Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Nước tiểu của người bình thường sẽ có màu vàng nhạt, khi nước tiểu có màu nâu đỏ là một dấu hiệu bất thường, cảnh bảo vấn đề nguy hiểm về sức khỏe. Vậy tại sao nước tiểu màu nâu đỏ?
1. Nước tiểu màu nâu đỏ cảnh báo vấn đề gì về sức khỏe?
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Theo đó, màu vàng của nước tiểu có thể dao động từ vàng nhạt đến vàng sậm. Đây là kết quả của một sắc tố trong nước tiểu gọi là urobilinogen và nó sẽ được pha loãng hoặc cô đặc ở các mức độ nhất định. Màu sắc nước tiểu có thể bị thay đổi trong một số trường hợp từ sinh lý cho đến bệnh lý thật sự. Sự thay đổi màu sắc nước tiểu có thể là gợi ý quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý hệ tiết niệu hoặc bệnh lý tại các cơ quan khác.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nước tiểu có màu nâu đỏ. Một vài lý do là vô hại, một số khác cần thiết phải được thăm khám tỉ mỉ lâm sàng, kết hợp các xét nghiệm phân tích nước tiểu, sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân.
2. Nguyên nhân khiến nước tiểu có màu nâu đỏ
Một số nguyên nhân dẫn đến nước tiểu có màu nâu đỏ, bao gồm:
2.1.Mất nước
Mất nước là lý do phổ biến nhất khiến nước tiểu có màu nâu đỏ. Một người có thể bị mất nước vì nhiều lý do, ví dụ như:
- Đổ quá nhiều mô hôi.
- Tiêu chảy.
- Sốt.
- Không uống đầy đủ nước, đặc biệt hay gặp ở người già (vì giảm cảm giác khát)
Khi nhận thấy cơ thể thiếu nước, thận đối phó lại tình trạng này bằng cách tăng cường tái hấp thu, giữ lại nước cho cơ thể, thay vì bài tiết ra nước tiểu như bình thường. Theo đó, nước tiểu sẽ bị cô đặc hơn và có màu nâu.
2.2. Máu trong nước tiểu
Trong một số trường hợp, máu lẫn trong nước tiểu có thể khiến nước tiểu có màu nâu đỏ. Hiện tượng này còn được gọi là tiểu máu và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Phần lớn là do bệnh lý thận, tiết niệu. Máu là hậu quả của viêm đường tiết niệu ở các vị trí khác nhau:
- Viêm cầu thận
- Viêm thận bể thận
- Viêm bàng quang
- Viêm tuyến tiền liệt
- Viêm đường tiểu dưới.
- Sỏi tiết niệu: Hay gặp là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang
- Các chấn thương gây tổn thương thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo. Chấn thương ở vùng tiểu khung.
- Ung thư hệ tiết niệu
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục gây viêm niệu đạo, viêm đường sinh dục, hành kinh
2.3. Bệnh gan mật
Nước tiểu có màu nâu đỏ là một trong những dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất của viêm gan. Có nhiều loại viêm gan khác nhau biểu hiện bằng triệu chứng này như viêm gan do virus (A, B,C..), vi khuẩn, viêm gan do rượu.
Hậu quả của viêm gan dẫn đến tăng bilirubin máu, dẫn đến nước tiểu có màu nâu đỏ (vàng đậm). Bên cạnh đó, xơ gan, tắc mật do sỏi mật trong gan, ngoài gan cũng dẫn đến nước tiểu vàng sẫm.
Nếu viêm gan chính là nguyên nhân khiến nước tiểu của bạn có màu nâu, nhiều khả năng bạn cũng sẽ gặp các triệu chứng như:
- Sốt
- Mệt mỏi;
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn, ói mửa
- Đau bụng
- Phân màu đất sét
- Đau khớp
- Vàng da hoặc mắt.
