Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Men răng đóng vai trò quan trọng trong việc chống chịu những tác động bên ngoài giúp bảo vệ phần tủy răng bên trong. Tuy nhiên men răng vẫn có thể bị hư tổn khiến răng nhạy cảm và dễ bị tấn công bởi vi khuẩn.
1. Men răng là gì?
Men răng là lớp bọc bên ngoài của răng, đảm bảo thẩm mỹ cũng như bảo vệ các mô mềm bên trong răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn, các tác động bào mòn và sự ảnh hưởng của nhiệt độ. Chính vì vậy men răng là lớp mô khó bị tác động nhất trong răng miệng, nếu được chăm sóc tốt men răng còn hỗ trợ hoạt động cắn nhỏ và nghiền nát thức ăn.
Tuy men răng khá cứng nhưng thực tế vẫn có thể bị hư tổn và không có khả năng hồi phục. Khi men răng tổn thương các mô mềm bên trong răng sẽ lộ ra ngoài, khiến chúng dễ bị vi khuẩn tấn công hơn, đồng thời gây ra các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm tủy răng hay thậm chí là mất răng nếu không được chữa trị kịp thời.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về răng
Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Tại sao men răng lại bị hư tổn?
Men răng có thể bị tổn thương do các nguyên nhân sau:
- Dùng răng cắn vật cứng: thói quen sử dụng răng để cắn những đồ vật như đầu bút bi, móng tay, xé bao bì hoặc vặn nắp chai rất dễ khiến lớp men răng bị mẻ hoặc nứt vỡ
- Nghiến răng: là thói quen khá phổ biến khi con người gặp phải lo âu, căng thẳng, tức giận. Điều này sẽ khiến lớp men răng bị mài mòn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào các mô mềm bên trong răng
- Dùng thực phẩm ngọt, màu đậm, chất kích thích: thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm ngọt như bánh kẹo, caramel,... các thức uống như cà phê, rượu, nước ngọt hay hút thuốc lá sẽ khiến răng bị tổn thương, xỉn màu. Đây đều là những thực phẩm chứa các acid bào mòn men răng và thúc đẩy sự xâm nhập của vi khuẩn
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách và thường xuyên: Đây là nguyên nhân hàng đầu hình thành nên các mảng bám thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ ở các kẽ răng, viền của nướu. Vi khuẩn trên các mảng bám sẽ dần phá hủy lớp men răng rồi tấn công vào các mô mềm bên trong gây nên các bệnh lý răng miệng
- Ợ chua, nôn mửa: Các bệnh lý trong hệ tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản hoặc sử dụng rượu bia quá độ sẽ tạo nên sự ợ chua hoặc nôn mửa thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến lớp men răng. Nguyên nhân là do khi ợ chua hoặc nôn, acid từ dạ dày sẽ trào ngược lên miệng và làm mòn dần lớp men răng
- Khô miệng: do thiếu nước hoặc tuyến nước bọt hoạt động kém hay tác dụng phụ của thuốc khiến hoạt động trung hòa acid sau mỗi bữa ăn bị hạn chế tạo điều kiện để acid bám lâu trên men răng gây mòn
- Chấn thương: các chấn thương va đập mạnh tại răng và hàm cũng khiến phần men răng bị mẻ, vỡ không thể bảo vệ các mô mềm bên trong răng
Ngoài ra, men răng bị hư tổn còn do các bệnh lý bẩm sinh như tan máu bẩm sinh, sinh non, thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, hội chứng Down,...
3. Phòng ngừa sự tổn thương men răng như thế nào?
Để phòng ngừa được những tác động làm mòn men răng có thể thực hiện một số phương pháp sau:
- Chải răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để làm sạch các mảng bám thức ăn xung quanh chân răng và kẽ răng, chải răng đúng cách, xoay tròn theo chiều dọc, không chải ngang hoặc quá mạnh vì có thể làm mòn men răng
- Dùng bàn chải răng lông mềm, kích thước phù hợp với khoang miệng
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn ở kẽ và chân răng sau mỗi bữa ăn
- Sử dụng nước súc miệng chứa Flour hoặc nước sạch để làm sạch khoang miệng sau khi sử dụng các thực phẩm có chứa acid (các loại trái cây, trà,...) hoặc sau ợ chua, nôn mửa
- Hạn chế ăn thức ăn ngọt, uống rượu bia, không hút thuốc lá
- Không dùng răng để cắn các đồ vật cứng
- Khám và lấy cao răng định kỳ mỗi năm 2 lần
- Tránh bỏ bữa vì hoạt động nhai ở mỗi bữa sẽ kích thích tuyến nước bọt hoạt động. Nhai kẹo cao su để cải thiện tình trạng khô miệng
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
- Đeo máng chống nghiến răng khi ngủ nếu có thói quen này
Men răng đảm nhận một vai trò rất lớn để bảo vệ sức khỏe răng miệng, nhưng chúng rất dễ tổn thương vì các thói quen hàng ngày. Do đó, để đảm bảo sức khỏe răng miệng nói chung và men răng nói riêng bệnh nhân cần thay đổi các thói quen, đồng thời khám răng định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.