Nhiều người cho rằng, hôi miệng là tình trạng thường chỉ gặp ở người lớn mà ít ai biết rằng trẻ con vẫn có thể bị hôi miệng như bình thường. Hầu hết nguyên nhân chính là do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi nhỏ hơn, tình trạng hôi miệng của con cần được quan tâm đúng mực để tìm kiếm các bệnh lý tiềm ẩn.
1. Các vấn đề sức khỏe là nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh bị hôi miệng
Nếu thấy trẻ sơ sinh bị hôi miệng, bạn cần tìm nguyên nhân. Nguyên nhân của chứng hôi miệng ở trẻ sơ sinh rất đa dạng và không nên bỏ qua, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng trong miệng hoặc cổ họng.
1.1 Viêm xoang
Một lý do có thể khiến trẻ sơ sinh bị hôi miệng là do viêm xoang. Nếu bé bị viêm xoang, bé sẽ gặp các triệu chứng khác như chảy nước mũi và hắt hơi. Tình trạng này có thể là kết quả của dị ứng và dẫn đến nghẹt các lỗ thông xoang. Kết quả em bé chỉ thở bằng miệng và làm khô nước bọt.
Chính vì nước bọt ít hơn bình thường nên dẫn đến khô miệng và khiến hôi miệng ở trẻ sơ sinh xảy ra. Nếu bạn nghi ngờ con bị nhiễm trùng xoang, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc trẻ và xác định xem con bạn có cần dùng kháng sinh hay không.
1.2 Phì đại tuyến Amidan
Các tình trạng bệnh lý khác có thể dẫn đến hôi miệng ở trẻ sơ sinh là do tuyến amidan phì đại hoặc u tuyến. Các amidan khỏe mạnh thường có màu hồng và không có đốm, nhưng những khối amidan bị nhiễm trùng có màu đỏ, sưng tấy, có thể có những chấm trắng đáng chú ý và có mùi hôi.
Lúc này, vi khuẩn tích tụ ở phía sau cổ họng và kết hợp với mùi chua của nhiễm trùng, điều này có thể gây ra hơi thở có mùi. Nếu amidan của con trông sưng hoặc đỏ, bạn nên đưa con đến để bác sĩ khám. Bác sĩ nhi khoa có thể kê đơn thuốc kháng sinh để giúp viêm amidan mau lành.
1.3 Trào ngược axit
Trào ngược axit có thể gây hôi miệng ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường đi kèm với thức ăn, chủ yếu là sữa, trào ngược lên vòm họng. Trào ngược axit xảy ra do vòng cơ giữa thực quản và dạ dày chưa trưởng thành hoàn toàn và do đó, các chất trong dạ dày trào ngược ra ngoài khiến bé bị ọc sữa. Tình trạng này hiếm khi nghiêm trọng và sẽ giảm khi bé lớn hơn. Trào ngược axit thường không tiếp tục sau khi trẻ đã được 18 tháng tuổi.
Trào ngược ở trẻ sơ sinh thường tự hết nhưng có một số điều bạn có thể làm để giúp cải thiện các triệu chứng:
- Giảm thể tích mỗi cữ sữa nhưng tăng số lần bú trong ngày
- Cho bé ợ hơi từng phần khi bé bú.
- Giữ tư thế trẻ thẳng trong 20 đến 30 phút sau cữ bú.
- Hãy thử chuyển đổi loại sữa công thức mà bạn cho trẻ ăn.
- Thử sử dụng núm vú có kích thước khác trên bình sữa của trẻ. Núm vú quá lớn hoặc quá nhỏ đều có thể khiến bé nuốt phải không khí.
Nếu bạn đang cho con bú, hãy thử loại bỏ các sản phẩm từ sữa, thịt bò hoặc trứng khỏi chế độ ăn uống để kiểm tra xem trẻ có bị dị ứng hay không.
Thuốc thường không được khuyên dùng cho trẻ sơ sinh bị trào ngược không biến chứng. Bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị thử dùng thuốc ngăn chặn axit như Zantac cho trẻ từ 12 tháng trở xuống hoặc Prilosec cho trẻ mới biết đi từ 1 tuổi trở lên. Kiểm soát tình trạng trào ngược axit của bé có thể loại bỏ tình trạng hôi miệng ở trẻ sơ sinh.
