Tại sao tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm HIV?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nếu một phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì khả năng truyền virus cho thai nhi là rất cao. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được phát hiện sẽ được cho dùng thuốc và thực hiện các bước khác có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho thai nhi.

1. HIV (Human Immunodeficiency Virus) là gì?

HIV là virus tấn công các tế bào của hệ thống miễn dịch và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Acquired Immunodeficiency Syndrome), là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.

HIV lây truyền qua đường quan hệ tình dục, đường máu và từ mẹ sang con (trong thời gian mang thai, khi sinh đẻ và cho con bú). Đa số trẻ em bị nhiễm HIV là do mẹ mang thai nhiễm HIV truyền sang trẻ trước trong và sau khi sinh. Nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV mà không có bất cứ can thiệp dự phòng nào thì thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang cho con sẽ chiếm khoảng 25-40% ở các nước đang phát triển và khoảng 16-20% tại châu Âu và Bắc Mỹ.

2. HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

Có nhiều yếu tố nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong đó, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ảnh hưởng đến lây truyền HIV từ mẹ sang con là tải lượng virus trong máu của người mẹ. Tải lượng HIV cao có thể do hai lý do chính là do người mẹ mới nhiễm HIV hoặc do người mẹ bị nhiễm HIV đang ở giai đoạn tiến triển/ AIDS tiến triển.

Lượng HIV trong máu phụ nữ mang thai tỷ lệ thuận với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở cả phụ nữ đã được điều trị ARV và ở phụ nữ chưa được điều trị ARV.

Giai đoạn lâm sàng AIDS của phụ nữ mang thai càng nặng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Những người phụ nữ mang thai ở giai đoạn mới nhiễm HIV có tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con cao vì tải lượng HIV huyết thanh còn rất cao. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ cao lây truyền HIV từ mẹ sang con vì lượng HIV trong các dịch ở đường sinh sản và các tổn thương đường sinh sản tăng. Sử dụng ma tuý, hút thuốc lá, tình dục không an toàn với nhiều bạn tình trong thời kỳ mang thai có liên quan đến tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.


Một phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì khả năng truyền virus cho thai nhi là rất cao
Một phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì khả năng truyền virus cho thai nhi là rất cao

Trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng tỷ lệ thuận với độ dài khoảng thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh. Nguy cơ này tăng khoảng 2% cho mỗi giờ sau vỡ ối. Các can thiệp như theo dõi thai, đặt điện cực ở da đầu thai nhi, cắt tầng sinh môn, đặt phoóc xép đều có thể làm tăng phơi nhiễm của thai với HIV trong máu, dịch âm đạo của mẹ và tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Các yếu tố liên quan đến trẻ sơ sinh như như hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành, nhất là trẻ sinh non tháng có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ có tổn thương đường tiêu hoá mà bú mẹ sẽ có nguy cơ cao hơn trẻ khác.

Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ này cao nhất ở những người vừa cho con bú sữa mẹ vừa cho con ăn thức ăn thay thế, sau đó mới đến những người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

3. Cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện qua 3 thời kỳ là lây truyền HIV trong tử cung và khi mang thai, trong lúc chuyển dạ và lây truyền sau khi sinh và qua sữa mẹ.

Sự lây truyền HIV trong tử cung và khi mang thai có thể xảy ra suốt từ 3 tháng đầu đến khi thai đủ tháng do HIV được truyền trực tiếp từ mẹ sang thai qua bánh rau.

Các cơn co tử cung trong khi chuyển dạ sinh có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ và gây chảy máu vào âm đạo. Máu chảy sẽ làm tăng số lượng HIV có trong âm đạo dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm HIV cho thai nhi khi đi qua âm đạo người mẹ. Nếu cuộc đẻ có các can thiệp như cắt tầng sinh môn, đặt phoóc xép hoặc giác hút thì các biểu mô và mạch máu lớn có thể bị tổn thương, máu chảy nhiều làm tăng khả năng nhiễm HIV cho thai. Khi qua đường âm đạo để ra ngoài, thai có thể nuốt dịch âm đạo có chứa HIV vào đường tiêu hoá.

Nếu bà mẹ có HIV dương tính, nếu có điều kiện thì nên nuôi con bằng thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ để cắt nguồn lây vì HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập vào niêm mạc đường tiêu hoá của trẻ hoặc vú của bà mẹ có thể xây xước gây lây nhiễm trực tiếp cho trẻ bú .

4. Tại sao lại phải tiến hành xét nghiệm HIV cho bà bầu?


Xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai là một trong những can thiệp của chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai là một trong những can thiệp của chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai là một trong những can thiệp của chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Hiện nay, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn chủ yếu tập trung vào những phụ nữ mang thai, phụ nữ đã nhiễm HIV. Để chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả thì việc chẩn đoán tình trạng HIV cho tất cả phụ nữ mang thai cần phải được chú trọng tập trung. Việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai sẽ có tác dụng như:

  • Giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự quyết định các vấn đề về sinh con, về thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  • Giúp phụ mang thai chưa nhiễm HIV biết về HIV, về xét nghiệm HIV khi mang thai, về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...
  • Giúp phụ nữ mang thai thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con...

Hỗ trợ phụ nữ mang thai nhiễm HIV về mặt tình cảm, tâm lý ở c mặt như:

  • Xác định và bày tỏ tình cảm và hỗ trợ, giúp phụ nữ mang thai ổn định tinh thần, xây dựng nội lực để vượt qua mọi khủng hoảng
  • Tiếp cận được những cơ sở dịch vụ khi có nhu cầu, nhất là về y tế
  • Vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng
  • Tự quyết và tự tin trong cuộc sống...

Ngoài ra, phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: dự phòng bằng thuốc ARV, dùng sữa thay thế cho con và giới thiệu các dịch vụ chăm sóc, điều trị sau sinh. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được hội chẩn với cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để xem xét điều trị bằng ARV hay điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài tham khảo nguồn: acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe