Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm PAP, hay còn gọi là phết tế bào cổ tử cung hay xét nghiệm tầm soát tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung phổ biến biến nhất hiện nay. Xét nghiệm sẽ tìm kiếm và phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung, có nguy cơ dẫn đến ung thư. Xét nghiệm này được Georgios Nikolaou PAPanikolaou - bác sĩ lỗi lạc người Hy Lạp tìm ra. Vì thế, tên gọi của xét nghiệm này được lấy theo tên ông, đến nay vẫn được sử dụng hiệu quả trong y học.
1. Tại sao cần xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, xảy ra do sự biến đổi ác tính của các tế bào ở cổ tử cung.
Có hai phần của cổ tử cung chứa hai loại tế bào khác nhau là: Phần trong cùng của cổ tử cung là phần dẫn từ tử cung vào âm đạo chứa các tế bào cột chịu trách nhiệm tiết chất nhầy. Phần bên ngoài của cổ tử cung, và nhô vào âm đạo là nơi chứa các tế bào vảy, có dạng như vảy cá khi nhìn dưới kính hiển vi. Vùng giao nhau giữa hai loại tế bào này là nơi mà hầu hết ung thư cổ tử cung và tế bào tiền ung thư hình thành.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung có vai trò rất quan trọng để chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung. Nếu được chẩn đoán ung thư sớm, điều trị hiệu quả là điều hoàn toàn có thể.
Có hai xét nghiệm thường được đề nghị nhằm mục đích chẩn đoán ung thư cổ tử cung sớm bao gồm:
- Pap smear: Là một phương pháp sàng lọc có thể giúp phát hiện các tế bào bất thường và ung thư thông qua việc phân tích các mẫu tế bào được lấy từ cổ tử cung.
- Xét nghiệm papillomavirus ở người (HPV), phát hiện DNA từ HPV để kiểm tra cả sự hiện diện và chủng loại virus. HPV là một loại virus có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung trong một số trường hợp. Có hơn 150 loại HPV, tuy nhiên chỉ có một số loại ví dụ như loại 16 và 19 có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. HPV có thể truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng khi có tiếp xúc da kề da.
Các kết quả xét nghiệm này có thể giúp xác định liệu một người có bị ung thư cổ tử cung hay không hoặc nguy cơ mắc phải ung thư. Những xét nghiệm này có thể giúp phát hiện:
- Thay đổi tế bào tiền ung thư;
- Sự hiện diện của HPV;
- Sự xuất hiện của ung thư.
Sàng lọc định kỳ không phải lúc nào cũng bao gồm cả hai xét nghiệm cùng một lúc, nhưng một người có thể yêu cầu xét nghiệm đồng thời cả HPV và Pap smear.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tỉ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ phết tế bào Pap.
2. Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung
- Không tiêm đủ vắc-xin HPV;
- Không kiểm tra, thăm khám định kỳ;
- Nhiễm HPV;
- Hút thuốc;
- Quan hệ tình dục không an toàn;
- Có nhiều bạn tình;
- Bị nhiễm chlamydia;
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu, ví dụ do HIV
- Không ăn hoặc ăn ít các loại rau, trái cây;
- Thừa cân;
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài;
- Sử dụng vòng tránh thai để ngừa thai;
- Mang thai nhiều lần;
- Mang thai đủ tháng đầu tiên dưới 18 tuổi;
- Đang dùng thuốc nội tiết tố DES hoặc có mẹ đã sử dụng khi mang thai.
Các bác sĩ cũng khuyên không nên thụt rửa, vì điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn âm đạo.
3. Khi nào nên làm phết tế bào cổ tử cung
Khuyến nghị về tần số phết tế bào Pap phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm:
- Tuổi tác;
- Tiền sử bệnh lý;
- Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) khi còn trong bụng mẹ;
- Tình trạng suy giảm miễn dịch, HIV;
Các chuyên gia khuyến nghị rằng:
- Phụ nữ 21-29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
- Phụ nữ ở độ tuổi 30-65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm hoặc xét nghiệm HPV cứ sau 5 năm hoặc xét nghiệm đồng xét nghiệm Pap và HPV sau mỗi 5 năm.
- Sau 65 tuổi, hầu hết phụ nữ sẽ không cần phết tế bào Pap. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro của mỗi người khác nhau.
Những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm bất thường trước đó và những người nhiều bạn tình có thể cần xét nghiệm thường xuyên hơn.
Sau khi cắt bỏ tử cung hoàn toàn bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung, có thể không cần phải tiếp tục thực hiện xét nghiệm Pap.
Tuy nhiên, bất cứ ai phẫu thuật cắt tử cung do có các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư nên tiếp tục kiểm tra thường xuyên.
Mỗi trường hợp đều có những tình trạng khác nhau, vì vậy cần nói chuyện với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ và nhu cầu sàng lọc ung thư cổ tử cung của bản thân.
4. Các bước thực hiện lấy phết tế bào cổ tử cung
4.1 Chuẩn bị
Bệnh nhân:
- Lấy mẫu ở nửa chu kỳ sau của kinh nguyệt để tránh mẫu không bị lẫn nhiều máu. Không lấy mẫu phết cổ tử cung khi đang có kinh. Trong những ngày đèn đỏ, xét nghiệm này vẫn có thể thực hiện được nhưng không đảm bảo kết quả chính xác.
- Hướng dẫn bệnh nhân không thụt rửa âm đạo, không đặt bất kỳ thuốc nào vào âm đạo, không giao hợp trong vòng 48 giờ trước khi lấy mẫu.
- Hướng dẫn bệnh nhân nằm tư thế sản khoa. Dùng mỏ vịt không bôi chất làm trơn (có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm để làm trơn mỏ vịt), bộc lộ cổ tử cung hoàn toàn, sao cho có thể thấy cổ tử cung rõ ràng nhất.
Phiếu xét nghiệm bắt buộc phải có những thông tin tối thiểu sau:
- Họ và tên
- Năm sinh (hoặc Tuổi)
- PARA
- Ngày lấy mẫu
- Vị trí lấy mẫu: cổ trong cổ tử cung, cổ ngoài cổ tử cung, mỏm cắt âm đạo, âm đạo
- Họ và tên người lấy mẫu
- Thông tin lâm sàng: ngày kinh chót, chẩn đoán, điều trị trước đó.
Lam và lọ đựng bệnh phẩm:
- Dùng viết chì viết lên phần kính mờ của lam họ và tên bệnh nhân, mã số bệnh nhân. Nếu dùng 2 lam cho phết cổ tử cung, cần có ký hiệu rõ lam cho cổ ngoài cổ tử cung (C: ectocervix) và lam cho cổ trong cổ tử cung (E: endocervix).
- Lọ đựng lam cũng phải được ghi họ tên bệnh nhân rõ ràng.
Các dụng cụ cần thiết:
- Mỏ vịt âm đạo
- Spatula bằng nhựa hoặc gỗ
- Bàn chải tế bào (Cytobrush®)
- Dung dịch cố định (bình xịt dung dịch cố định hoặc lọ đựng dung dịch ethyl alcohol 95
- Lam sạch (có phần kính mờ ở một đầu lam)
- Viết chì đen (loại dành cho phòng xét nghiệm)
- Phiếu xét nghiệm tế bào
4.2 Các bước lấy mẫu
Trước khi lấy mẫu, viết lên lam họ và tên bệnh nhân và vị trí lấy bệnh phẩm. Dùng mỏ vịt không bôi trơn (có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm để làm trơn mỏ vịt). Quan sát cổ tử cung, chú ý vùng chuyển tiếp (transformation zone) và các vùng bất thường ở cổ tử cung. Khi lấy mẫu, phải lấy được mẫu ở vùng chuyển tiếp và các vùng bất thường (nếu thấy được). Vùng chuyển tiếp là vùng nằm giữa 2 giới hạn: giới hạn ngoài (cổ ngoài cổ tử cung) và giới hạn trong ( nơi biểu mô trụ gặp biểu mô lát).
Bước 1: Chùi sạch cổ tử cung (chỉ thực hiện khi có quá nhiều dịch tiết ở cổ tử cung): Dùng 1 que quấn gòn chùi nhẹ nhàng cổ tử cung, chùi bớt chất nhầy ở lỗ cổ tử cung. Lưu ý không được rửa cổ tử cung bằng nước muối sinh lý.
Bước 2: Lấy mẫu
* Nếu cần xét nghiệm Chlamydia, thì lấy mẫu xét nghiệm Chlamydia trước khi làm phết cổ tử cung.
* Phết cổ tử cung thường quy
- Kỹ thuật lấy mẫu 1 lam (dùng 1 spatula và 1 bàn chải tế bào (Cytobrush®)):
Sau khi quan sát cổ tử cung rõ ràng, dùng spatula đầu to, cào toàn bộ chu vi cổ ngoài cổ tử cung (xoay spatula 360o). Bắt đầu cào ở vị trí 9g, xoay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ, kết thúc ở vị trí 9g (có thể xoay vòng ngược chiều kim đồng hồ, từ vị trí 3g đến 3g). Bằng cách này, tế bào sẽ nằm phía trên mặt phẳng ngang khi rút spatula ra. Rút spatula ra. Đừng phết tế bào lên lam. Giữ spatula trong 1 tay, tay kia tiếp tục lấy mẫu cổ trong cổ tử cung. Hoặc có thể để spatula lên lam, đưa phần có bệnh phẩm hướng lên trên, rồi tiếp tục lấy mẫu cổ trong cổ tử cung.
Đưa bàn chải tế bào vào trong cổ trong cổ tử cung cho đến khi tất cả các lông bàn chải tiếp xúc hoàn toàn với cổ tử cung. Không đưa bàn chải vào quá sâu, chỉ đưa vào bằng chiều dài bàn chải (1.5 – 2 cm) Xoay bàn chải 1⁄4 - 1⁄2 vòng, theo 1 chiều. Lưu ý không xoay > 1⁄2 vòng. Không nên xoay nhiều vòng vì có thể làm cổ tử cung chảy máu. Rút bàn chải tế bào ra.
Nhanh chóng phết tế bào trên spatula lên một nửa lam ở kế bên phần kính mờ. Phết theo 1 chiều duy nhất. Phết mỏng đều, sao cho chỉ có 1 lớp tế bào. Dàn mỏng những vùng tế bào bị dồn cục. Tránh thao tác quá mạnh tay làm hủy hoại tế bào.
Nhanh chóng phết tế bào trên bàn chải lên một nửa lam, phía đối diện với phần kính mờ. Phết tế bào bằng cách xoay vòng bàn chải theo chiều dài của lam, vừa xoay vừa đè nhẹ bàn chải. Sau đó phết lớp thứ hai chồng lên phết thứ nhất.
Cố định mẫu ngay lập tức.
2. Kỹ thuật lấy mẫu 1 lam (dùng 1 spatula):
Sau khi quan sát cổ tử cung rõ ràng, dùng đầu ngắn của spatula cào toàn bộ chu vi cổ ngoài cổ tử cung (xoay spatula 360o). Bắt đầu cào ở vị trí 9g, xoay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ, kết thúc ở vị trí 9g (có thể xoay vòng ngược chiều kim đồng hồ, từ vị trí 3g đến 3g). Rút spatula ra. Đừng phết tế bào lên lam.
Dùng đầu dài của spatula cào toàn bộ chu vi cổ trong cổ tử cung (xoay spatula 360o). Bắt đầu cào ở vị trí 9g, xoay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ, kết thúc ở vị trí 9g.
Nhanh chóng phết tế bào trên đầu ngắn spatula lên một nửa lam ở kế bên phần kính mờ. Phết theo 1 chiều duy nhất. Phết mỏng đều, sao cho chỉ có 1 lớp tế bào.
- Nhanh chóng phết tế bào trên đầu dài của spatula lên một nửa lam phía đối diện với phần kính mờ. Phết theo 1 chiều duy nhất. Phết mỏng đều, sao cho chỉ có 1 lớp tế bào.
Cố định mẫu ngay lập tức.
3. Kỹ thuật lấy mẫu 2 lam (dùng 1 spatula và 1 bàn chải tế bào (Cytobrush®)):
Sau khi quan sát cổ tử cung rõ ràng, dùng spatula đầu to cào toàn bộ chu vi cổ ngoài cổ tử cung. Rút spatula ra, nhanh chóng phết tế bào lên lam (1) (lam có ký hiệu “C”). Cố định mẫu ngay lập tức.
Đưa bàn chải tế bào vào trong cổ trong cổ tử cung và xoay nửa vòng. Rút bàn chải tế bào ra, nhanh chóng phết tế bào lên lam (2) (lam có ký hiệu “E”). Cố định mẫu ngay lập tức.