2. Các nguyên nhân hôi miệng ở trẻ sơ sinh ít nghiêm trọng
Hôi miệng ở trẻ sơ sinh không phải lúc nào cũng là hệ quả của các bệnh lý. Trong khi đó, thức ăn hoặc đồ uống cho bé có thể dính vào lưỡi hoặc xung quanh lợi khiến vi khuẩn phát triển, từ đó gây ra mùi hôi. Ví dụ, sự phát triển của hầu hết các vi khuẩn gây mùi có thể được thúc đẩy bởi các tác nhân ít nghiêm trọng hơn như mút ngón tay cái và sử dụng núm vú giả.
2.1 Tật bú tay
Đây là một thói quen thời thơ ấu phổ biến xảy ra ở khoảng 80% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc mút ngón tay cái có thể dẫn đến khô miệng, gia tăng vi khuẩn và cuối cùng là hôi miệng. Hầu hết trẻ em sẽ từ bỏ thói quen này trong độ tuổi từ 2 đến 4; chỉ 12% trẻ em sẽ vẫn còn mút tay ở tuổi lên 4.
Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi không cần bất kỳ biện pháp điều trị nào để chấm dứt thói quen này, và cha mẹ nên chờ xem liệu con mình có dừng hành vi đó mà không cần can thiệp hay không.
Để giúp giảm bớt tình trạng hôi miệng ở trẻ sơ sinh do mút ngón tay cái, hãy dùng khăn mềm và ấm để lau miệng, nướu và lưỡi của bé thường xuyên.
2.2 Sử dụng núm vú giả
Khi bé ngậm núm vú giả, nước bọt và vi khuẩn trong miệng sẽ được truyền sang núm vú giả. Điều này có thể dẫn đến việc núm vú giả có mùi khó chịu và sau đó có thể chuyển sang miệng của bé vào lần tiếp theo khi bé ngậm núm vú giả.
Ngoài ra, nếu núm vú giả được sử dụng nhiều lần mà không được vệ sinh, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng hơn. Để loại bỏ mùi hôi miệng, bạn có thể ngừng sử dụng núm vú giả hoàn toàn. Nếu bé chưa sẵn sàng từ bỏ núm vú giả, hãy dành thời gian tiệt trùng núm vú giả thường xuyên để tiêu diệt vi khuẩn và vi trùng có trong núm vú giả.
Hầu hết trẻ em sẽ ngừng sử dụng núm vú giả trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi. Nếu con bạn không muốn từ bỏ núm vú giả, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc nha sĩ để được hướng dẫn.
2.3 Nhiều đường trong chế độ ăn uống
Khi trẻ được cho bú bình trong giấc ngủ, có thể dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn trong vòm miệng và cuối cùng là gây hôi miệng. Để giảm thiểu hơi thở có mùi và vi khuẩn răng miệng, hãy thực hành chăm sóc răng miệng tốt với con bạn, ngay từ lứa tuổi sơ sinh.
Lau nướu cho trẻ ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau khi bú hoặc trước khi đi ngủ. Lau nướu sẽ rửa sạch vi khuẩn và ngăn vi khuẩn bám vào nướu. Nếu em bé phụ thuộc vào bình sữa để giúp bé dễ ngủ, hãy chuyển sang dùng bình nước sẽ không khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến hôi miệng.
3. Các bệnh lý nghiêm trọng gây hôi miệng ở trẻ sơ sinh
Hầu hết, hôi miệng ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng khu trú tại vùng nha khoa. Dù vậy, trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ sơ sinh bị hôi miệng lại có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn.
3.1 Bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường typ 1 xảy ra khi tuyến tụy của con bạn ngừng sản xuất insulin, một loại hormone giúp cơ thể lấy năng lượng từ thức ăn. Khi điều này xảy ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy (tế bào beta). Có một số triệu chứng có thể liên quan đến tình trạng này, bao gồm cả hơi thở có mùi hôi.
3.2 Bệnh thận mãn tính
Điều này xảy ra khi có tổn thương thận không thể phục hồi hoặc giảm chức năng thận. Các triệu chứng khác của bệnh thận mãn tính ở trẻ nhỏ có thể bao gồm:
- Kém ăn
- Nôn mửa
- Đau đầu
- Tăng trưởng còi cọc
- Ốm yếu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính
Tóm lại, nếu trẻ sơ sinh bị hôi miệng, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán viêm xoang, nhiễm trùng hoặc các tình trạng sức khỏe khác có thể là nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh bị hôi miệng. Đồng thời, cha mẹ cần tạo thói quen chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay từ những ngày đầu đời nhằm giữ cho miệng của trẻ luôn sạch sẽ, giảm sử dụng các vật dụng làm tăng vi khuẩn và gây hôi miệng, giúp trẻ luôn duy trì hơi thở thơm mùi sữa đáng yêu trong giai đoạn này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.