Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau tai là một triệu chứng gặp ở nhiều người bệnh viêm amidan. Khi viêm amidan gây đau tai chứng tỏ tình trạng viêm amidan của người bệnh đã ở mức độ nặng, nếu không được điều trị, bệnh có thể gây nhiều biến chứng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người bệnh.
1. Tại sao viêm amidan gây đau tai?
Amidan là tổ chức lympho lớn nhất cơ thể, gồm hai phần mô tuyến nằm ngay hai bên thành họng. Amidan có thể quan sát được khi há miệng. Chức năng chính của amidan là tiết các tế bào lympho và kháng thể, giúp chống lại sự tấn công của các tác nhân gây hại xâm nhập cơ thể. Tuy là cơ quan nhỏ nhưng amidan có vai trò rất quan trọng trong duy trì hệ miễn dịch.
Viêm amidan (Tonsillitis) là tình trạng amidan bị nhiễm trùng, sưng đỏ, viêm tấy do sự tấn công của virus, vi khuẩn. Viêm amidan có thể xảy ra ở một bên hoặc hai bên. Đây là một bệnh rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ mẫu giáo đến gần trưởng thành. Các triệu chứng thường gặp khi viêm amidan là đau họng, đau khi nuốt, họng nóng, đau, khô rát, người sốt, mệt mỏi, ho, đau đầu, chán ăn.
Đau tai cũng là một triệu chứng gặp ở nhiều người bị viêm amidan. Viêm amidan gây đau tai thường gặp khi viêm amidan kéo dài mà không điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Các vi khuẩn từ amidan sẽ lan ra các bộ phận khác, đặc biệt là những bộ phận ở vị trí gần amidan như tai giữa, gây bệnh viêm tai giữa, ngoài đau tai bệnh nhân sẽ gặp nhiều triệu chứng khó chịu khác. Nếu tiếp tục không được điều trị, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển, có thể gây viêm xương chũm cấp, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng tai, giảm thính lực, liệt tâm thần mặt,...Thậm chí, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng. Các biến chứng của viêm amidan ở các cơ quan khác có thể gặp là viêm khớp, viêm tim, nhiễm trùng huyết,...
2. Làm gì khi viêm amidan gây đau tai?
Khi viêm amidan gây đau tai, bệnh đã ở mức độ nặng, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị, vì điều trị không đúng cách, không triệt để sẽ làm bệnh tiến triển, gây nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Việc điều trị viêm amidan khi đã xuất hiện các biến chứng sẽ rất khó khăn, phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém cho bệnh nhân.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định bệnh viêm amidan dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả một số xét nghiệm như: xét nghiệm công thức máu, test Viggo, test Le Mec, đo tỷ lệ ASLO trong máu,...
Nhìn chung, viêm amidan là bệnh dễ phát hiện và để điều trị. Nguyên tắc điều trị viêm amidan khi xác định có nhiễm khuẩn là sử dụng kháng sinh kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, chống viêm, giảm ho. Các thuốc thường được sử dụng là:
● Kháng sinh: Một số loại kháng sinh thường dùng như: Cefaclor, Cefuroxim, Cefpodoxim,... Nếu dị ứng với kháng sinh nhóm beta lactam có thể thay thế bằng các kháng sinh nhóm Macrolid như Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin,... Nếu bệnh nhân đáp ứng với điều trị với kháng sinh ban đầu, tiếp tục điều trị trong 7-10 ngày. Nếu không đáp ứng phải điều trị theo kháng sinh đồ.
● Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen
● Thuốc chống viêm: Prednisolon, Methylprednisolon
● Thuốc giảm xung huyết, phù nề: Alphachymotrypsin
● Thuốc dùng tại chỗ: súc họng bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9% hoặc bằng dung dịch pha các muối bicarbonat natri, borat natri,...vào nước ấm. Nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng nhẹ.
Việc sử dụng thuốc đúng liều lượng như hướng dẫn của bác sĩ là vô cùng quan trọng trong điều trị. Bệnh nhân có thể thấy triệu chứng giảm sau một vài ngày sử dụng thuốc, tuy nhiên phải tiếp tục thuốc cho đến khi hết liệu trình, điều này đặc biệt quan trọng đối với thuốc kháng sinh.
Trong các trường hợp như viêm amidan mạn bộc phát nhiều lần trong năm, Amidan phát triển quá phát gây khó nuốt, ngủ ngáy, nói ngọng, trẻ chậm phát triển; viêm amidan xảy ra các biến chứng như thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận,... bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật cắt amidan cho bệnh nhân.
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nhiều nước. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung kẽm, protein, vitamin A, C, E, D qua thức ăn và các thuốc bổ tổng hợp giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể . Viêm amidan gây đau tai và các triệu chứng của viêm amidan sẽ biến mất khi bệnh được điều trị đúng cách, triệt để.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm amidan, người bệnh tránh tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh đường hô hấp, giữ ấm khi thời tiết giao mùa, điều trị triệt để nếu mắc các bệnh lý mũi họng khác như viêm VA, viêm xoang, viêm mũi, viêm răng miệng.... Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, tăng cường luyện tập thể thao, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
BSCK II Nguyễn Văn Thái nguyên là Bác sĩ Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ tại Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Trung Ương Huế với hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ. Hiện là Bác sĩ Tai Mũi Họng tại Phòng khám Liên Chuyên khoa thuộc Khoa Khám bệnh và Nội Khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM