung thư thì có thể bạn không cần tầm soát.
Tuy là một căn bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao ở nữ giới nhưng bạn hoàn toàn có thể tiêm ngừa vắc - xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung và tầm soát ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm.
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thăm khám, khi thực hiện gói sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, khách hàng sẽ được tầm soát ung thư cổ tử cung theo các bước:
- Khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa
- Tầm soát ung thư cổ tử cung qua xét nghiệm HPV genotype PCR hệ thống tự động và siêu âm tử cung qua đường âm đạo.
- Soi cổ tử cung: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung
- Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu...
Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec đã áp dụng xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ThinPrep Pap Test, phương pháp mới này hiện đang được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Châu Âu. ThinPrep Pap Test đã tạo ra bước ngoặt so với phương pháp Pap smear truyền thống, thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc, giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện.
Tại Vinmec, việc áp dụng phương pháp hiện đại và thủ thuật đảm bảo vô khuẩn giúp đạt được kết quả chính xác nhất. Kết quả sàng lọc được trả tận nhà kèm tư vấn và khuyến cáo cụ thể cho bệnh nhân.
Để được tư vấn và đặt lịch khám, quý khách có thể liên hệ Hệ thống bệnh viện và phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY