Bài viết được viết bởi BS. Trần Thị Huyền Trang, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Xét nghiệm SGOT là xét nghiệm quan trọng trong việc xác định bệnh lý gan và theo dõi tiến triển của bệnh. Xét nghiệm này còn giúp xác định tình trạng phân hủy tế bào nhất là do nguồn gốc gan, cơ tim, cơ vân. Khi tế bào hồng cầu bị vỡ thì SGOT tăng rất cao, cơ chế của hiện tượng này là gì?
1. AST (SGOT) là gì?
AST (Aspartate aminotransferase) và ALT (Alanin aminotransferas) thuộc nhóm các enzym xúc tác sự chuyển hóa các acid amin thành acid α-cetonic và ngược lại. Các AST có trong bào tương cũng như trong ty lạp thể và được tìm thấy chủ yếu trong các tế bào tim, gan, cơ xương, thận, tụy, hồng cầu, tiểu cầu... AST được giải phóng vào tuần hoàn khi xảy ra tình trạng tổn thương hay chết của các tế bào chứa enzym này.
Xét nghiệm AST là một xét nghiệm hữu ích trong việc xác định một bệnh lý gan và theo dõi tiến triển của bệnh. Đây là một trong những test nhạy nhất để phát hiện tình trạng tổn thương tế bào gan do virus và do thuốc (tăng hoạt độ enzym gan có thể đi trước tình trạng tăng Bilirubin máu hàng tuần). Ngoài ra Xét nghiệm AST còn được chỉ định trong bệnh lý tim mạch để đánh giá nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim (khi phối hợp với ALT, CK – MB mass và Troponin T/I).
2. Xét nghiệm AST được chỉ định trong trường hợp nào?
Xét nghiệm giúp xác định tình trạng phân hủy tế bào nhất là do nguồn gốc gan, cơ tim hay cơ vân. Vì vậy, xét nghiệm đo hoạt độ AST thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Yếu mệt, cảm giác mất năng lượng, mệt mỏi;
- Sụt cân, vàng da, vàng mắt;
- Báng bụng;
- Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, mất cảm giác thèm ăn;
- Thay đổi màu sắc dịch tiết (như tiểu sậm, phân bạc màu);
- Đau bụng, xuất huyết bất thường;
- Ngứa ;
- Phù nề ở chân và mắt cá chân;
- Bầm tím;
- Đau ngực;
- Đau cơ;
Một số lí do khác:
- Tiếp xúc với virus viêm gan;
- Uống nhiều đồ uống có cồn;
- Uống thuốc có nguy cơ gây tổn thương gan;
- Béo phì;
- Tiểu đường hoặc các hội chứng chuyển hóa.
3. Tại sao khi tế bào hồng cầu vỡ thì SGOT tăng rất cao
Vỡ hồng cầu (huyết tán) được định nghĩa là sự phóng thích các thành phần bên trong tế bào hồng cầu vào trong huyết tương. Việc giải phóng hemoglobin làm cho huyết thanh hoặc huyết tương xuất hiện màu đỏ nhạt đến màu đỏ anh đào.
Vỡ hồng cầu trong cơ thể là kết quả của các cơ chế miễn dịch, sinh hóa, sinh lý hoặc hóa học. Vỡ hồng cầu có thể là nội mạch và ngoại mạch. Huyết tán nội mạch là rất hiếm và thường là kết quả của phản ứng truyền máu hoặc thiếu máu tan máu. Huyết tán ngoại mạch máu là khá phổ biến và xảy ra trong các kỹ thuật lấy máu tĩnh mạch, xử lý, vận chuyển và lưu trữ mẫu xét nghiệm không đúng gây ra các sai số trước xét nghiệm.
Cơ chế ảnh hưởng đến kết quả các xét nghiệm:
- Giải phóng các thành phần của các tế bào máu vào huyết tương hoặc huyết thanh. Một số thành phần tế bào có nồng độ trong tế bào cao gấp 10 lần ngoại bào, tán huyết trong huyết thanh/huyết tương dẫn đến tăng nồng độ các thành phần này. Ở đây là AST có mặt trong hồng cầu được giải phóng vào máu.
- Nhiễu quang phổ/ đo màu bởi hemoglobin (việc thay đổi màu sắc huyết thanh/huyết tương làm ảnh hưởng đến kỹ thuật xét nghiệm).
Để xét nghiệm AST, bạn nên đến những cơ sở y tế uy tín và có trang thiết bị hiện đại để có được kết quả chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.