Cùng với triệu chứng nước tiểu sẫm màu (nâu đỏ), các xét nghiệm khác sẽ được bác sĩ chỉ định để cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
2.4. Tập thể dục cường độ cao
Trong một số trường hợp hiếm gặp, tập thể dục thể thao với cường độ cao có thể khiến các tế bào cơ bị vỡ và rò rỉ vào máu. Tình trạng này được gọi là tiêu cơ vân hay còn gọi là ly giải cơ vân và có thể đổi màu nước tiểu từ vàng nhạt sang nâu đỏ. Nếu nước tiểu có màu nâu vì tiêu cơ vân, bạn cũng có thể cảm thấy đau cơ hoặc yếu cơ kèm theo.
Ly giải cơ vân có nguy cơ gây tổn thương thận nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng. Do đó, nếu nghi ngờ mình đã rơi vào trường hợp này thì bạn hãy đến bệnh viện để được chăm sóc y tế.
2.5. Thiếu máu huyết tán
Một dạng thiếu máu có tên là "thiếu máu tán huyết" sẽ phá hủy các tế bào hồng cầu và làm cho nước tiểu có màu nâu đỏ. Một số bệnh nhân mắc phải tình trạng thiếu máu này là do di truyền từ cha mẹ. Cũng có người bị thiếu máu tán huyết do biến chứng của một bệnh lý khác, chẳng hạn như rối loạn tự miễn lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm loét đại tràng.
Bên cạnh nước tiểu màu nâu đỏ, thiếu máu tán huyết còn có thể gây ra các triệu chứng như:
- Da tái, nhợt nhạt
- Vàng da hoặc mắt
- Sốt
- Yếu ớt
- Chóng mặt
- Rối loạn ý thức;
- Khó khăn khi hoạt động thể chất;
- Nhịp tim nhanh hơn.
Trong đó, sốt rét ác tính là một trong những thể nặng điển hình có nước tiểu màu nâu đỏ. Nếu bạn gặp những triệu chứng này thì hãy đi khám bác sĩ. Việc điều trị phụ thuộc vào sức khỏe của bạn và nguyên nhân gây thiếu máu.
2.6. Ung thư da
Mặc dù, rất hiếm gặp nhưng đôi khi khối u ác tính sẽ làm cho sắc tố da rò rỉ vào máu. Điều này có thể khiến nước tiểu có màu nâu. Dấu hiệu phổ biến hơn của khối u ung thư da ác tính là sự xuất hiện của những nốt ruồi bất thường. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ đang phát triển trên da hoặc thay đổi nhanh chóng và không biến mất theo thời gian.
2.7. Bệnh Lyme
Một số loài ve mang theo một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng nghiêm trọng, có tên là Babiosis. Đây cũng là một trong những lý do giải thích cho việc nước tiểu sẫm màu. Các triệu chứng khác nếu bạn đã bị Babiosis tấn công bao gồm:
- Sốt hoặc các biểu hiện giống bệnh cúm
- Nhức đầu hoặc đau cơ
- Buồn nôn
- Đau bụng.
2.8. Thuốc
Một số loại thuốc theo toa có thể làm đổi màu nước tiểu, chẳng hạn như:
- Kháng sinh
- Thuốc nhuận tràng
- Thuốc chống sốt rét
- Thuốc giãn cơ.
- Thuốc kháng lao
Màu nước tiểu sẽ trở lại bình thường sau khi bạn hoàn thành đơn thuốc.
2.9. Chế độ ăn uống
Một số loại thức ăn có thể làm nước tiểu bạn có màu nâu đỏ. Đậu răng ngựa (tàu kê / đậu tằm), đại hoàng (rhubarb) và lô hội (nha đam) là những thực phẩm có thể khiến nước tiểu của bạn chuyển sang màu nâu, nếu tiêu thụ với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Màu nước tiểu sẽ sáng dần lên khi những thực phẩm này được bài tiết hết ra khỏi hệ tiêu hóa.
Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm quan trọng trong các gói Khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, giúp khách hàng phát hiện bệnh các bệnh lý qua nước tiểu ở giai đoạn sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.