Tại sao phụ nữ khi có thai có thể bị thai ngoài tử cung?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa.

Mang thai ngoài tử cung gây ra nhiều nguy hiểm cho người mẹ như: vô sinh, chảy máu ... Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thai ngoài tử cung.

1. Thế nào là thai ngoài tử cung

Trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở phía bên ngoài tử cung được gọi là thai ngoài tử cung. Có đến 95% thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng tại các vị trí loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn sẽ, 5% thai ngoài tử cung còn lại xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc tại các sẹo mổ đẻ cũ trước đó.

Thai ngoài tử cung có thể xảy ra ở các vị trí hai bên vòi tử cung tuy nhiên trường hợp này rất hiếm xảy ra, chiếm tỷ lệ 1/200.000 thai kỳ. Trường hợp, hiếm gặp nhất là đa thai với một thai nằm đúng vị trí trong tử cung người mẹ, một thai nằm ngoài tử cung.

2. Nguyên nhân thai ngoài tử cung hình thành là gì?

Có nhiều trường hợp thai ngoài tử cung không có nguyên nhân rõ ràng, phụ nữ lần đầu mang thai bình thường đến lần mang thai kế tiếp cũng có thể mang thai ngoài tử cung.

Đôi khi, nguyên nhân gây ra không quan trọng bằng các yếu tố và nguy cơ hình thành thai ngoài tử cung vì bạn có thể ngăn chặn và phòng ngừa được. Các yếu tố thai ngoài tử cung bao gồm:

  • Phụ nữ có tiền sử từng bị thai ngoài tử cung
  • Phụ nữ từng trải qua các phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó
  • Phụ nữ bị viêm nhiễm vùng chậu
  • Mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như: Bệnh lậu, sùi mào gà, giang mai, mụn rộp sinh dục...

Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung rất dễ gặp phải căn bệnh này
Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung rất dễ gặp phải căn bệnh này

Một số yếu tố tăng nguy cơ thai ngoài tử cung:

  • Phụ nữ nghiện thuốc lá hoặc hút thuốc lá gián tiếp từ những người xung quanh
  • Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn người bình thường
  • Phụ nữ được chẩn đoán vô sinh
  • Sử dụng một số biện pháp thụ thai như: Thụ tinh nhân tạo, bơm tinh trùng...

3. Các dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung

Có nhiều trường hợp thai phụ bị thai ngoài tử cung mà không rõ nguyên nhân vì vậy trong quá trình mang thai, người mẹ nên đặc biệt chú ý đến những biểu hiện hay dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung:

3.1 Trễ kinh

Trễ kinh (hay chậm kinh) là biểu hiện đầu tiên để người phụ nữ nhận biết mình có mang thai hay không. Nếu nhận thấy dấu hiệu này, bạn nên đi thăm khám để xác định tình trạng thai nhi đã ổn định bên trong tử cung hay chưa hay là bạn đang gặp tình trạng thai ngoài tử cung.

3.2 Rong huyết

Rong huyết thường xảy ra đối với người bị thai ngoài tử cung với lượng máu ít, bầm đen hơn so với máu kinh bình thường, máu ra ít, không đông và kéo dài. Tuy nhiên trường hợp này thường xuất hiện trước hoặc sau chu kỳ bình thường nên không gây được chú ý với bạn.

3.3 Đau bụng vùng dưới

Đau bụng vùng dưới âm ỉ kéo dài, có thể đau một bên và thỉnh thoảng đau nhói, đây là dấu hiệu thường thấy ở người mang thai ngoài tử cung.

Ngoài các dấu hiệu trên, bạn có thể trực tiếp thăm khám để xác định tình trạng cơ thể nếu nghi ngờ thai ngoài tử cung. Siêu âm kết hợp với xét nghiệm máu đo nồng độ βhCG là phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán thai ngoài tử cung.

Tuy nhiên đối với các trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ thì bác sĩ rất khó để chẩn đoán, khi đó bạn sẽ được chỉ định thực hiện nội soi ổ bụng để xác định chính xác tình trạng, đây là phương pháp nhanh chóng, hiệu quả và tỷ lệ chính xác lên đến gần 100%.


Đau bụng dưới là dấu hiệu thường thấy của mang thai ngoài tử cung
Đau bụng dưới là dấu hiệu thường thấy của mang thai ngoài tử cung

4. Tại sao thai ngoài tử cung là mối lo lắng của thai phụ?

Thai ngoài tử cung cực kỳ nguy hiểm đối với thai phụ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thai nhi bên ngoài tử cung khi phát triển đủ lớn sẽ vỡ ra và gây xuất huyết, nếu không biết để điều trị, tình trạng xuất huyết bên trong người mẹ sẽ diễn ra nhanh chóng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cầm máu kịp thời.

Nhiều trường hợp thai ngoài tử cung không phát hiện sớm dẫn đến tình trạng thai chết lưu gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ.

Trường hợp có thể cứu chữa kịp thời, cơ thể người mẹ cũng gặp nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này:

  • Tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung cho lần kế tiếp: Con số này cao đến 7-13 lần so với người chưa từng mang thai ngoài tử cung.
  • Vô sinh: Theo nghiên cứu chỉ ra, hơn 50% phụ nữ đã từng mang thai ngoài tử cung có nguy cơ vô sinh sau khi mổ tử cung.

5. Làm sao để điều trị thai ngoài tử cung hiệu quả?

Hiện nay, có hai cách để điều trị thai ngoài tử cung là phẫu thuật nội soi và điều trị nội khoa:

5.1 Phẫu thuật nội soi

Đây là phương pháp thường được sử dụng vì có nhiều ưu điểm như thời gian chữa trị nhanh chóng, không đau và sử dụng ít kháng sinh, thời gian nằm viện ngắn và người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng để trở lại làm việc và sinh hoạt thường ngày.

Tuy nhiên vì đây là phẫu thuật nên vẫn có những biến chứng hậu phẫu có thể xảy ra như các tai biến của thuốc mê, gây tổn thương các cơ quan nội tạng và chi phí của phương pháp này cũng khá cao.


Phẫu thuật nội soi là phương pháp xử lý thai ngoài tử cung phổ biến
Phẫu thuật nội soi là phương pháp xử lý thai ngoài tử cung phổ biến

5.2 Điều trị nội khoa

Đây là phương pháp điều trị sử dụng thuốc để làm chết thai rồi cơ thể người mẹ sẽ tự động hấp thụ khối thai đó. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như tỷ lệ thành công cao lên đến 95%, người bệnh không phải thực hiện phẫu thuật, tránh được các biến chứng hậu phẫu, chi phí thực hiện thấp. Tuy nhiên phương pháp này chỉ sử dụng đối với thai ngoài tử cung có kích thước nhỏ hơn 4cm, chưa có tim thai và khối thai chưa bị vỡ.

Thai ngoài tử cung cực kỳ nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ gây ra xuất huyết trong, nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Vì vậy, khi nghi ngờ mình mang thai hoặc xuất hiện các triệu chứng của thai ngoài tử cung hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ thai ngoài tử cung cao thì bạn hãy đến ngay cơ sở y tế khám. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm để chẩn đoán. Kết quả siêu âm phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của kỹ thuật viên và trang thiết bị. Bạn nên chọn cơ sở y tế uy tín để có được kết quả chính xác nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe