Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Can thiệp mạch vành bằng cách nong bóng hay đặt stent là kỹ thuật điều trị hiện đại cho các bệnh lý hẹp mạch vành. Tuy nhiên, biến chứng tái hẹp sau đặt stent mạch vành là vấn đề đáng quan tâm đối với sức khỏe bệnh nhân.
1. Tỉ lệ tái hẹp sau nong mạch và đặt stent
Giai đoạn đầu với can thiệp bằng cách nong bóng đơn thuần (đưa một bóng vào vị trí hẹp và bơm căng để mở rộng mạch vành tại vị trí đó), tỷ lệ tái hẹp xảy ra tương đối cao (40 - 50%), do sự co hồi mạch máu.
Hiện nay, can thiệp mạch vành là sự kết hợp nong mạch và đặt một giá đỡ gọi là stent đã giúp các bác sĩ thành công hơn trong việc hạn chế tái hẹp sau can thiệp. Với loại giá đỡ là kim loại đơn thuần (stent trần), tỉ lệ tái hẹp trong stent là 20 - 30% trong 12 tháng và tỷ lệ này giảm thấp hơn với stent có tẩm thuốc. Đối với thế hệ đầu tiên của thuốc, tỉ lệ tái hẹp là khoảng 15% sau 5 năm. Một số loại stent phủ thuốc thế hệ mới thì tỉ lệ này giảm còn khoảng 5 - 7% ở thời điểm 5 năm sau can thiệp.
Theo thống kê, thời điểm hay xảy ra tái hẹp nhất là từ 3 đến 12 tháng sau can thiệp mạch vành qua da.
2. Nguyên nhân gây tái hẹp sau nong mạch
2.1. Tái hẹp do tổn thương thành mạch
Để thực hiện kĩ thuật can thiệp mạch, các bác sĩ sẽ sử dụng bóng sẽ được bơm phồng làm mở rộng lòng của động mạch mạch. Sau đó, một hệ thống giá đỡ (stent) được đưa vào vị trí hẹp với nhiệm vụ là giữ cho động mạch mở rộng không bị xẹp xuống.
Do đó, nong mạch và đặt stent dù hiện đại đến mức độ nào thì cũng đều là một dạng chấn thương mô, bề mặt lòng mạch. Sự chèn ép các mảng bám trong quá trình nong và đặt stent gần như sẽ tạo ra chấn thương cho thành mạch máu. Tác động này làm kích hoạt một chuỗi các phản ứng viêm, tạo hạt, sửa chữa tế bào và tăng sinh tế bào nội mô.
Các tế bào nội mô phủ trong lòng động mạch vành sẽ tăng sinh, nhân lên tại vị trí chấn thương. Nếu sự gia tăng này không được kiểm soát, sự tắc nghẽn sẽ dẫn đến biến chứng tái hẹp trong stent.
2.2. Tái hẹp do xơ vữa động mạch
Bên cạnh chấn thương mô, xơ vữa động mạch tái phát cũng được xem là nguyên nhân của tái hẹp sau nong mạch và đặt stent. Điểm khác biệt rõ nhất đó là thời gian tái hẹp do xơ vữa động mạch thường chậm hơn, xuất hiện sau 1 năm can thiệp mạch vành.
2.3. Tái hẹp sau đặt stent mạch do huyết khối
Tái hẹp do huyết khối là sự tắc nghẽn với tính chất đột ngột của stent, do sự hình thành cục máu đông. Đây là vấn đề tương đối nghiêm trong do huyết khối sẽ làm tắc hoàn toàn động mạch vành sau đặt stent.
Thời điểm xuất hiện cục máu đông dao động từ vài ngày đến vài tháng sau can thiệp mạch vành và việc sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu được khẳng định là giảm đáng kể nguy cơ tái hẹp sau đặt stent mạch do huyết khối. Nghiên cứu đã chứng minh là bệnh nhân cần phải uống suốt đời sau khi đặt stent để dự phòng huyết khối.
Việc bỏ thuốc hoặc dùng thuốc không đúng chỉ định đôi khi lại có thể dẫn đến huyết khối muộn trong stent - huyết khối xuất hiện trên 1 năm, tuy nhiên vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi và chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác.
3. Các loại hình tái hẹp trong stent theo AHA 1999
3.1. Tái hẹp trong stent loại I: tại chỗ
- Kiểu Ia: Tái hẹp tại khớp hoặc chỗ nối của stent.
- Kiểu Ib: Tái hẹp tại bờ của stent.
- Kiểu Ic: Tái hẹp trong thân của stent.
- Kiểu Id: Tái hẹp nhiều vị trí.
3.2. Tái hẹp trong stent loại II, III, IV: lan tỏa
- Loại II: Tái hẹp trong stent lan tỏa.
- Loại III: Tái hẹp do tăng sinh mô nhiều, chưa gây tắc hoàn toàn.
- Loại IV: Tái hẹp gây tắc hoàn toàn mạch vành.
4. Điều trị tái hẹp sau nong mạch
Các phương pháp điều trị tái hẹp sau đặt stent mạch vành bao gồm:
- Thực hiện một cuộc can thiệp mạch lại, đặt một stent khác tại vị trí stent bị hẹp hay chỉ nong bằng bóng phủ thuốc đơn thuần.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một lựa chọn khác cho bệnh nhân tái hẹp trong stent, đặc biệt là nếu tái hẹp sau khi dùng stent thứ hai.
Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị bằng thuốc sau khi đặt stent, đặc biệt nhất là thuốc chống kết tập tiểu cầu để dự phòng huyết khối và kiểm soát mỡ máu chống xơ vữa động mạch bằng nhóm statin.
Bên cạnh đó, cần cải thiện lối sống, tập thể dục, ăn uống lành mạnh bằng cách hạn chế dầu mỡ, bia rượu, giữ trọng lượng cơ thể tiêu chuẩn, không hút thuốc lá và tái khám đúng lịch hẹn để phát hiện sớm các bất thường.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán can thiệp mạch vành
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.