4. Kỹ thuật lấy mẫu 2 lam (dùng 1 spatula):
Sau khi quan sát cổ tử cung rõ ràng, dùng đầu ngắn của spatula cào toàn bộ chu vi cổ ngoài cổ tử cung (xoay spatula 360o). Bắt đầu cào ở vị trí 9g, xoay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ, kết thúc ở vị trí 9g. Rút spatula ra.
Nhanh chóng phết tế bào trên đầu ngắn spatula lên lam (1) (lam có ký hiệu “C”). Phết theo 1 chiều duy nhất. Phết mỏng đều, sao cho chỉ có 1 lớp tế bào. Cố định mẫu ngay lập tức.
Dùng đầu dài của spatula cào toàn bộ chu vi cổ trong cổ tử cung (xoay spatula 360o). Bắt đầu cào ở vị trí 9g, xoay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ, kết thúc ở vị trí 9g.
Nhanh chóng phết tế bào trên đầu dài của spatula lên lam (2) (lam có ký hiệu “E”). Phết theo 1 chiều duy nhất. Phết mỏng đều, sao cho chỉ có 1 lớp tế bào. Cố định mẫu ngay lập tức.
5. Kỹ thuật lấy mẫu chỉ bằng cây chổi tế bào (Cervix Brush®) (1 lam):
Dùng cây chổi tế bào đưa vào cổ tử cung, với phần lông dài ở giữa nằm ở trong kênh cổ tử cung, phần lông ngắn ở ngoài tựa vào cổ ngoài cổ tử cung. Xoay chổi 2-3 lần quanh bề mặt cổ tử cung, theo cả 2 chiều. Rút cây chổi ra. Phết tế bào lên lam giống như động tác quét sơn. Phết cả 2 mặt của chổi. Phết lớp thứ 2 phủ lên lớp thứ nhất.
Cố định mẫu ngay lập tức.
* Phết cổ tử cung nhúng dịch (ThinPrep® Pap test)
Dùng spatula và bàn chải tế bào:
- Lấy mẫu cổ ngoài cổ tử cung bằng spatula như trên mô tả. Nhúng spatula vào lọ đựng dung dịch cố định tế bào (Preserv Cyt®: là loại dung dịch cố định tế bào, có thành phần chủ yếu là methanol, có thể bảo quản tế bào đến 3 tuần ở nhiệt độ 4oC – 37oC). Quậy mạnh spatula trong lọ 10 lần. Lấy spatula ra.
- Lấy mẫu cổ trong cổ tử cung bằng bàn chải tế bào như trên mô tả. Nhúng bàn chải vào lọ Preserv Cyt®. Vừa xoay, vừa đè bàn chải vào thành lọ, làm 10 lần. Sau đó xoắn mạnh bàn chải để làm tế bào bong ra thêm. Lấy bàn chải ra. Đậy nắp lọ cẩn thận.
Dùng cây chổi tế bào (Cervix Brush®):
Đưa chổi vào cổ tử cung, với phần lông dài ở giữa nằm ở trong kênh cổ tử cung. Xoay chổi 2-3 lần quanh bề mặt cổ tử cung. Rút cây chổi ra, nhúng vào lọ đựng dung dịch cố định tế bào (Preserv Cyt®). Đập chổi vào đáy lọ 10 lần, đè mạnh để các sợi lông chổi rời nhau ra. Cuối cùng xoắn chổi thật mạnh để tế bào bong ra thêm. Lấy cây chổi ra. Đậy nắp lọ cẩn thận. Nhớ ghi tên bệnh nhân lên lọ.
Bước 3: Cố định mẫu (đối với phết cổ tử cung thường quy và phết âm đạo thường quy)
- Cố định mẫu ngay lập tức (trong vòng 10 – 15 giây) để tránh khô tế bào.
- Để lam trong lọ có ethyl alcohol 95%. Phải bảo đảm phần bệnh phẩm trên lam nằm hoàn toàn trong dung dịch cố định.
- Hoặc xịt dung dịch cố định lên lam. Cầm bình xịt cách lam 20-30 cm.
- Gửi mẫu đến phòng Tế bào cùng với phiếu xét nghiệm tế bào.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.